Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phận đời khốn khổ sau bão Damrey

“Hàng ngày hai vợ chồng làm lụng vất vả, chạy ăn từng bữa giờ thêm gánh nặng nhà sập, không còn gì, tôi không biết làm sao để sống luôn”, chị Đỗ Thị Nguyệt Tâm chia sẻ.

Trong khi không khí Noel đang rực rỡ ở các đô thị thì những con đường liên thôn chạy dọc dài của thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) vẫn tiêu điều, ngổn ngang. Cây cối xác xơ, những căn nhà đổ sập chưa dựng lại, trên đồng lúa và cả trên ngọn cây vẫn còn vương những mảnh tôn, rác, cỏ cây vốn bị gió bốc lên từ ngày bão Damrey quần thảo.

Căn nhà đất sét quá mong manh trước gió bão

Con đường đất dẫn vào nhà gia đình anh Lê Đức Quý, thôn Phú Cang Hai Nam (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) vẫn còn ngập, lầy lội. Gia đình anh Quý thuộc diện hộ nghèo của thị trấn Vạn Giã nhiều năm nay.

Ngôi nhà nhỏ dựng bằng những tấm phên tre và đất sét dường như quá nhỏ bé, mong manh so với cơn bão số 12 quét qua. Cũng lâu lắm rồi, chúng tôi mới có cơ hội gặp lại hình ảnh ngôi nhà phên tre, đất sét mà cứ tưởng hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức của đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

nghia tinh van gia anh 1
Chị Đỗ Thị Nguyệt Tâm cùng con trai dọn dẹp đống đổ nát sau bão số 12. Ảnh: Phước Tuần. 

Nhà nghèo, anh Quý phải lên tận huyện miền núi Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) làm thuê cho người ta. Bão vào, nhà chỉ còn chị Đỗ Thị Nguyệt Tâm và người con trai trú ngụ trong căn nhà phên tre ấy.

Chị Tâm nhớ lại, khoảng 4h sáng, gió bắt đầu mạnh, nhà tốc mái nên hai mẹ con kéo nhau chạy lên nhà hàng xóm trú, vừa chạy ra khỏi nhà thì căn nhà đổ sập. Suốt 3 ngày sau, hai mẹ con nương tựa vào hàng xóm. Lúc chúng tôi ghé, chị vừa mượn được tấm bạt mỏng màu xanh che nắng, mưa và mắc võng để hai mẹ con ngủ tạm.

nghia tinh van gia anh 2
Túp lều tạm bợ của gia đình chị Tâm sau bão số 12. Ảnh: Phước Tuần.

Người phụ nữ ngoài 50 cho biết bản thân mắc bệnh nên chỉ ở nhà, không làm gì được. Mọi thứ chi tiêu trong gia đình nhờ người chồng đi làm ở tận huyện miền núi Khánh Sơn và chính quyền địa phương hỗ trợ theo dạng hộ nghèo hàng tháng. Nhà có hai người con trai, đứa đầu lập gia đình ở Khánh Sơn, còn người em cách đây ba năm bị tai nạn nên giờ cũng chỉ ở nhà với mẹ, không làm gì.

Bão đi qua, gia đình đã khó khăn nay càng khốn khổ hơn. Dù biết nhà sập hoàn toàn nhưng anh Quý vẫn không thể về nhà ngay do cũng cố làm thêm vài ngày để có ít tiền công mang về lợp tạm lại mái nhà. Người con út, sau tai nạn giao thông, chỉ còn một mắt, tinh thần cũng không ổn định nên không giúp nhiều cho gia đình.

Theo thống kê của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, bão số 12 khiến gần 90 người chết, 18 người mất tích và 174 người bị thương. Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 37 người chết; gần 1.000 nhà đổ sập hoàn toàn, gần 98.000 căn bị tốc mái, hư hỏng. Tổng thiệt hại vật chất hơn 7.000 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Minh, người giúp đỡ gia đình hai mẹ con chị Tâm những ngày sau bão chia sẻ: “Nhà chị Tâm có hoàn cảnh rất khó khăn, là hộ nghèo của xã. Nhà nghèo anh Quý phải đi làm mướn xa, lâu lâu mới về. Hai mẹ con chị Tâm ở nhà nhưng ai cũng bệnh, chẳng đi làm gì được. Mấy ngày sau bão, anh em trong xóm cũng tranh thủ xuống dọn cái dẹp nhà giúp chị”.

Nhà sập trong lúc chồng bệnh nặng

Cũng tại thôn Phú Cang Hai Nam, ngôi nhà chị Huỳnh Thị Mừng (42 tuổi) dường như hiu quạnh, buồn tanh giữa đống đổ nát. Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng chị bỗng dưng tan hoang, sập đổ hoàn toàn chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi bão đổ bộ sáng 3/12.

Với chị, dường như chưa lúc nào trong cuộc đời chị gặp khó khăn, đau khổ tột cùng như lúc này khi người chồng đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, căn nhà nhỏ của hai vợ chồng cũng sập đổ như muốn thử thách bản lĩnh của người con gái miền biển.

nghia tinh van gia anh 3
Căn nhà chị Huỳnh Thị Mừng đổ sập sau bão số 12. Ảnh: Phước Tuần.

“Sáng ấy gió mạnh quá, giật liên hồi cả 4 phía nên mái tôn bay, bốn bức vách cũ kỹ được xây dựng từ rất lâu cũng đổ sập. May mắn hai mẹ con chạy kịp qua nhà ông bà ngoại cạnh bên không thì giờ chắc…”, chị Như ngắt quãng.

Sau vài ngày bão tan, trời Vạn Giã nắng nhẹ, hắt vội qua những tàu lá xác xơ do bão. Chị Như quệt vội nước mắt chia sẻ hai vợ chồng làm nông quần quật nhiều năm, có một đứa con gái đang học lớp 8. Cách đây 2 năm, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo nên mọi công việc trong nhà đều do chị gánh vác.

“Bão xong, tôi phải vào Nha Trang chăm sóc chồng. Bác sĩ bảo anh giai đoạn cuối rồi, bao nhiêu tiền bạc, của cải tích góp mấy năm đều cạn dần theo những ngày tháng anh nằm viện. Giờ bệnh viện bảo nhà đưa anh về nhưng giờ nhà sập rồi, biết đưa về đâu?”, chị Như bùi ngùi.

Những ngày chị Như vào Nha Trang chăm sóc chồng, đứa con gái lớp 8 phải gửi sang nhà ngoại gần đó. Bão vào, cuốn phăng ngôi nhà nhỏ của gia đình, cái còn lại duy nhất mà hai mẹ con giữ lại trong những ngày chồng chị không may bệnh nặng.

Bà Ngô Thị Ngọt nhìn về đống gạch, ngói ngổn ngang thở dài, rướm nước mắt than thở: “Nhà sập nhưng chưa kịp dọn dẹp, con Như phải đi Nha Trang chăm chồng nằm viện. Bệnh viện kêu chở chồng nó về nhà mà giờ nhà sập thế này biết về đâu?”.

Ước mong của chị Tâm, chị Như ở xóm biển nghèo này cũng là nỗi lòng, mong mỏi của những phận đời nghèo khổ, không may bị bão làm sập nhà trong những ngày cuối năm. Với họ đó là niềm ước ao, nhỏ nhoi nhất vào lúc ngày để có nơi che nắng, che mưa ổn định lại cuộc sống.

Báo điện tử Zing.vn đồng hành với nước tăng lực STING – Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức chương trình từ thiện “Chuyến xe kết nối để góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ tháng 11 vượt qua khó khăn.

Theo nhà sản xuất Suntory PepsiCo Việt Nam, vì mục tiêu phát triển bền vững, nhãn hàng nước tăng lực STING luôn “Cam kết chất lượng” cho sản phẩm và cho cuộc sống cộng đồng. Độc giả có thể xem thêm thông tin chi tiết tại đây.

Máy bay Nga chở hàng cứu trợ vùng bão tới Khánh Hòa trong đêm

Máy bay Nga chở theo nhiều lều bạt, lương thực, sữa, đường... của Chính phủ Nga cứu trợ vùng bão số 12 sẽ hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) vào tối 8/11.


Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm