Những quyết định gây tranh cãi vụ Shiseido
Hiện công ty Thủy Lộc và SCV đang lôi nhau ra tòa kinh tế để giải quyết vụ kiện xung quanh thương hiệu Shiseido. Chưa biết vụ kiện này đi đến đâu? Hồi kết ra sao?
>> Công ty của nữ đại gia Diệu Hiền xin khất nợ trong 2 năm
>> Nữ tỷ phú xinh đẹp đang ngập nợ bỗng biến mất
Nhưng điều dễ thấy nhất là quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, những người đã đưa sản phẩm Shiseido đến tay người tiêu dùng đang bị các bên liên quan "đá bóng trách nhiệm" cho nhau?.
SCV lách luật?
Vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, công ty Thủy Lộc đã chính thức bán quyền điều hành, quản lý và toàn bộ phần tài sản của Thủy Lộc có trong hệ thống cửa hàng bán lẻ cho phía công ty SCV. Tổng giá trị 8,25 triệu USD.
Tuy nhiên, điều bất thường là ngay đầu năm 2010, Thủy Lộc và SCV ký tiếp 1 bản hợp đồng với nội dung Thủy Lộc tiếp tục trở thành nhà bán lẻ mỹ phẩm Shiseido, mặc dù trong tay Thủy Lộc không còn hệ thống bán lẻ nữa ? Ngoài ra, hai bên còn ký với nhau "hợp đồng tư vấn quản lý kinh doanh mỹ phẩm".
Bà Lê Hoài Anh - TGĐ Công ty Thủy Lộc đã từng thông tin với báo chí rằng: "Thuỷ Lộc chỉ đứng tên về mặt danh nghĩa pháp luật, để ký tên trong các văn bản giấy tờ". Và trong cuộc họp báo mới đây, ông Tatsuki Nagao - TGĐ, đại diện cho công ty SCV xác nhận "Thủy Lộc cần phải tiếp tục vận hành hệ thống, cho đến khi SCV có khả năng thông qua việc nộp đơn xin chấp thuận định kỳ...và sau đó để tiếp quản các cửa hàng bán lẻ".
Như vậy dư luận và các nhà đầu tư không ngần ngại đặt ra nghi vấn, SCV đã lợi dụng danh nghĩa của Thủy Lộc để lách luật hoạt động tại thị trường Việt Nam ?
Một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư tố cáo đến các cơ quan chức năng là SCV đã xây dựng một hệ thống bán lẻ mới có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể là SCV đã xin giấy phép cho 4 cơ sở bán lẻ tại các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM. Thế nhưng, trên thực tế SCV đã có hơn chục cửa hàng bán lẻ tại những nơi này.
Theo tìm hiểu, việc xin phép các cơ quan chức năng hình thành cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam theo đúng luật pháp thì phải có lộ trình, thời gian nhất định và mỗi giấy phép chỉ được cấp cho một cửa hàng duy nhất.
Điều làm các nhà đầu tư bức xúc là thái độ, cách ứng xử trước sau không thống nhất của công ty SCV. Cụ thể bà Lê Hoài Anh khẳng định, trong các hợp đồng mua bán có điều khoản đề cập SCV phải tái thương lượng hợp tác kinh doanh với các đối tác của Thủy Lộc (tức 13 nhà đầu tư tại Việt Nam).
Khi lùm xùm xảy ra, các nhà đầu tư phản ứng thì đại diện SCV đã có nhiều cuộc họp với các nhà đầu tư, nêu rõ quan điểm "luôn tôn trọng các đối tác của Thủy Lộc, chúng tôi sẽ mua lại sau" hoặc "mọi việc không có gì thay đổi"... Tuy nhiên gần đây đại diện SCV lại thẳng thừng tuyên bố, không biết đối tác của Thủy Lộc là ai ? hoặc "Không thể xác định chính xác mối quan hệ giữa Thủy Lộc và các đối tác của họ" (?)
Phong tỏa tài sản: hết đường buôn bán
Chính do những rắc rối diễn ra trong thời gian gần đây, công ty Thủy Lộc đã tổ chức họp báo về việc chấm dứt hợp đồng kinh doanh mỹ phẩm với SCV. Đáp trả chỉ sau vài ngày, SCV cũng có cuộc gặp gỡ báo chí để đưa ra thông tin mang tính chất tương tự.
