Nguồn cung máu ở Ấn Độ chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Ảnh: BBC |
Len lỏi trong một hành lang đông đúc giữa các khoa trong một bệnh viện công lớn ở thành phố New Deihi, nhóm phóng viên BBC tìm người bán máu. Một trong những nhân viên bảo vệ của bệnh viện mách rằng nhóm phóng viên nên tìm một người đàn ông mất một chân.
Rajesh, tên của người đàn ông mất chân, ngồi trên tấm chăn cũ nát cạnh một quầy trà. Anh ta uống trà sữa trong cốc nhựa trong khi những con khỉ leo trèo trên những dây điện.
Nhóm phóng viên nói rằng họ là người nhà của một nạn nhân gặp tai nạn giao thông và cần 3 đơn vị máu.
“3.000 rupee (48 USD) cho mỗi người bán máu. Tôi sẽ thu xếp mọi việc”, anh ta nói.
Bán máu và trả tiền cho người hiến máu là hành vi bất hợp pháp tại Ấn Độ, nhưng một thị trường máu đang phát triển mạnh mẽ trên khắp đất nước.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định lượng máu dự trữ ở Ấn Độ không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Với dân số 1,2 tỷ, Ấn Độ cần 12 triệu đơn vị máu mỗi năm, nhưng họ chỉ có thể thu thập 9 triệu đơn vị, nghĩa là thiếu tới 25% so với nhu cầu.
Vào mùa hè, con số đó tăng lên tới 50%. Vì thế, một lực lượng bán máu chuyên nghiệp ra đời để đáp ứng nhu cầu của những người cần máu.
Rajesh từng là một thợ sơn nhà. Nhưng sau khi mất một chân do tai nạn và điều trị trong bệnh viện vài tháng, anh nhận ra rằng anh có thể kiếm tiền bằng cách làm cầu nối giữa những người bán máu và những người cần máu.
Các chuyên gia nhận định việc Ấn Độ không có một đầu mối thống nhất ở cấp trung ương để quản lý hoạt động thu thập máu, cùng với việc người dân kiêng kị hành vi trao đổi máu với những người không cùng đẳng cấp là hai nguyên nhân chủ yếu khiến máu trở nên khan hiếm.
Nhu cầu máu của người dân Ấn Độ tăng vọt vào mùa hè. Ảnh: Thinkstock |
Vào năm 1996, Tòa án Tối cao Ấn Độ từng cấm người dân mua máu và thành lập ngân hàng máu, nhưng thị trường máu vẫn cứ bùng nổ. Từ đó tới nay tình hình vẫn chẳng thay đổi. Cầu vẫn vượt xa cung. Các ngân hàng máu là tổ chức bất hợp pháp nếu chính phủ không cấp giấy phép cho họ với mức phí 120 USD.
Sự tồn tại của những "nông trại máu"
Vào năm 2008, nhà chức trách phát hiện và cứu Hari Kamat, một người nghèo từ bang Bihar, cùng 16 người khác trong một “nông trại máu” ở thành phố Gorakhpur, nơi nằm gần biên giới Nepal.
Nhóm nạn nhân kể rằng bọn bất lương hứa rằng chúng sẽ giúp họ tìm việc với mức lương cao. Sau đó chúng đưa họ tới một ngôi nhà và thuyết phục họ bán máu với giá 7 USD/một đơn vị.
“Ban đầu họ bán máu một cách tự nguyện. Sau đó, theo lời kể của Hari Kamat, sức khỏe của nhóm sa sút đến mức họ không thể bán máu nữa. Nhưng khi họ tìm cách trốn, chúng đánh họ và nhốt trong nhà”, Neha Dixit, một phóng viên của tạp chí Tehelka, nói.
Từ thời điểm ấy, chúng bắt Hari và những người cùng cảnh ngộ bán máu 3 lần mỗi tuần trong suốt hai năm rưỡi. Trong khi đó, tổ chức Chữ thập đỏ khuyến cáo mọi người chỉ nên cho máu một lần trong 8-12 tuần.
Nhóm người khốn khổ chỉ được nhận một khoản tiền nhỏ.
“Chúng nhốt họ trong lồng, không cung cấp đủ thức ăn và lấy máu của họ 12 lần mỗi tháng. Sau đó chúng bán máu cho các bệnh viện với giá 18 USD/đơn vị - cao hơn 15 lần so với mức giá chính phủ quy định. Giới truyền thông cáo buộc một số ngân hàng máu tư nhân thông đồng với bọn buôn máu bằng cách dán tem chính thức và in mã vạch lên các túi máu mà chúng cung cấp", Dixit nói.