'Tiểu quốc trên cây' ở Anh
"Tiểu quốc Wanstonia" nằm trên một con đường dẫn tới thành phố London. Ảnh: Independent |
Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, chính quyền Anh thực hiện một chương trình xây đường bộ lớn. Họ lấp những cánh đồng, chặt cây và phá hoàn toàn vô số ngôi nhà để trải bê tông khắp đất nước. Song ở vùng Wanstead thuộc ngoại ô thủ đô London, chính quyền vấp phải sự kháng cự khi người dân nơi đây tuyên bố những ngôi nhà của họ thuộc một quốc gia có chủ quyền mang tên Wanstonia.
Phần lớn lãnh thổ "tiểu quốc Wanstonia" nằm giữa một nhà cây trên một khu đất mà chính quyền muốn giải tỏa. Sau khi báo Guardian đăng tin về nó, một số người Anh viết thư để bày tỏ sự ủng hộ. Do không có địa chỉ cụ thể, họ đã gửi thẳng thư tới nhà cây. Khi bức thư đầu tiên tới, những người biểu tình coi đó là dấu hiệu chứng tỏ tính hợp pháp của họ.
Do hành động gửi thư, Tòa án Tối cao tuyên bố nhà cây là nơi ở hợp pháp. Phán quyết của tòa gây trở ngại lớn cho tiến trình giải tỏa, Independent cho hay. Mặc dù đa số dư luận chưa bao giờ công nhận Wanstonia là quốc gia hợp pháp, những người biểu tình vẫn chào mừng phán quyết của tòa ngay khi cảnh sát kéo sập "nền cộng hòa" non trẻ.
Biến cửa hàng thành quốc gia để in tiền
Đồng tiền xu của Rudge. Ảnh: La Stampa |
Một trong những quan điểm của chủ nghĩa tự do là mọi người có thể sở hữu đồng tiền riêng. Tuy nhiên, luật pháp ở mọi nơi trên thế giới đều cấm người dân tự in tiền. Vì vậy, khi John Charlton, một người dân ở bang Tasmania thuộc Australia, muốn có đồng tiền riêng, anh quyết định tránh án tù bằng cách tuyên bố cửa hàng của anh là một quốc gia độc lập, La Stampa đưa tin.
Quốc gia của Rudge mang tên “Đại công quốc Avram” và không có lãnh thổ. Rudge phát hành tiền xu từ “một ngân hàng” để tránh nguy cơ tố tụng pháp lý. Trong một thời gian ngắn, đồng tiền của Rudge lưu thông trên thị trường. Hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến cửa hàng của Rudge và đổi AUD (tiền tệ của Australia) lấy đồng xu của "Đại công quốc Avram" và chẳng bao lâu, hoạt động trao đổi của vùng Tasmania đã diễn ra sôi động ở Duchy – nơi còn được gọi là “đất của công tước”. Sau đó, chính quyền Australia bắt đầu chú ý tới nơi này.
Khi chính phủ can thiệp, mọi chuyện khá là mơ hồ. Công chúng biết chính quyền Australia khám xét cửa hàng của Rudge và tịch thu tất cả tiền xu. Sau đó họ bắt Rudge. Nhưng kết cục của vụ án không rõ ràng. Rudge và vài người khác tuyên bố rằng tòa án không kết tội anh - động thái chứng tỏ quốc gia và đồng tiền của Rudge là hợp pháp. Những người khác cho rằng chính quyền Australia chỉ quyết định không khởi tố vụ án. Dù vậy, Rudge vẫn tiếp tục phát hành tiền xu và thỉnh thoảng chúng còn xuất hiện trên eBay.
Lập quốc gia riêng vì bất mãn với giới chức
Dinh thự của triệu phú Dean Kamen trên đảo North Dumpling. Ảnh: CNN |
Dean Kamen, người phát minh xe cá nhân Segway, là chủ sở hữu hòn đảo nhỏ North Dumpling. Nó nằm dọc theo bờ biển của bang Connecticut (nhưng về mặt pháp lý, đảo là một phần của New York). Người dân trên đảo có quốc kỳ, đồng tiền, hiến pháp, hải quân, không quân riêng và sự phê chuẩn của Tổng thống Mỹ.
Quá trình ly khai của đảo bắt đầu vào năm 1987, khi các quan chức New York phản đối Kamen lắp đặt turbine gió trên đảo. Tức giận, Kamen quyết định thành lập lãnh thổ riêng. Bằng cách kết hợp năng lượng gió và năng lượng mặt trời, Kamen giúp North Dumpling không cần tới lưới điện quốc gia. Thậm chí nhà phát minh còn dọa rằng ông sẽ sáp nhập bang Connecticut vào lãnh thổ. Ông làm mọi cách để chọc tức các quan chức từng phản đối tuabine của ông.
Thậm chí Kamen còn liên lạc với tổng thống George H. W. Bush, vốn là bạn của ông, và đề nghị ông chủ Nhà Trắng ký một hiệp ước không xâm lược. Về lý thuyết, hành động ký hiệp ước của Bush đồng nghĩa với việc North Dumpling có vị thế pháp lý cao hơn Kurdistan hay Catalonia.
Tranh chấp của Kamen với chính quyền New York không đi tới hồi kết. Nhưng ngày nay ông vẫn cho rằng đảo North Dumpling là quốc gia hoàn toàn độc lập.