Ông chủ khu du lịch được đánh giá là lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến có tên thật là Huỳnh Phi Dũng. Sau đó, vị này quyết định đổi tên là Huỳnh Uy Dũng, với biệt danh Dũng "lò vôi", nổi tiếng với những quyết định kinh doanh không giống ai.
Sau khi chuyển từ việc kinh doanh lò vôi sang phụ trách xí nghiệp Sơn mài Thành Lễ (khi đó đang thua lỗ nặng), ông Huỳnh Uy Dũng từng đưa ra điều kiện: nếu làm ăn thua lỗ, ông sẽ bỏ tiền túi ra bồi thường, còn ngược lại, phải trích cho ông 10% tiền lời thu được. Ngoài ra, mọi việc kinh doanh, bố trí nhân sự đều phải do ông tự sắp xếp. Ngay trong năm đầu tiên đảm nhận cương vị, vị giám đốc này đã đưa công ty cán mốc lợi nhuận 28,8 tỷ đồng, trong khi ngân sách của tỉnh khi đó chỉ là 40 tỷ đồng/năm.
Ông Dũng đã chuyển nhượng lại toàn bộ gia tài nghìn tỷ của mình cho cậu con trai vừa tròn 1 tuổi theo đúng tuyên bố trước đó của mình. |
Để có được giấy phép kinh doanh của tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Uy Dũng từng làm một điều mà giới đầu tư cho là "khùng", khi quyết định rót vốn vào khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam - Bình Đường. Sau Bình Đường, ông chủ Đại Nam tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác. Thời điểm ông xây dựng Sóng Thần 3 cũng là lúc thị trường nhà đất đang lên cơn sốt, nhiều người gợi ý ông nên chuyển 500ha đất để chuyển sang xây dựng khu đô thị, nhưng vị này từ chối.
Đại Nam Văn Hiến được ông Dũng "lò vôi" bắt tay vào xây dựng từ tháng 9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á. Dự án này cũng khiến ông chủ Đại Nam mang tiếng "hâm hâm", với "ước mơ ngu xuẩn" khi rót 3.000 tỷ đồng và huy động 2.000 nhân công xây dựng. Trong lễ khánh thành khu du lịch vào tháng 9/2008, ông chủ Đại Nam cũng lập "lời thề không nợ nần ai", với tuyên bố kể từ thời điểm này, công ty không còn nợ nần ai, và không còn mượn ai một đồng nào.
Tháng 1/2013, vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng (phó tổng giám đốc Đại Nam) dính tin đồn đem toàn bộ tài sản đi thế chấp món vay 2.000 tỷ đồng, và bản thân ông chủ Đại Nam bị tâm thần có giấy chứng nhận của bác sĩ. Bất bình trước thông tin này, ông Dũng đã treo thưởng sổ tiết kiệm 100 tỷ đồng cho ai chứng minh được một trong những điều kể trên.
Không những thế, vị này còn tuyên bố sẽ sang nhượng lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại khu Đền thờ Đại Nam, đồng thời sẽ bỏ thêm tiền xây dựng 17 khu đền khác trên khắp Việt Nam. Đến tháng 9/2013, ông đã chính thức tuyên bố chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho con trai Huỳnh Hằng Hữu vừa tròn 1 tuổi.
Bé Hữu chính thức trở thành chủ khối tài sản khổng lồ của người cha "đại gia". Nhưng trước mắt, toàn bộ khối tài sản này cậu bé Huỳnh Hằng Hữu phải tuân theo sự chỉ đạo của vợ chồng ông Dũng “lò vôi” và Hội đồng giám sát gồm 10 thành viên, cho đến khi tròn 18 tuổi mới được quyết định riêng theo di chúc mà cha hoặc mẹ để lại.
Tuy giàu có, nhưng ông chủ Đại Nam lại có một cuộc sống riêng khá thanh đạm. Ông hàng ngày vẫn đi xe máy loại thường quanh khu du lịch, mỗi ngày ăn chưa tới 50.000 đồng, một tuần ăn chay 4 ngày. Thậm chí, vị này còn ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu nhà riêng tự cung tự cấp, trồng 4 sào lúa, nuôi hồ cá, có vườn quả và trồng đậu tương để ép dầu làm đèn cầy thắp sáng cho Đền Đại Nam.