“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
Tôi không biết Sài Gòn hôm nay có nắng hơn những ngày Nguyên Sa viết Áo lụa Hà Đông không. Tôi chỉ biết Sài Gòn những ngày chang chang nắng này tràn ngập biết bao nhiêu mỏi mệt, buồn bã trên từng gương mặt người, gương mặt phố.
Nắng thiêu đốt những người mưu sinh trong thành phố. |
Sài Gòn phố nắng vàng rải khắp ngõ ngách. Sài Gòn hiện lên khuôn mặt những kẻ mướt mát mồ hôi, lấm lem nhăn nhúm cơ cực ngồi ngất ngơ bên mỗi vỉa hè. Hàng quán nhộn nhạo người ra người vào. Những kẻ từng bước chân quen thân với thành phố, bán từng chiếc vé số. Những ánh nhìn cứ hiện ra trần trụi dưới từng cơn nắng khan về trên thành phố.
Thành phố nắng ngợp mình trong mùi mồ hôi của những số phận khắc khổ, những con người cả đời chẳng bén mảng biết đến hình dạng máy điều hòa ra sao. Thành phố có mùi, đậm đặc mùi. Mùi mồ hôi. Mùi mồ hôi khen khét lẫn lộn trong cái không gian nắng ấy khiến tôi như kẻ bị ma ám. Nỗi ai oán dâng lên trong lòng biến thành những cơn buồn nôn khổ sở. Thành phố của tôi bị bày phơi trần trụi mọi điều xấu xí nham nhở.
Thế nhưng vào chính cái khoảng thời gian nắng nhất, lại là lúc tôi thấy thành phố thực thà là nó nhất. Tôi thu vào mắt tôi ảnh hình thành phố dưới nắng, đốt cháy da thịt của biết bao số phận người lao động đang ngụp lặn trong lòng nó.
Tôi sợ từng ngày nắng đốt. Rồi tôi lại thương những ngày nắng đốt, tôi thương cả thành phố bị trưng bày ra nắng, tôi thương những con người bị trưng bày ra nắng. Tôi thương phố bỏng rát vì nắng.
Phố vẫn dài và rộng thế. Sài Gòn vẫn nắng gắt trên phố suốt ngày đêm.
Ở nơi đây, chỉ còn nắng buồn chan chát. Nắng buồn gấp vạn lần mưa. Nắng khóc bằng những mảng trời xanh thẳm lổ loang mây trắng như những mảnh vỡ tả tơi được ghép vào nhau và vẫn sần sùi hỗn độn, như nỗi buồn, nỗi buồn chẳng bao giờ tan đi nổi.
Ngày xưa Trịnh Công Sơn viết: “Sài gòn nắng buồn hơn mưa”, đến tận bây giờ đi dưới nắng khắc khoải, cháy da cháy thịt, tôi mới tức tưởi nhận ra nỗi buồn ấy, nỗi buồn thấm sâu vào từng tế bào, bật thành tiếng khóc xót xa. Có lẽ, dưới cái nắng ấy, Trịnh Công Sơn đã bao lần nhìn thấy những giọt mồ hôi mặn chát, cái vị mặn như những giọt nước mắt lấm lem của con người mưu sinh trong thành phố.
Đường phố nắng, nhởn nhơ những mặt người đi vội qua nhau, nhễ nhại những mồ hôi hằn lên da thịt. Đường phố nằm im. Dòng sông liền kề bên đường phố cũng nằm im. Dòng sông Sài Gòn là hình ảnh buồn nhất trong những ngày nắng. Những con sóng nước bếp bênh trong nắng. Dòng sông nắng, lênh đênh những bông lục bình mỏng trong nước, hiu hắt đến thế thôi.
Ở nơi thành phố này, bao nhiêu người vùi mình vào trong nắng. |
Giấu nỗi buồn đi đâu. Thành phố băng hà nắng.
Giấu nỗi buồn đi đâu.
Dưới nắng ấy, nhiều người như tôi cứ vứt mình trong những ngôi nhà đóng kín, điều hòa chạy vù vù, mát lạnh cả không gian, đôi lúc ngước nhìn qua cửa sổ, chợt nhận ra ánh nắng chói chang, nhưng chúng ta không phơi mình dưới nắng. Giữa đôi lần nhìn qua cửa sổ ấy, ta mơ thấy mình trong những bữa tiệc phù hoa của biển xanh mùa hè ấy thôi. Nào có mấy khi chúng ta cảm nhận được cái thực nhất của nắng.
Ở nơi thành phố này, bao nhiêu người không có những nơi trú ngụ như ta. Ở nơi thành phố này, bao nhiêu người, vùi mình vào trong nắng, hoảng sợ, hoang mang nhưng vẫn cứ phải sống lênh đênh trong cõi số phận của mình. Sống dưới nắng, Sài Gòn như trải qua một cơn mộng du đầy ảo ảnh.
Ở thành phố này, nắng lang thang rồi nắng suốt trên phố nhưng cuối cùng cũng chẳng có nơi chốn neo đậu. Giữa cơn nắng ấy, bỗng đâu từ vỉa hè cất lên giọng hát khàn khàn, não nề của một người đàn ông hát rong. Tiếng hát nghe thật u uẩn giữa cơn nắng buổi trưa.
Từng ấy lời thở than, buồn bã như một dòng tự sự dài của kiếp người chảy trong phố. Đời sống càng mệt mỏi, buồn bã, người Sài Gòn dường như lại càng yêu những bản nhạc “sến” rủ rỉ tâm tình. Giữa buổi trưa hôm nay, khi người nghệ sĩ hát rong vừa dứt ca bài Ai cho tôi tình yêu, lòng hoài niệm của mỗi người chúng tôi đều bảo nhau trôi về những ngày Sài Gòn xưa cũ ấy. Nơi thềm vắng, radio cũ, nơi có gió mát dưới những tán cây tỏa bóng.
Người hát rong ca tiếp một bản bolero khác và dàn đồng ca lại cất giọng hát theo. Vẫn là một bản nhạc buồn, về một câu chuyện tình buồn: Một cuộc chia tay đầy nước mắt, lưu luyến trên sân ga của đôi tình nhân với ánh đèn vàng, và tiếng còi tàu thúc giục, nỗi xúc động của một chàng trai khi tình cờ bắt gặp tấm ảnh của người xưa “tóc ngang vai, lược giắt hoa cài”... Tiếng hát rao lên giữa cơn nắng chói trong thành phố, thêm buồn, nhưng lại là chút ủi an bao người lao động trên phố. Đời sống dưới nắng dường như bớt ngột ngạt hơn, bớt tê tái hơn.
Những nụ cười thấp thoáng giữa cái quệt mồ hôi, những tiếng người bớt gắt gỏng… Thương Sài Gòn những ngày nắng như thương bàn tay gầy guộc, dù cố giấu đi đâu vẫn khiến mình xót xa.