Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Những nỗ lực tiên phong của TP.HCM trước 2 tuần vàng ngăn Covid-19

"Tôi nhận thấy sự quyết liệt của TP.HCM thông qua việc Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố, các quận, huyện giao ban, trao đổi hàng ngày", Thủ tướng khen ngợi.

"Tôi nhận thấy sự quyết liệt của TP.HCM thông qua việc Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố, các quận, huyện giao ban, trao đổi hàng ngày", Thủ tướng khen ngợi.

Cuối tháng 2, hơn 2 tuần liên tiếp Việt Nam không phát hiện ca nhiễm mới, 60 tỉnh, thành trên cả nước rục rịch kế hoạch cho học sinh trở lại trường. TP.HCM là địa phương duy nhất có văn bản kiến nghị Chính phủ cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3.

Kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của dịch Covid-19, nhiều giải pháp tiên phong và quyết liệt của TP.HCM đã trở thành những thử nghiệm thành công cho nhiều tỉnh, thành khác theo sau.

Bắt đầu 14 ngày "sống khác"

"Sống khác". Đó là giải pháp mà lãnh đạo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt ra cho người dân cũng như hệ thống chính trị thành phố.

Để chuẩn bị cho 2 tuần quyết định, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM đã họp mỗi ngày và liên tục nâng cao khả năng điều trị, cách ly người nhiễm Covid-19 trên cơ sở 3 đồng bộ: Tăng giường bệnh; Tăng lượng nhân viên y tế; Tăng vật tư y tế đặc thù. Thành phố đã làm mọi cách để tăng giới hạn chống dịch lên mức cao nhất có thể.

Trước khi cả nước bước vào 2 tuần vàng chống dịch, TP.HCM đã sẵn sàng cho 24.000 giường cách ly; 1.600 giường điều trị Covid-19; gần 40.000 nhân viên y tế sẵn sàng nhiệm vụ; chuẩn bị để tăng cường hệ thống xét nghiệm lên 5.000 mẫu/ngày...

TP.HCM là một trong những nơi đầu tiên trên cả nước tiên phong trong các chính sách về chế tài xử phạt người vi phạm quy định trong phòng chống dịch Covid-19. Từng bước, thành phố đặt ra những biện pháp đặc biệt tạm thời để tạo hàng rào chống dịch cho "giai đoạn vàng". Hầu hết trong số đó được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước làm theo.

Ngày 14/3, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước yêu cầu rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu ngưng hoạt động. Ngày 24/3, UBND TP.HCM chính thức ra quyết định yêu cầu ngừng hoạt động toàn bộ khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên)...

Ngày 25/3, Sở Tư pháp TP.HCM có hướng dẫn quy định xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19. Ngày 26/3, Chủ tịch UBND TP.HCM ra chỉ thị người dân ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không sẽ bị xử phạt.

phong chong dich Covid-19 anh 1

Người dân sống tại TP.HCM hưởng ứng chính sách bắt buộc đeo khẩu trang của thành phố. Ảnh: Duy Anh.

TP.HCM là nơi đầu tiên có chính sách hỗ trợ cho hơn 600.000 người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Qua sự kêu gọi của Thành ủy TP.HCM, các cán bộ, công chức sẽ giảm một nửa phần thu nhập tăng thêm năm nay và dành phần đó hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, không có thu nhập "để nuôi mình, nuôi con".

Tại kỳ họp bất thường được triệu tập ngày 27/3, HĐND TP.HCM đã thông qua việc chi 2.753 tỷ phục vụ công tác chống dịch Covid-19, trong đó dùng 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.

Những giải pháp này không được đặt ra một cách ngẫu nhiên để giải quyết theo tình thế, mà đây là một mô hình giải pháp có chiến lược đã được Bí thư Nhân và lãnh đạo thành phố nghiên cứu, lên phương án từ trước.

Hình mẫu nào cho Việt Nam?

"Việt Nam có ngăn được việc đạt 1.000 người nhiễm sau khoảng 37-45 ngày không?". Đó là câu hỏi trung tâm trong bản tóm tắt 10 trang được Bí thư Nhân gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 22/3. Trong đó, đưa ra dự báo, đề xuất mô hình chống dịch cho Việt Nam với 9 giải pháp. 8/9 giải pháp đó đã và đang được áp dụng.

Ông Nhân phân tích mô hình dịch của 10 nước trên thế giới dựa trên dữ liệu thống kê chi tiết về diễn biến dịch để rút ra bài học cho Việt Nam.

Qua đó, ông Nhân tổng kết, trừ Nhật Bản, tất cả 9 nước được khảo sát (Italy, Pháp, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc...) đều có số ca nhiễm lên tới 1.000 trong bình quân 39 ngày từ khi có ca nhiễm đầu tiên. Sau đó, các quốc gia này buộc phải chấp nhận tốc độ lây nhiễm vũ bão.

3 ngày tăng từ 1.000 lên 2.000 ca và tiếp tục tăng gấp đôi trong 3 ngày tiếp theo. 5 ngày lên 8.000 ca. 4 ngày lên 16.000 và có nguy cơ lên 32.000 trong 5 ngày kế tiếp. Riêng Nhật Bản, sau 37 ngày từ ca nhiễm đầu tiên chỉ có 100 người nhiễm và sau 65 ngày mới có 1.000.

phong chong dich Covid-19 anh 2

Nhật Bản có tốc độ lây nhiễm virus corona chậm hơn rất nhiều so với thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Qua đó, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhận định Nhật Bản chính là hình mẫu cho Việt Nam về kiềm chế tốc độ lây nhiễm.

