Trẻ em chạy chơi bên cạnh một khu công nghiệp tại thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Souvid Datta. |
Zheng Gu Mei, một người phụ nữ sống tại làng Xing Long, tỉnh Vân Nam, vẫn nghĩ bà chỉ bị cảm lạnh cho tới khi bác sĩ đề cập tình trạng căn bệnh của bà với con trai.
"Sau đó, tôi biết rằng mình đã mắc bệnh hiểm nghèo. Hiện tại, tôi đang phải điều trị bằng hóa chất", người phụ nữ 47 tuổi lẳng lặng lau nước mắt và nói. Bà bỏ chiếc mũ đang đội trên đầu xuống, để lộ phần tóc lơ thơ, là kết quả sau nhiều đợt hóa trị.
Zheng cho biết, ngôi làng mà bà đang sống ngày càng trở nên ô nhiễm. Những người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều.
Câu chuyện của Zheng chỉ là một trong số hàng trăm nghìn câu chuyện buồn của những người dân sống tại các "làng ung thư ở Trung Quốc". Theo China.org.cn, năm 2013, khoảng 247 làng ung thư tồn tại trên khắp Trung Quốc đại lục.
Giấc mộng đổi thay và cái giá phải trả
Chất thải của các nhà máy dệt thường là màu xanh nước biển hoặc màu tím. Ảnh: Souvid Datta. |
Cuối thế kỷ 20, Trung Quốc đẩy mạnh công nghiệp hóa, các khu công nghiệp mọc lên san sát. Các nhà đầu tư tìm đến những vùng đất hứa và xây dựng những nhà máy, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách nhằm hạn chế tối đa các chi phí sản xuất, trong đó bao gồm hệ thống xử lý chất thải công nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh. Qua thời gian, những chất độc hại ngấm vào đất, không khí và các nguồn nước khiến cấu trúc sinh thái bị tàn phá.
Deng Fei, một nhà báo quan tâm tới vấn đề ô nhiễm, nói với Guardian: "Nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng và ô nhiễm nguồn nước gây tác động lớn nhất đến sức khỏe của người dân. Trung Quốc đã, đang và sẽ phải gánh chịu những hậu quả của mô hình tăng trưởng kinh tế không phù hợp".
Một phụ nữ lớn tuổi sống tại làng Wu Li, tỉnh Chiết Giang, cho biết, các doanh nghiệp đã hối lộ quan chức địa phương để họ bỏ qua việc kiểm soát xả thải của các nhà máy. Làng Wu Li từng nổi tiếng với những ngọn đồi xanh tươi và đất đai màu mỡ. Nhưng hiện nay, nó đã trở thành một trong những ngôi làng ung thư.
Hầu hết những thanh niên tại những nơi như vậy đều bỏ xứ để thoát khỏi môi trường độc hại. Các cư dân ở lại đa phần là những người đứng tuổi. Phần lớn những người này đều không đủ khả năng chi trả để điều trị nội trú khi cần.
Động thái của chính quyền và các doanh nghiệp về vấn đề giải quyết hậu quả lại khá "thờ ơ". Số tiền mà những bệnh nhân sống tại các làng ung thư nhận được từ chính phủ và các doanh nghiệp không đủ để họ chi trả cho một đợt hóa trị.
"Nếu cứ đà này, chúng tôi sẽ chẳng còn đủ tiền để mua thuốc chữa trị. Lúc đó, tôi sẽ uống thuốc ngủ. Tôi không muốn chết trong đau đớn", Wen, một người phụ nữ mắc bệnh ung thư da sống tại làng He Shan, tỉnh Hồ Nam, nói.