Bất ngờ hơn, công ty SCV đã khởi kiện dân sự công ty Thủy Lộc ra Trung tâm trọng tài kinh tế quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế TP.HCM... và được những cơ quan này thụ lý vụ kiện. Phía SCV đã khởi kiện, buộc Thủy Lộc phải hoàn trả khoản nợ gần 54 tỷ đồng với những hàng hóa mà Thủy Lộc bán, chưa thanh tóan tiền hàng cho SCV.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo ngày 8/2 mới đây, ông Tatsuki Nagao liên tục né tránh câu hỏi của báo chí về khoản nợ này...
Trong khi đó bà Lê Hoài Anh, TGĐ Thủy Lộc lại "đập" ngược lại quan điểm của sếp SCV. Bà lý luận: chính SCV mới là đơn vị phải hoàn trả tiền cho Thủy Lộc, bởi lẽ SCV điều hành, quản lý kém đã làm cho Thủy Lộc bị thua lỗ mà đến nay tạm tính là 30 tỷ đồng cùng với nhiều thiệt hại khác cũng lên đến hàng chục tỷ đồng (?)
Bất ngờ hơn nữa. mới đây thẩm phán Nguyễn Công Phú - thuộc tòa kinh tế, TAND TP.HCM - ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản và tài sản của công ty Thủy Lộc, bao gồm toàn bộ hệ thống các cửa hàng bán lẻ do Thủy Lộc đứng tên và kể cả những cửa hàng không phải do Thủy Lộc đứng tên, với tổng trị giá phong tỏa lên đến trên dưới 100 tỷ đồng, để đảm bảo cho vụ kiện.
Ngay sau khi tiếp nhận quyết định này, bà Lê Hoài Anh đã có đơn khiếu nại gửi TAND TP.HCM cho rằng đây là quyết định trái pháp luật.
Theo bà Hoài Anh, hồ sơ vụ kiện trên có nhiều sai phạm không đáng có: quyết định phong tỏa tài khoản ngân hàng không nói rõ số tài khoản, người sở hữu cũng như xác nhận của người có chức trách của ngân hàng.
Số tiền SCV ký quỹ bảo đảm cho vụ kiện chỉ hơn 3,4 tỷ đồng (chỉ bằng 4% tàn sản mà Thủy Lộc bị phong tỏa) trong khi đó điều 117 Luật tố tụng dân sự nói rõ là khoản này phải tương đương; quyết định phân công thẩm phán Nguyễn Công Phú thụ lý vụ kiện chỉ có dòng phó chánh án ký thay chánh án mà không thấy ghi rõ họ tên, có con dấu của TAND TP.HCM...
Bà Lê Hoài Anh xác nhận đã sao chụp các văn bản này làm chứng cứ và sẽ có đơn tố cáo riêng thẩm phán Nguyễn Công Phú.
Điều đáng nói hơn, ngày 22/2 vừa qua, đồng loạt 13 nhà đầu tư đã ký đơn gửi đến Viện KSND, TAND tối cao, TAND TP.HCM, Hà Nội và các cơ quan Trung ương để khiến nại khẩn cấp về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.HCM do thẩm phán Nguyễn Công Phú ký.
Đơn của các nhà đầu tư có nói rõ, 42 cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido bị phong tỏa, có 18 cửa hàng của họ; trong số đó nhiều cửa hàng thuộc sở hữu kinh doanh cá thể, hoàn toàn không có phần hùn của công ty Thủy Lộc hay của SCV; đây là tài sản của chính cá nhân các nhà đầu tư bỗng dưng bị phong tỏa gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.
Đơn khiếu nại đặt ra vấn đề, công ty SCV đã không trung thực khi đưa ra danh sách các cửa hàng không thuộc quyền quản lý cũng như tài sản tại các cửa hàng, vào diện phong toả trong vụ kiện tụng liên quan đến Thuỷ Lộc và SCV.
Qua đó họ đề nghị các cơ quan chức năng, chánh án TAND TP HCM xem xét lại quyết định có dấu hiệu vi phạm của thẩm phán Nguyễn Công Phú như đã đề cập ở trên.
Theo VEF