Từ ngày 6-22/3, số ca nhiễm của Việt Nam đã cán mốc 100, tức chỉ mất 16 ngày. Bí thư Nhân nhận định đối chiếu với thời gian lây nhiễm bình quân của các nước, trừ Nhật Bản, thì nguy cơ tốc độ lây lan của Việt Nam sẽ nhanh không kém Mỹ và châu Âu. Nghĩa là trong vòng 10 ngày tới sẽ có 1.000 ca nhiễm và chứng kiến tốc độ lây lan chóng mặt là khoảng 8.000 ca sau 11 ngày tiếp theo.

Từ dự báo này, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhiệm vụ của Việt Nam là bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan dưới 1.000, và tốt nhất là dưới 500, trước ngày 3/4.

phong chong dich Covid-19 anh 3

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trong một cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: HMC.

Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 27/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có nhiều phát biểu tương đồng với nghiên cứu mà Bí thư Nhân gửi Chính phủ trước đó.

Ông Đam cho biết ngày 22/3 Việt Nam đã đạt mốc 100 ca nhiễm Covid-19 mới (không tính 16 ca ban đầu đã được chữa khỏi). Vì vậy, nếu theo quy luật của thế giới, đến khoảng hết ngày 31/3, Việt Nam khó có khả năng đạt 1.000 ca nhiễm Covid-19.

"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo thì chắc chắn sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam”, Phó thủ tướng nói.

2 tuần quyết định

150 ca nhiễm - đó là cột mốc mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt ra cho TP.HCM, yêu cầu cả thành phố phải nỗ lực để kiểm soát số ca nhiễm trong 2 tuần tới.

Bí thư nhận định nếu muốn ngăn dịch thì 10 ngày đến 2 tuần tới, TP.HCM phải nỗ lực cùng cả nước cố giữ để số ca nhiễm không vượt quá 1.000, tốt nhất là dưới 500 ca vì nếu "lỡ mất thời cơ này, chúng ta có lỗi với đất nước và không thể làm lại".

Bí thư cho biết theo thống kê, tỷ lệ ca nhiễm tại TP.HCM chiếm 30% số ca nhiễm của cả nước. Nếu 2 tuần tới, số ca nhiễm của cả nước lên đến 1.000 thì dự báo TP.HCM có 300 người dương tính. Ông Nhân nhận định với năng lực hiện tại, TP.HCM có thể chữa trị gấp 3 lần con số này nhưng vấn đề nằm ở số người cần cách ly tập trung.

Trung bình tại TP.HCM, cứ 1 người nhiễm phải cách ly 280 người tiếp xúc gần. Như vậy, với 300 ca nhiễm thành phố sẽ phải cách ly 84.000 người. Đây sẽ là bài toán khó cho thành phố.

Bí thư tính toán và đặt ra cột mốc trong 10-14 ngày nữa, TP.HCM cần giữ để số ca nhiễm không vượt quá 150 người. Như vậy, thành phố cần cách ly 42.000 người, nếu phân tầng thì có 4.200 người (10%) cần cách ly tập trung. Đây là con số vừa với công suất của thành phố. Ông nhấn mạnh yêu cầu TP.HCM bằng mọi cách phải giới hạn để số ca nhiễm không vượt quá 150 trong 2 tuần tới.

"Khổ trước thì sướng sau. Trong dịch phải khổ trước thì sau này mới không gây nguy cơ lớn. Tinh thần là 2 tuần nữa ráng chịu cực để sau đó sướng hơn. Nếu 2 tuần nữa mà sướng như bình thường thì sau đó sẽ lãnh đủ", Bí thư kêu gọi người dân thành phố.

phong chong dich Covid-19 anh 4

TP.HCM vắng vẻ trong ngày đầu yêu cầu người dân hạn chế ra đường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đánh giá cao các biện pháp quyết liệt của TP.HCM thời gian qua, tại buổi họp trực tuyến về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP.HCM vì đã làm hết trách nhiệm và đạt được những hiệu quả tức thì.

"TP.HCM đã đưa ra phương châm người dân không làm việc với người không đeo khẩu trang. Đây là điểm mới, đáng chú ý. Tôi nhận thấy sự quyết liệt của thành phố thông qua việc Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố, các quận, huyện giao ban, trao đổi đều đặn hàng ngày", Thủ tướng khen ngợi.

Người dân TP.HCM ủng hộ đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi Người dân TP.HCM vui vẻ ủng hộ việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng dù thừa nhận đôi lúc khá “ngộp”.

phong chong dich Covid-19 anh 5

Phố phường ở TP.HCM và Hà Nội vắng vẻ sau 19h

19h, nhiều cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội đã khoá cửa, tắt đèn. Đường phố thưa thớt người tham gia giao thông, các tụ điểm ăn chơi không còn ai.

Thu Hằng - Quang Huy

Đồ họa: Minh Hồng
Ảnh bìa: Thuận Thắng, Chí Hùng.

Bạn có thể quan tâm