Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nỗi lo mang bản sắc nhà trường

Về đào tạo, trường tôi có hơi khắt khe so với ngành kỹ thuật ở một số đại học khác. Nó chứng tỏ nhà trường chú trọng chuẩn đầu ra và chất lượng lao động có trình độ.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nam. Vốn yêu thích khoa học tự nhiên, mấy năm cấp ba, tôi chọn học ban A, ban B để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Những khối thi này không quá kén chọn trường. Nhưng cũng bởi lẽ đó mà những học sinh ban tự nhiên sẽ cảm thấy hoang mang vì quá nhiều sự lựa chọn.

Thời điểm bước vào kỳ thi đại học, tôi không có nguồn thông tin nào khác ngoài cuốn sách Những điều cần biết… và sự định hướng từ gia đình nên khá băn khoăn.

Bố mẹ từng tư vấn cho tôi theo ngành y, còn anh trai đang là sinh viên ĐH Bách khoa lại giới thiệu cho tôi rất nhiều thông tin thú vị và khuyên tôi vào học cùng trường với anh. Hai hướng tư vấn khác nhau làm tôi khá bối rối. Quyết định sau cùng vẫn là ở tôi.

Cuối cùng, những gì mà anh trai giới thiệu đã có sức thuyết phục hơn. Tôi quyết định lựa chọn Viện Cơ khí tại Bách khoa làm con đường tiếp theo của mình thay vì y học, một phần cũng bởi tôi mê máy móc.

Học Y hay Kỹ sư Cơ điện tử đều có nhiều vất vả và mất nhiều thời gian. Nếu không yêu thích và hứng thú với máy móc, kỹ thuật, tôi nghĩ sẽ khó có được ngày hôm nay.

Kết thúc khoảng thời gian nghỉ hè sau khi thi đại học, tôi vào học trong Viện Cơ khí với tâm thế rất phấn khởi. Tuy nhiên, năm thứ nhất cũng gần giống kỳ ôn thi đại học lần hai vậy, kiến thức chủ yếu vẫn là hàm số, tích phân.

Đến năm thứ hai, chúng tôi mới được phân chuyên ngành dựa trên kết quả học tập của năm nhất. Khó khăn ở chỗ, khi đã được phân và chốt danh sách khoa rồi thì không thể chuyển được nữa, chúng tôi muốn chuyển chỉ còn cách… thi lại.

Thực tế cũng có nhiều sinh viên sau một thời gian học, cảm thấy không phù hợp nên muốn chuyển sang các ngành khác như kinh doanh, quản trị, đào tạo… Trái ngành trái nghề với thế hệ chúng tôi đâu còn xa lạ.

Có thể lúc học, họ cảm thấy yêu nghề thật nhưng trong quá trình làm việc lại muốn thay đổi mục tiêu. Điều này phụ thuộc yếu tố thời điểm rất nhiều. Thế mới ngộ ra có công việc đúng ngành đúng nghề dựa vào nỗ lực của bản thân chỉ mang tính tương đối, nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau.

Trường có ba mức cảnh cáo đối với các sinh viên không chấp hành quy chế. Vi phạm ở mức 1, mức 2, bạn sẽ bị hạn chế đăng kí số tín chỉ. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị đình chỉ một học kỳ, nặng hơn là bị đuổi học.

Sinh viên các trường khác thường cho rằng học ĐH Bách khoa đồng nghĩa với việc khó… ra trường, căn cơ chắc cũng từ đây. Đúng là về khoản đào tạo, trường tôi có hơi khắt khe hơn so với ngành kỹ thuật ở một số trường khác. Chúng tôi mệt mỏi thì có mệt mỏi thật, thế rồi khi cố gắng để theo được cái guồng đó lại thấy khá tự hào.

Nó chứng tỏ nhà trường chú trọng đến chuẩn đầu ra và chất lượng lao động có trình độ khi cung cấp cho xã hội.

Trong cả kỳ học, trừ khi ốm đau bất khả kháng, chúng tôi đều đi học đầy đủ đến sát ngày thi chứ không - dám - bỏ - một - tiết - nào. Ở Bách khoa, bỏ một tiết đồng nghĩa việc bỏ luôn ba, bốn bài, lượng kiến thức bị hổng sẽ rất kinh khủng và gần như không thể tiếp thu được gì ở những tiết học tiếp theo bởi mạch kiến thức bị đứt quãng.

Lắm lúc học hành mệt mỏi, tôi với lũ bạn bắt đầu ngồi mơ tưởng, than thở với nhau. Mấy đứa chỉ ước sao đầu óc con người cũng giống như động cơ chạy bằng năng lượng vậy, có thể cứ thả lỏng vui vẻ, nhưng đến lúc cần sẽ auto bật dậy và hoạt động bình thường.

Nhưng rồi cũng chẳng có cậu sinh viên nào dám ỷ lại thế đâu, tôi với mấy ông bạn mệt quá ngồi mộng mị chán chê cuối cùng vẫn phải ôm lấy sách học từng bước một chứ có ông nào dám quẳng sách ốc sang một bên, cứ thế thong dong rồi cuối kì mới bắt đầu học như động cơ chạy đâu?

Dựa theo cách học của anh trai, tôi cũng vạch ra chiến lược cho mình trong từng kỳ, mục tiêu cụ thể như A+ môn này, A+ môn kia... Có điều chiến lược vạch ra là một chuyện, thực tế triển khai các mục tiêu ấy lại là một chuyện khác, thường thì người tính không bằng trời tính mà.

Tảng đá đầu tiên ngáng chân tôi trên đường đến với mục tiêu của mình là hai anh bạn triết học và tư tưởng. Mới lò dò chân ướt chân ráo vào trường, còn đang bỡ ngỡ đã gặp ngay hai anh bạn trừu tượng này.

Thoạt đầu, tôi ôn bài chăm chỉ, rất tự tin, thầm nghĩ thế nào điểm của mình cũng đẹp nhưng đến khi có kết quả thì sốc thực sự. 3 điểm cuối kỳ! Ngay môn đầu tiên đã không thuận buồm xuôi gió, tôi nhụt hết ý chí với mấy cái mục tiêu vẽ nơi ngăn bàn, thầm nghĩ thôi chắc mấy môn kia cũng tan tành hết cả, học hành gì nữa. Tôi đâm nản, thậm chí có lúc nghĩ chắc mình chỉ cần qua môn thôi.

Nhưng rồi càng học tôi càng nhận ra môi trường đại học có rất nhiều người giỏi, nếu tôi không cố gắng thì sẽ bị thụt lùi. Nhìn các bạn xung quanh, thoáng nghĩ sao họ biết cái đó mà mình không biết, sao họ làm được mà mình lại không làm được. Không! Tôi phải đứng dậy. Họ làm được, tôi cũng sẽ làm được.

Cuối cùng, nhờ ý chí không - muốn - bị - thụt - lùi, điểm 3 rất chán đời kia rốt cuộc vẫn chẳng hủy hoại được loạt mục tiêu tôi đã vạch ra. Trong một môi trường sự cạnh tranh quá gay gắt, bạn buộc phải cố gắng nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Cũng may mắn, điểm trung bình kỳ đầu tiên của tôi vừa đủ để đạt học bổng loại C (mức học bổng thấp nhất ở Bách khoa). Như được an ủi, tôi càng có thêm động lực để kiên định theo đuổi những mục tiêu của mình.

Chu Anh Tuấn / Tri thức Trẻ Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY