Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phát ngôn làm nóng thị trường bất động sản 2014

Thị trường bất động sản năm 2014 đã ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc mới. 2014 cũng là năm có không ít những phát ngôn từng làm nóng thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Đừng nói giá nhà Việt Nam cao, chẳng qua là do lương người lao động quá thấp

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại buổi hội thảo “Kinh doanh bất động sản - Cơ hội và thách thức, trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” do Hiệp hội BĐS Việt Nam và trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức sáng 27/11.

Nhận định về thị trường bất động sản, Thứ trưởng cho rằng: Thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục chứ không còn là dấu hiệu phục hồi như nhiều người nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại hội thảo “Kinh doanh bất động sản - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” ngày 27/11 .

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại hội thảo “Kinh doanh bất động sản - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi” ngày 27/11 .

Thứ trưởng dẫn chứng: “Giao dịch tăng nhưng giá cơ bản ổn định, không tăng, cá biệt vẫn có một số khu vực giá giảm, chỉ có một số dự án tại khu vực vị trí đắc địa thì giá có nhích lên chút. Chứng tỏ giá cả tương đối phù hợp với sức mua của người dân, phù hợp với thị trường”.

Còn thực tế sức mua còn đang yếu, theo Thứ trưởng Nam, “Đó là do lương của chúng ta còn quá thấp. Giá nhà ở tại Việt Nam không có tên trong tốp 20 quốc gia có giá nhà ở cao nhất thế giới. Việt Nam không nằm trong tốp 20 về giá nhà cao thì đừng nói là giá nhà cao”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: “Giá bất động sản vẫn có thể giảm nữa”

Giá bất động sản vẫn có thể giảm nữa, nếu như Nhà nước cắt bỏ được những chi phí bất hợp lý đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản.

Đó là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, khi nói về cơ hội tiếp cận, sở hữu căn hộ của số đông người dân, trong bối cảnh thị trường gần như đang ủng hộ người mua.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Trao đổi trên VnEconomy, ông Châu cho rằng: Cơ cấu giá thành bất động sản hiện nay là bất hợp lý, vì do các cơ chế, chính sách điều chỉnh nó.

Trong Luật Đất đai 2013 có quy định, các chủ dự án bất động sản sử dụng đất phải ký quỹ lên tới 30%, đã khiến cho một lượng tiền lớn bị “chôn” vào tài khoản của Nhà nước, trong khi doanh nghiệp không được sử dụng, sẽ khiến cho giá bất động sản ngày càng tăng. Và cuối cùng người mua bất động sản là đối tượng phải gánh chịu sự bất hợp lý này.

Giá bất động sản có những yếu tố bất lợi, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng doanh nghiệp phải mua theo giá thị trường, phải nộp tiền sử dụng đất, chi phí vốn… Những gánh nặng này thực tế người tiêu dùng phải chịu. Giá bất động sản có thể giảm nữa, nếu chúng ta cắt bỏ được những chi phí bất hợp lý này.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP. HCM): “Bất động sản không phải là cháo”

Sáng 24/10, góp với với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (Đại biểu TP.HCM) cho rằng: Quy định về xác lập quyền sở hữu nhà ở - điều 13 (Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở - PV) - là vấn đề sống còn.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh).

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM).

Theo khoản 1, điều 13, "Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau: Trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này, và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở..." Quy định như thế này là chúng ta quan điểm: tiền trao rồi, nhà nhận rồi là xong, một kiểu “tiền trao cháo múc”!

"Tôi xin thưa Quốc hội, bất động sản không phải là “cháo”. Nó là tài sản cực kỳ đặc biệt. Từ thời kỳ cổ đại La Mã cho tới thời Napoléon, cho tới thời điểm này của đất nước ta, việc chiếm hữu bất động sản không được ghi nhận là sở hữu; mà quyền sở hữu chỉ được nhà nước xác lập về pháp lý, khi anh đăng ký với nhà nước và nộp phí mang tính bắt buộc, ta gọi là phí trước bạ”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật: Được gợi ý nộp 8 triệu đồng để làm phí bôi trơn khi cấp sổ đỏ.

Ý kiến trên được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang sáng 29/9.

Vị đại biểu này cho biết cho biết, không chỉ tiêu cực đến mức “cấp sổ đỏ cho người chết”, việc cấp sổ đỏ thời gian qua ở Hà Nội rất chậm trễ, có biểu hiện tiêu cực, những nhiễu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật.

Người dân cho rằng, ở nhiều dự án trong đó có dự án Mễ Trì thượng, để được cấp sổ đỏ phải nộp phí bôi trơn.

“Người dân cho biết, họ được gợi ý phải nộp phí bôi trơn 8 triệu đồng, ai nộp thì được cấp sổ ngay, còn ai không nộp thì tiếp tục phải chờ đợi không biết đến bao giờ. Người dân nghi ngờ có đường dây tiêu cực giữa chủ đầu tư với cơ qua chức năng? Trách nhiệm của Bộ là gì?”, Đại biểu Cương chất vấn.

Những phát ngôn gây xôn xao của đại gia Dũng 'lò vôi'

Sau khi đâm đơn tố cáo chủ tịch Tỉnh Bình Dương, đại gia Dũng "lò vôi" đã có những phát ngôn làm xôn xao dư luận...

http://batdongsan.vietnamnet.vn/fms/tin-noi-bat/119475/nhung-phat-ngon-lam--nong--thi-truong-bat-dong-san-2014.html

Theo Phong Vân/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm