Địa phương chạy chọt thế nào tôi biết hết
Mới đây, sáng 13/1 tại hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh khi nói về vấn đề đầu tư công đã thẳng thắn: “Trung ương phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt thế nào tôi biết hết”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh |
Theo ông, kiểm soát đầu tư công là rất cần thiết, bởi vừa đầu tư quá mức lại vừa không hiệu quả.
“Mới làm Bộ trưởng 3 ngày thì tôi triệu tập cuộc họp để xây dựng một chỉ thị thay đổi toàn diện vấn đề đầu tư công, vì nếu tiếp tục để thế này thì đất nước sẽ vỡ nợ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tôi không dám công bố với các vị số nợ là bao nhiêu. Nợ của những dự án đang dở dang vô cùng lớn, đã đến lúc cần thay đổi mặc dù các địa phương, bộ, ngành rất khó chịu”, ông Vinh nói.
Vì “quá hiểu” nên khi làm Bộ trưởng, ông Bùi Quang Vinh đã cho xây dựng và sau đó Thủ tướng ban hành chỉ thị 1792 có thể coi là “cứu cánh cho nguy cơ vỡ nợ của Việt Nam”.
Chỉ thị này không cho phép bộ trưởng và chủ tịch tỉnh được ký một công trình nào nếu như không biết có bao nhiêu tiền và không biết nguồn tiền được lấy từ đâu ra. Người ký phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự nếu tính toán sai.
Theo ông Vinh, chỉ thị này được viết chỉ trong một tháng nhưng là cuộc chiến trong Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Có người bảo Bộ trưởng lấy đá ghè chân mình, các địa phương sẽ “gạch cổ” Bộ trưởng trước, rồi Chính phủ có thể không đồng ý. Làm thế này công khai, minh bạch quá thì không ai đến Bộ Kế hoạch – Đầu tư nữa.
“Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này 'chết' nhanh chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều người vì làm họ mất rất nhiều quyền. Nhưng phải làm, nếu Quốc hội, Chính phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi tôi cũng vui vẻ vì không có gì để mất”, ông Vinh nói.
Nhiều Chủ tịch tỉnh thích… hoành tráng
Trước đó, tại buổi trình dự án Luật đầu tư công xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh tiếp tục thể hiện quyết tâm tuyên chiến với tình trạng đầu tư công dàn trải, tràn lan, kém hiệu quả bằng lời nói thẳng: “Nhiều ông chủ tịch tỉnh rất thích... hoành tráng”
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư công tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả là do pháp luật thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định đầu tư và đặc biệt là chưa có quy định xử lý trách nhiệm người quyết định đầu tư sai, quyết định đầu tư kém hiệu quả.
“Hiện nay lãng phí nhiều nhất là từ chủ trương đầu tư. Thủ tướng từng rất bức xúc về chuyện có những con đường miền núi rộng 60-70m, lãng phí vô cùng. Chủ tịch tỉnh người ta thích quyết, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin trung ương. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án sau đó đi chạy”, ông Vinh nói.
Ông Vinh khẳng định: “Bây giờ ra luật này thì không làm được như vậy nữa, muốn đầu tư phải qua thẩm định về hiệu quả, thẩm định vốn, có tiền mới được làm. Luật này cũng quy định giám sát, đánh giá sau đầu tư. Ví dụ dự án thủy lợi lúc đầu vẽ ra bảo là tưới tiêu cho 1.000ha, suất đầu tư 2 tỉ đồng/ha, nhưng khi hoàn thành thì chỉ tưới tiêu cho 500ha và tổng vốn đầu tư vẫn là 2.000 tỉ đồng, rất kém hiệu quả nhưng không ai bị xử lý.
Chúng ta cần phải ra luật để ngăn cản đầu tư tràn lan, đang gây lãng phí rất lớn trên đất nước ta. Không thể bó tay với đầu tư dàn trải”.
Lần đầu tiên dự luật đưa ra quy định xử lý trách nhiệm đối với người quyết định chủ trương đầu tư.
“Có những công trình đầu tư sai, ví dụ xây cái chợ không có người đến, gây lãng phí rất lớn nhưng không ai chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Tiền trong ngân hàng còn dư
Hồi tháng 12/2013, trong phần trả lời phóng viên về nguồn lực để phát triển kinh tế năm 2014, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thẳng: “Nguồn tiền cho doanh nghiệp vay không phải không có, ngân hàng đang dư, nhưng vấn đề hiện nay là làm sao để doanh nghiệp tiếp xúc được với nguồn tiền lãi suất thấp này? Điều quan trọng nhất là phải giải quyết nhanh chóng nợ xấu để họ có đủ điều kiện có thể tiếp cận được với nguồn lực mới”.
Điều thứ hai, các doanh nghiệp bây giờ phải xác định lại định hướng kinh doanh của mình trong điều kiện mới, tìm kiếm và xác lập những thị trường ổn định và chọn lựa được những sản phẩm mũi nhọn của mình để có sự đầu tư hiệu quả và dứt điểm, có sức cạnh tranh.
Liên quan đến câu hỏi về sự mất cân đối giữa hiệu quả và tỉ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối doanh nghiệp nội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Doanh nghiệp tư nhân phải được tiếp cận với tài nguyên, nguồn lực của đất nước một cách công bằng, minh bạch, chứ không phải cơ chế “xin - cho” tài nguyên như bây giờ, không phải ai muốn tiếp cận thì phải có hỗ trợ, bảo hộ. Nhưng tôi cũng phải nói thật rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên, phải bài bản hơn”.
Một ngày tôi tiếp bao nhiêu bí thư, chủ tịch tỉnh
Trong phần trả lời phóng viên mới đây, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp tục ghi dấu ấn khi thẳng thắn bày tỏ những bất cập trong lĩnh vực đầu tư công.
Với cơ chế hiện nay, năm nào địa phương cũng phải đi xin. “Khi lên trung ương, tôi càng nhìn thấy rõ sự vô lý, chả biết có bao nhiêu tiền. Một ngày tôi phải tiếp bao nhiêu ông bí thư, chủ tịch, giám đốc sở lên xin dự án này, dự án kia. Tôi thấy như vậy là bất ổn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, nếu Luật Đầu tư công được thông qua trong năm nay thì sẽ toàn diện hơn. Thí dụ, chương đầu tiên trong luật là về chủ trương đầu tư. Đây là điều rất đụng chạm. Ai là người ra chủ trương đầu tư? Toàn là lãnh đạo các cấp chứ. Ở tỉnh là chủ tịch tỉnh, hay tập thể thường vụ; trên này là các bộ trưởng.
Như Bộ trưởng Giao thông Vận tải kể, có tỉnh làm đường rộng 70 mét mà không có người đi. Vậy thì ai chủ trương cho làm? Rồi danh mục dự án rất dài mà không có ai cân đối. Đây là nguyên nhân gây dàn trải, thất thoát, lãng phí nhất. Cho nên chủ trương đầu tư mà được kiểm soát thì sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng lớn cho đất nước.
Một vấn đề quan trọng khác trong Luật Đầu tư công là bố trí vốn đầu tư cho trung hạn, thay vì hàng năm. Trong bố trí vốn, thường năm nào chỉ biết năm đó, không biết năm sau có bao nhiêu tiền. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nắm toàn quyền mà không biết mình có bao nhiêu tiền cho đất nước. Các bộ trưởng lĩnh vực giao thông, xây dựng, y tế, nông nghiệp, và các chủ tịch tỉnh có quyền quyết nhiều công trình nhưng không biết năm sau có bao tiền. Thậm chí, đến Thủ tướng cũng không biết.
Tình trạng này không thể kéo dài nên phải chuyển sang làm kế hoạch trung hạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối từ nay đến năm 2016 có bao tiền trên nền tảng tăng trưởng dự kiến. Và tôi công bố cho các bộ, ngành và địa phương biết có ngần này tiền trong từng ấy năm. Thủ tướng ký cho cả năm năm, chứ không phải xin gì như trước đây.