Nguyễn Trần Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu Viettel Telecom - vừa được lựa chọn làm đại sứ tại Hội nghị Phụ nữ trong khoa học dữ liệu toàn cầu (Woman in Data Science - WiDS) khi sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Còn Nguyễn Thuỳ Linh - kỹ sư giải pháp của Viettel Digital Solution - là đại diện duy nhất của Việt Nam được chọn tham gia chương trình học tập, nghiên cứu các dự án thuộc lĩnh vực thanh toán số và thương mại số của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại San Francisco (Mỹ).
Ngọc Linh và Thuỳ Linh nằm trong "một lực lượng đặc biệt" gồm những người phụ nữ ở Viettel - nơi lượng phái đẹp tham gia quản lý chiếm gần 22%, với tỷ lệ này ở khối cơ quan tập đoàn là 43% (gấp đôi mức bình quân tại các công ty công nghệ Việt Nam).
Thiếu tướng Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy kiêm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, nhận xét họ không chọn việc nhẹ nhàng mà luôn có mặt ở những lĩnh vực nóng, khó khăn nhất, kể cả những mặt trận tưởng như chỉ dành cho nam giới như phát triển 5G, radar, hàng không vũ trụ...
"Những phẩm chất như trung thực, đoàn kết, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận việc mới - việc khó… giúp họ luôn là người giữ lửa ở đại gia đình Viettel” - ông nhận xét.
Nữ tướng Big Data ở Tập đoàn Viettel
Năm 2010, Nguyễn Trần Ngọc Linh đầu quân vào Viettel sau khi tốt nghiệp loại giỏi ĐH Quốc gia Hà Nội. 2003 là năm đầu tiên Linh được giao nhiệm vụ “nặng ký”: Xây dựng nền tảng cho hệ thống kho dữ liệu kinh doanh tập trung Viettel BI (Trí tuệ doanh nghiệp). Thời điểm đó, Linh cũng bắt đầu nghiên cứu công nghệ Big Data. Cách đây gần 10 năm, thuật ngữ ấy còn khá xa lạ ở Việt Nam.
“Tôi còn thử sức với công nghệ mới nhất trong lĩnh vực Big Data thời đó là Apache Spark nên càng khó hơn. Trong quá trình làm, có những lúc tôi bế tắc đến nỗi chỉ muốn bỏ cuộc”, Linh nhớ lại.
Tuy nhiên, bản thân Linh rất hiểu yêu cầu bức bối của Viettel lúc đó là phải có hệ thống Big Data để giải quyết lượng dữ liệu khổng lồ ngày càng gia tăng. Mong muốn cống hiến, cộng thêm tính “gan lì” sẵn có, Linh miệt mài làm việc và cuối cùng đã tìm ra hướng đi.
Đến nay, công nghệ do cô và các đồng đội triển khai chính là nền tảng của Hệ thống Phân tích xử lý Big Data theo thời gian thực, phục vụ rất nhiều dự án lớn của Viettel.
Từ vị trí nhân viên, Linh giờ là Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu, thực hiện nhiều dự án quan trọng và hai lần giúp công ty giành giải quốc tế. Mới đây, cô còn được chọn làm đại sứ tại Hội nghị Phụ nữ trong khoa học dữ liệu toàn cầu.
Ngọc Linh hiện là Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu Viettel Telecom. |
Nói về bí kíp của mình, Linh tin rằng học tập sẽ đem lại tất cả. Dù công việc bận rộn tới đâu, cô vẫn thu xếp thời gian tự học và đạt nhiều chứng chỉ quốc tế. Bên cạnh rèn luyện bản thân, Ngọc Linh còn là một quản lý đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân sự.
“Mục tiêu của tôi là truyền cảm hứng để mọi người cùng học tập, nghiên cứu, từ đó tiến tới mục tiêu xây dựng một trung tâm phân tích dữ liệu, Big Data mang tầm quốc tế”, Ngọc Linh tâm sự.
Nữ kỹ sư dự án tiền số quốc gia ở WEF
Đầu quân vào Viettel sau khi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính tại Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) - top đầu về nghiên cứu đào tạo công nghệ tại Hàn Quốc, Nguyễn Thùy Linh được trải nghiệm ngay nhiều dự án 4.0 quan trọng.
Bắt đầu từ các dự án phân tích dữ liệu đến phát triển ứng dụng My Viettel, thương mại điện tử, dự án ứng dụng công nghệ mới như blockchain…, Linh bén duyên và tập trung cho dự án Mobile Money vì sự phức tạp cũng như thách thức của nó.
“Đây không chỉ là dự án có tính đột phá về mặt công nghệ và sản phẩm, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam”, nữ kỹ sư của Viettel Digital Service (VDS) chia sẻ.
Nguyễn Thùy Linh (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm của mình trong lễ tổng kết và trao thưởng của Tổng công ty Dịch vụ số Viettel. |
Nhờ kiến thức và kinh nghiệm tham gia nhiều dự án 4.0, trong đó có Mobile Money - một dự án tiên phong của Viettel, Nguyễn Thuỳ Linh đã vượt qua nhiều vòng thi khắt khe của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Cô trúng tuyển nghiên cứu viên đại diện cho Việt Nam tham gia nhóm dự án thuộc lĩnh vực thanh toán số và thương mại số tại trụ sở Trung tâm chuyển đổi công nghiệp 4.0, thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (C4IR- WEF) tại San Francisco (Mỹ).
Trong thời gian làm việc từ xa với các chuyên gia WEF, Thùy Linh đã tìm ra những hướng đi mới. Cô chính là người đề xuất và tham gia 2 dự án tiên phong là "Liên minh chuyển tiền xuyên biên giới" và "Nghiên cứu công nghệ tiền số" (CBDC).
“Khi đề xuất 2 dự án này, tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các đơn vị và ban giám đốc VDS. Hiện tại, dự án được phòng kinh doanh thị trường nước ngoài của VDS triển khai”, Thuỳ Linh tiết lộ.
Nguyễn Thuỳ Linh là đại diện duy nhất của Việt Nam được chọn tham gia chương trình nghiên cứu các dự án thanh toán số và thương mại số của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). |
Nữ kỹ sư cho biết với dự án đồng tiền số quốc gia, tiền đề là kinh nghiệm xây dựng Mobile Money, VDS hoàn toàn có khả năng đóng góp vào việc xây dựng thiết kế CBDC, đóng góp ý tưởng cho Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Mặt khác, các công nghệ được sử dụng trong thiết kế, vận hành CBDC cũng có nhiều tiềm năng ứng dụng, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm Mobile Money.
Bình luận