Hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm đáng tin cậy hàng đầu tại Việt Nam, CareerLink.vn đã nhận thấy việc chiêu mộ những nhân tài ở vị trí cấp cao như lãnh đạo không hề đơn giản, thậm chí vô cùng khó khăn.
Vấn đề đôi khi không nằm ở năng lực, kinh nghiệm, đạo đức mà do họ biết “cái giá” để trở thành người lãnh đạo không hề nhỏ. Ai cũng có những “góc khuất” không thể giãi bày nhưng nỗi niềm của người đứng đầu thì khó chịu hơn nhiều lần so với nhân viên bình thường.
Sự cô đơn trên đỉnh cao
Người lãnh đạo được ví von như “cây cao bóng cả” vì tầm nhìn của họ luôn rất rộng và bao quát. Nhưng là cây cao thì khác hẳn với lớp cỏ non dưới mặt đất. Sự cô đơn trên đỉnh cao đã khiến họ cảm thấy bị lạc lõng ngay trong chính căn phòng rộn rã tiếng nói cười của nhân viên.
Đôi khi cô đơn trên đỉnh cao khiến người lãnh đạo cảm thấy bị lạc lõng. |
Người lãnh đạo luôn rất đặc biệt và “cái tôi” của họ không hề nhỏ. Việc khước từ thẳng thừng những ý kiến của người khác dễ dẫn đến mâu thuẫn không đáng. Người lãnh đạo luôn phải đối diện với nỗi cô đơn thường trực. Vì không phải ai cũng có thể hiểu lối tư duy tân thời hoặc một kế hoạch “xa rời thực tế” vào thời điểm đó. Vì thế, làm lãnh đạo là phải chấp nhận với sự cô đơn trên đỉnh cao.
"Tôi bận lắm"
“Tôi bận lắm” hoặc “Tôi không có thời gian” là những câu nói phổ biến của dân công sở. Dù thực chất, nhiều người rất rảnh rỗi nhưng hễ ai đề cập đến điều gì thì họ đều trả lời khăng khăng như vậy. Nhưng khi người lãnh đạo trả lời như vậy, rất có thể họ đang thực sự trong tình trạng “cạn kiệt” tài nguyên thời gian.
Một con người phải gánh vác “sinh mệnh” của rất nhiều người, đối chọi với những khó khăn từ bản thân, công việc, đối tác và cả gia đình. Áp lực thời gian từ mọi phía cứ thế đè nặng lên họ từng ngày, thậm chí đôi lúc họ không có thời gian riêng cho bản thân. Thế nên, họ rất dễ đối diện với những tình huống căng thẳng vì sự thiếu cân bằng cho các mối quan hệ xung quanh. Không phải ai cũng dễ dàng thông cảm cho người lãnh đạo, vì nhiều người luôn nghĩ họ đang biện minh sự rảnh rỗi của mình bằng hai chữ “công việc”.
Việc điều tiết bản thân cho phù hợp với các mối quan hệ là chuyện không dễ dàng. Vậy nên, người lãnh đạo đôi lúc phải bất lực đưa ra câu trả lời dễ làm mất lòng người khác. Vì thực chất họ không còn lựa chọn khả dĩ nào.
Bên tình, bên lý
Người lãnh đạo thường rơi vào những tình thế khó xử giữa “bên tình, bên lý”. Trở thành lãnh đạo là bạn đã biến mình thành một tấm gương cho mọi người noi theo. Do đó, cách hành xử, ăn nói của bạn phải vô cùng thận trọng với cấp dưới.
Để dung hòa được cái lý và cái tình không hề đơn giản. Nếu bạn đặt “cái tình” vào công việc dễ khiến nhân viên nghĩ bạn nhu nhược, thiếu cứng rắn và quyết đoán. Và đôi lúc họ sẽ thiếu nể trọng bạn vì cách làm việc lệ thuộc nhiều vào cảm xúc. Nhưng làm việc hoàn toàn dựa trên “cái lý” sẽ dễ bị nhân viên cho là bảo thủ, cực đoan, không được lòng người.
Dung hòa cái lý và cái tình không hề đơn giản với người lãnh đạo. |
Làm lãnh đạo luôn phải biết giải quyết sao cho “thấu tình đạt lý”, nhưng điều này trong một số trường hợp là vô cùng khó khăn. Đôi lúc bạn phải chấp nhận tình cảnh “mất tình giữ lý” hay ngược lại, cho dù không hề mong muốn.
Những “góc khuất” khác của người lãnh đạo
Mỗi người đều còn có những “góc khuất” khó giãi bày cho người khác. Và người làm lãnh đạo cũng như bao người bình thường khác, việc chia sẻ với họ là điều không thể. Có những bí mật về kế hoạch tương lai doanh nghiệp không thể giải thích rõ với toàn thể nhân viên. Và người lãnh đạo phải cam chịu những ánh nhìn khó hiểu, nghi hoặc về đường lối vạch ra.
Tỷ phú Bill Gates từng nói: “Cuộc sống vốn không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó”. Cái giá của việc trở thành người lãnh đạo không phải nhỏ. Bạn phải biết đánh đổi và quen dần cách sống chung với nỗi niềm một mình.