Đội ngũ "nhà khoa học triệu đô" tại Trung Quốc đang tăng mạnh trong những năm trở lại đây và góp phần đưa đất nước này trở thành cường quốc về nghiên cứu khoa học. Họ thường làm việc trong các phòng thí nghiệm tiên tiến và thực hiện nhiều nghiên cứu mang tính đột phá, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế như Science hay Nature.
Giàu có và được trả lương cao, họ có đủ khả năng mua những chiếc xe hạng sang và đi du lịch nước ngoài cùng gia đình vào cuối tuần.
Thu hút nhân tài
Theo Nature Index 2016, Trung Quốc hiện là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về đóng góp công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cao, sau Mỹ.
"Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách, chỉ Trung Quốc có mức tăng trưởng hai con số giai đoạn 2012 - 2015, với mức đóng góp của một số trường đại học vào chỉ số này khoảng 25% mỗi năm", thông cáo báo chí của Nature cho hay.
Một nhà khoa học tại phòng thí nghiệm khoa học sinh học Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Xinhua |
"Hãy để các nhà khoa học giàu có" là khẩu hiệu từng được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lặp lại nhiều lần.Với mong muốn thúc đẩy khoa học công nghệ, Trung Quốc bắt đầu chi mạnh tay để thu hút nhân tài, đồng thời ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám khi lo sợ các nhà nghiên cứu tài năng nhất sẽ ra nước ngoài theo tiếng gọi của những mức lương hấp dẫn.
"Các nhà nghiên cứu khoa học và kỹ thuật là nhân tố cốt lõi của tiến bộ công nghệ, là động lực không thể thay thế trong quá trình gây dựng sự thịnh vượng của đất nước. Họ nên là nhóm có thu nhập cao trong xã hội", Tân Hoa xã dẫn lời ông Lý trong lần phát biểu năm 2015.
Số lượng các nhà khoa học ưu tú của Trung Quốc dù nhỏ nhưng đang ngày càng tăng. Mức lương được trả cho họ cũng tăng tương đối nhanh chóng.
Theo kết quả khảo sát toàn cầu của Nature về tiền lương của các nhà khoa học trong năm 2010, nhà khoa học Trung Quốc trung bình được trả chưa đến 40.000 USD/năm. Trong khi đó con số ở Mỹ là gần 80.000 USD. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong những năm gần đây.
"Khoảng cách đang biến mất dần. Ở các thành phố lớn, ngày càng nhiều nhà khoa học đang kiếm được nhiều hơn ở vị trí tương đương tại Mỹ", SCMP dẫn lời một nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa ở thủ đô Bắc Kinh.
Mức lương khởi điểm trung bình hàng năm cho giáo sư từ nước ngoài về làm việc tại trường đại học lớn ở Trung Quốc là khoảng 800.000 nhân dân tệ/năm (120.000 USD). Tại một số trường công, các nhà nghiên cứu được nhận mức thưởng 700.000 nhân dân tệ (107.000 USD) cho mỗi bài báo được đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu.
Lợi thế của nhà khoa học top đầu
Việc Trung Quốc mạnh tay chi những khoản tiền khổng lồ cho nghiên cứu và phát triển lý giải cho mức lương của nhà khoa học. Theo số liệu chính phủ, 1,4 nghìn tỷ USD đã được chi cho lĩnh vực này trong năm 2015, tương đương GDP của New Zealand.
Trước đây, hầu hết quỹ nghiên cứu và phát triển (R&D) thường chi tiền mua phần cứng và lương nhân viên ít được coi trọng Nhưng ngày nay, chính phủ yêu cầu thu hút nhân tài mới là ưu tiên.
