Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những quốc gia nguy hiểm nhất với nhà báo

Sự kiện hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff bị bắt cóc và sát hại khi đang tác nghiệp ở Syria và Iraq càng cho thấy sự nguy hiểm của nghề báo.

Theo số liệu của Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), ít nhất 1.071 nhà báo đã thiệt mạng kể từ năm 1992, trong đó hai năm 2009 và 2012 là năm đẫm máu nhất khi có đến 74 người thiệt mạng mỗi năm. Đa số nguyên nhân là do bị sát hại (chiếm 66%) chứ không phải do xung đột (chiếm 20%), theo CPJ.

Dưới đây là những quốc gia nguy hiểm nhất đối với nhà báo, theo tổng hợp của trang MSN News:

1. Iraq

Với tổng cộng 166 người bị giết, đất nước này là vùng đất chết chóc nhất đối với các nhà báo.

2. Philippines

Có 76 nhà báo bị sát hại ở Philippines theo ghi nhận của CPJ. Trong đó vụ đẫm máu nhất xảy ra tháng 11/2009 với 33 cây bút và 25 người khác bị giết trong vụ thảm sát mang động cơ chính trị ở Maguidanao.

Biểu tình phản đối giết hại nhà báo ở Pakistan.
Biểu tình phản đối giết hại nhà báo ở Pakistan.

3. Syria

CPJ hiện vẫn xem Syria, rơi vào nội chiến từ năm 2011, là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo ngày nay với 67 người bị giết và khoảng 20 người hiện đang mất tích.

4. Algeria

Theo ghi nhận của CPJ, 60 nhà báo đã bị giết ở Algeria, đa số chết trong giai đoạn nội chiến 1991-2002 do bị các bên tham chiến giết hoặc ám sát.

5. Nga

Nga là nước có tỷ lệ giết người cao, đồng thời là quốc gia nguy hiểm của nhà báo với 56 cá nhân bị giết và 8 người đang mất tích. Trong đó gây chấn động là vụ sát hại nhà báo Anna Politkovskaya, một phóng viên điều tra nổi tiếng của Nga.

6. Pakistan

Thống kê cho thấy đã có 54 nhà báo bị giết tại quốc gia này, trong đó có 26 người bị sát hại trong giai đoạn từ năm 2009-2012.

7. Somalia

Ngoài con số 53 nhà báo thiệt mạng, Somalia cũng là nước có tỷ lệ nhà báo buộc phải lưu vong thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo CPJ, các nhà báo ở đây luôn đối mặt với đe dọa, hoặc bị dọa bỏ tù hoặc bị dọa giết.

8. Colombia

Theo CPJ, trong số 45 nhà báo bị giết ở Colombia, có 23 người đang điều tra/đưa tin về tham nhũng, 19 người khác đang đưa tin về chính trị.

Các nhà báo mang theo ảnh đồng nghiệp bị sát hại khi tham gia tuần hành ở Mexico City sau vụ sát hại nhà báo Gregorio Jimenez de la Cruz. năm 2014.
Các nhà báo mang theo ảnh đồng nghiệp bị sát hại khi tham gia tuần hành ở Mexico City sau vụ sát hại nhà báo Gregorio Jimenez de la Cruz. năm 2014.

9. Ấn Độ

Trong số 32 nhà báo bị giết ở Ấn Độ, có nhà báo nổi tiếng viết về tội phạm Jyotirmoy Dey. Ông bị nhiều kẻ tấn công bắn chết, nhưng một tên trùm tội phạm ở Mumbai mới là hung thủ thật sự vì chính y ra lệnh giết chết nhà báo này.

10. Mexico

Khoảng 80% trong số 30 nhà báo bị giết ở Mexico là phóng viên mảng tội phạm. Mexico cũng là nước có số nhà báo được xác nhận mất tích nhiều nhất, với 13 người biến mất từ năm 1982.

Nằm trong danh sách những nước nguy hiểm với nhà báo còn có Brazil (với 29 nhà báo bị giết), Afghanistan (26), Thổ Nhĩ Kỳ (21), Sri Lanka (19) và Bosnia (19).

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/nhung-quoc-gia-nguy-hiem-nhat-voi-nha-bao/641410.html

Theo Minh Anh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm