Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phần thi ứng xử hay nhất của hoa hậu mọi thời đại (P2)

Ngoài 2 yếu tố - thông minh và dí dỏm, sự chân thành và giản dị vẫn luôn luôn được đánh giá cao trong phần trả lời ứng xử tại các cuộc thi hoa hậu.

Suy nghĩ bằng trí óc, trả lời bằng con tim 

Nhiều thí sinh hoa hậu/hoa khôi ở Việt Nam luôn nghĩ rất sai lầm rằng, trả lời câu hỏi phải đúng ý với ban giám khảo, chiều lòng khán giả bằng những lời có cánh nhưng không thực lòng (từ thiện, hòa bình thế giới). 

Còn tại những cuộc thi quốc tế, người phương Tây luôn đưa ra những câu hỏi hết sức đời thường, mang tính thời sự và qua câu hỏi, họ muốn biết nhiều hơn về thí sinh đó. Chứ không phải bắt ép thí sinh "trả bài" hay làm vừa lòng họ bằng những câu trả lời đúng/sai. 

Chính những câu trả lời chân thành, xuất phát từ con tim với sự suy nghĩ sâu sắc đã giúp cho nhiều người đẹp đăng quang ở những đấu trường sắc đẹp lớn như Hoa hậu Thế Giới (HHTG) hay Hoa hậu Hoàn Vũ (HHHV). Nhiều lúc, ban giám khảo muốn thông qua câu hỏi để tự thí sinh bộc bạch ra được cá tính, con người thực sự của họ, muốn được lắng nghe những lời chân thật từ chính cuộc sống của thí sinh đó.

Tại cuộc thi HHHV 2012 ở Las Vegas, Mỹ, khi hoa hậu nước chủ nhà nhận được câu hỏi: "Trong cuộc đời có điều gì bạn đã từng làm khiến bạn thấy hối hận?". Người đẹp "hạt tiêu" (1m68) - Olivia Culpo - đã có một câu trả lời giúp cho cô đăng quang trong sự ngưỡng mộ của nhiều người: "Tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống dù là tốt hay xấu đều giúp bạn có thêm kinh nghiệm. Tôi đã từng bắt nạt anh em họ, cũng như có những cư xử không tốt với gia đình. Nhưng sau này tôi không bao giờ mắc lại những lỗi lầm đó".

Hay như HHHV 2007 - Riyo Mori đã trải lòng mình với câu trả lời: "Tôi đã học nhảy từ khi còn nhỏ, trong môi trường ấy tôi được sống cùng rất nhiều những người bạn và các thầy cô giáo. Tôi đã học được cách để luôn luôn cảm thấy hạnh phúc, kiên nhẫn và sống tích cực. Đó cũng chính là điều tôi muốn dạy lại cho thế hệ sau này" khi cô nhận được câu hỏi: "Một trong những bài học từ thời thơ ấu vẫn còn ảnh hưởng đến bạn ngày hôm nay là gì?". 

Còn tại cuộc thi HHHV 2003 tổ chức ở Panama, khi các thí sinh trong Top 5 và cựu hoa hậu năm trước đó sẽ tự đặt ra câu hỏi để hỏi lẫn nhau, hoa hậu Venezuela đã hỏi hoa hậu Cộng hòa Dominicana: "Hãy nói về món quà giá trị nhất mà bạn từng tặng ai đó". Người đẹp đến từ vùng Carribean - Amelia Vega đã trả lời một cách ngắn gọn và chân phương: "Theo như bà tôi kể lại, đó chính là bức thư tôi đã viết khi bà đang bị bệnh. Điều làm cho bà tôi cảm thấy xúc động không nằm ở nội dung của bức thư, mà chính là tình cảm đằng sau nó".

Một trường hợp khác mang đến bất ngờ thú vị tại cuộc thi HHHV 2002 là khi Trung Quốc lần đầu tiên gửi thí sinh tham dự và đoạt được danh hiệu á hậu 2, nằm ngoài dự đoán của nhiều người. 

Khi nhận được câu hỏi từ hoa hậu Nigeria: "Điều gì là quan niệm sai lầm nhất về đất nước bạn". Zhuo Ling - thí sinh đại diện của Trung Quốc - đã tự tin trả lời bằng vốn tiếng Anh khá tốt: "Có thể người phương Tây thường nghĩ người Trung Hoa chúng tôi lùn, thủ cựu, hay kiệm lời nhưng bây giờ, hãy nhìn vào tôi đây" như một lời khẳng định sinh động cho câu trả lời của cô. Cả khán phòng gần như vỡ tung trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt cho phần thi vấn đáp vô cùng đáng yêu, ngọt ngào và quá tuyệt vời của đại diện châu Á. 