Nỗ lực không để mất người tài và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học Trung Quốc dường như đã mang lại kết quả. Trong những năm gần đây, chất lượng công trình nghiên cứu do nhà khoa học Trung Quốc công bố được đánh giá là đã cải thiện nhanh chóng. Các lĩnh vực nghiên cứu của họ bao gồm khoa học vật chất, kỹ thuật công nghệ, hóa học, nông nghiệp và khoa học máy tính.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm phòng thí nghiệm tại Viện Vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: Xinhua |
Một số nhà khoa học Trung Quốc trở nên giàu có bằng cách khai thác tiềm năng thương mại từ nghiên cứu của họ. Trong năm 2015, giáo sư Xu Man của Viện Công nghệ Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc đã kiếm được hơn 13 triệu nhân dân tệ (hơn 2 triệu USD) khi bán công nghệ lớp phủ gốm cho một công ty ở Thâm Quyến.
Trong khi đó, nhiều triệu phú làm việc trong lĩnh vực khoa học là sản phẩm từ sự hào phóng của chính phủ và địa phương. Năm 2011, đề án "Nghìn nhân tài" có mức tiền thưởng 1 triệu nhân dân tệ/lần (154.000 USD) với ít nhất 3 triệu nhân dân tệ (460.000 USD) trong các quỹ nghiên cứu, cho ứng viên thành công.
"Các nhà khoa học Trung Quốc làm việc trong viện nghiên cứu hàng đầu thế giới không nhiều, nhưng nhu cầu để họ trở lại gần như là vô hạn," Zhang Li Yi, quan chức thuộc bộ phận nhân sự tại Viện Công nghệ Công nghiệp Ninh Ba, nói.
Theo Zhang, một người giỏi thường nhận được lời mời từ một số viện nghiên cứu và sự cạnh tranh có thể khá lớn. Viện của Zhang có gói kinh phí lên đến 10 triệu nhân tệ cho các quỹ nghiên cứu để thu hút ứng viên, với hỗ trợ tiền mặt của chính quyền trung ương và địa phương.
"Rất khó để thu hút nhân tài chất lượng cao khi không có một gói kinh phí cạnh tranh để mời gọi", Zhang cho biết.
Những bất đồng
Theo các chuyên gia, những người làm việc trong ngành khoa học ứng dụng như khoa học máy tính, y tế và khoa học vật liệu có thu nhập cao nhất. Lương đối với ngành khoa học thuần tuỳ thì ít hơn.
Lương cao và nhiều quyền lợi thu hút đã "kéo" nhiều nhà nghiên cứu về nước, nhưng vẫn còn những vấn đề khác.
Ô nhiễm không khí và an toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn của các nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, họ còn lo ngại bộ máy quan liêu của chính phủ và sự can thiệp vào công việc nghiên cứu.
Bên cạnh đó, lương và thưởng cao cho các nhà khoa học hàng đầu cũng không phản ánh thực tế mà hầu hết nhà nghiên cứu đang phải đối mặt. Phần lớn đều phải chật vật với mức tiền lương khiêm tốn để chi trả chi phí sinh hoạt tăng.
Theo People's Daily, một nhà khoa học tầm trung và không có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, chỉ kiếm được khoảng 7.000 nhân dân tệ/tháng (1.000 USD). Hai phần ba số tiền lương dùng để trả tiền thuê nhà. Lương thấp đã kéo theo tình trạng chảy máu chất xám sang phương Tây.
Khoảng cách về lương cũng có thể gây mâu thuẫn giữa các đồng nghiệp. Một nhà sinh vật học tại Đại học Thanh Hoa cho biết, việc một người trong rường trở thành triệu phú giống như "đang bước đi trên tảng băng mỏng". Số lượng đồng nghiệp "siêu giàu" đã tăng lên, nhưng hầu hết đều khá kín đáo vì không muốn gây thù địch với người thu nhập thấp hơn.
Một chuyên gia của Viện Khoa học Trung Quốc cũng cảnh báo về tình trạng chia rẽ giữa các nhà nghiên cứu giàu và nghèo. Theo ông, lương cao đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến giữ người tài với các cường quốc khoa học thế giới, nhưng nó cũng có thể mở rộng khoảng cách thu nhập và kích động các xung đột trong cộng đồng nghiên cứu.
Do đó, chính phủ cần giải quyết mối quan tâm của các nhà khoa học có thu nhập cao và thấp, đảm bảo công việc của họ đều được đánh giá đầy đủ.