Luôn giữ hình tượng hoàn hảo 

Đôi khi ban giám khảo, hoặc chính các thí sinh cũng hay thích làm khó nhau khi đặt họ vào những câu hỏi để "gài" cho các người đẹp xem họ có nói ra khuyết điểm của bản thân hay không và có biết cách khéo léo để đi vòng qua câu hỏi dạng này như thế nào. 

Một trong những nguyên tắc tối kỵ nhất khi thực hiện một phần thi vấn đáp là không bao giờ được trả lời là "Tôi không biết", "Tôi không thể trả lời câu hỏi kiểu này", "Đây là một câu hỏi khó", và tuyệt đối không bao giờ để lộ khuyết điểm của mình ra.

Năm 2001, cuộc thi tròn 50 tuổi đã gặp phải nhiều phản đối về kết quả chung cuộc khi hoa hậu chủ nhà đăng quang tại Puerto Rico. Tất cả 5 thí sinh có đểm số trung bình cao nhất ở 2 vòng thi áo dạ hội, và áo tắm đều nhận chung câu hỏi: "Điều gì đã xảy ra trong quá khứ mà bạn muốn thay đổi?". 

Người đẹp Denise Quiñones đã xuất sắc trả lời một cách mạch lạc: "Tôi đang rất cố gắng tìm kiếm những thứ mà mình muốn có trong quá khứ, nhưng tôi thực sự hài lòng với cuộc sống của mình. Tất cả những cơ hội tốt và chưa tốt mà tôi từng trải qua đều giúp cho tôi trưởng thành hơn và tôi trân trọng tất cả những điều đó trong cuộc sống. Và cảm ơn Thượng đế vì những bước đi mà Ngài đã dành cho tôi và tôi chẳng thấy có gì phải hối hận hay tiếc nuối gì cả".
Tại cuộc thi HHHV 2011 ở São Paulo, Brazil, khi được hỏi: "Giả sử bạn đã giành ngôi hoa hậu và được phép thay đổi một điểm gì đó trên cơ thể, bạn sẽ chọn gì?". Hoa hậu Angola - Leila Lopes đã tự tin đáp: "Tạ ơn Chúa, tôi hài lòng với cách Người đã tạo ra tôi và không muốn thay đổi bất cứ thứ gì. Tôi tự thấy mình là một cô gái may mắn sở hữu vẻ đẹp nội tâm, được gia đình răn dạy những bài học giá trị và tôi sẽ áp dụng chúng cho đến hết cuộc đời". Và Angola trở thành quốc gia châu Phi thứ 3 có được chiếc vương miện HHHV (sau Nam Phi và Namibia).

Với câu hỏi từ ca sĩ kỳ cựu Steven Tyler: "Điều gì khiến bạn sợ hãi nhất và bạn làm cách nào để vượt qua nó?". Tuy bị đánh giá thấp hơn, gương mặt già hơn nhưng thí sinh của Venezuela - Gabriela Isler đã vượt qua các thí sinh khác để đem về chiếc vương miện HHHV thứ 7 với câu trả lời: "Tôi nghĩ rằng sợ hãi không phải là sự tiêu cực. Chúng ta cần vượt qua mọi nỗi sợ hãi, từ đó, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn. Khi vượt qua được, chúng ta có thể đối mặt với bất cứ thách thức nào". Câu trả lời này nằm trong cuộc thi năm 2013 được tổ chức ở Moscow, Nga.

Còn tại cuộc thi HHHV 2005 tại Bangkok, Thái Lan, trong Top 5 có đến 4 người đẹp gốc Mỹ Latin và tất cả họ đều hoàn thành phần thi vấn đáp bằng tiếng Anh. 

Duy nhất chỉ có Canada là đại diện Bắc Mỹ và cô nhận được câu hỏi: "Điều gì là thử thách lớn nhất trong cuộc đời của bạn?". Người đẹp gốc Nga - Natalie Glebova điềm đạm trả lời và không quên dùng cả ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt sinh động hơn: "Điều thử thách lớn nhất trong cuộc đời tôi là làm sao phải luôn luôn suy nghĩ lạc quan. Cá nhân tôi là người luôn nhìn thế giới này như một ly nước nửa đầy, chứ không phải ly nước nửa thiếu. Mặc dù đôi khi thật khó để nhìn cuộc sống bằng cách này, nhưng tôi luôn hướng về sự lạc quan hơn là bi quan trong cuộc sống". Và cô đã đem về chiếc vương miện HHHV thứ 2 cho Canada một cách hoàn toàn xuất sắc.

Donald Nguyễn

Bạn có thể quan tâm