Chia sẻ trong hội thảo công bố báo cáo nguyên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, các chuyên gia tài chính đã chỉ ra những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp này chưa hiệu quả trong thời gian qua.
Cụ thể, báo cáo về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính dẫn tới việc cổ phần hóa DNNN chưa thu hút được cổ đông chiến lược.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung muốn cải thiện tình hình cổ đông chiến lược cho DNNN cần phải thay đổi trước hết là tư duy, cách nhìn. Ảnh: Việt Hùng. |
Nguyên nhân đầu tiên khiến các nhà đầu tư dè dặt trong việc tham gia góp vốn vào DNNN là bị giới hạn tỷ lệ sở hữu ở mức thấp.
Thống kê hiện tại có 54 ngành, lĩnh vực được Nhà nước quy định nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia. Ngoài ra còn có 113 ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện quy định sở hữu nước ngoài không quá 49%. Điều này dẫn tới bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, giảm động cơ đầu tư chiến lược và nguy cơ vi phạm các nghĩa vụ, cam kết hậu hợp đồng.
Ngoài ra, còn tồn tại quy định chồng chéo như trong việc cổ phần hóa ngành bia. Theo đó, ngành bia không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước phải nắm quyền chi phối nhưng quá trình cổ phần hóa Habeco, Sabeco lại vướng phải quy định về thương mại kinh doanh có điều kiện đồ uống có ga nên cổ đông nước ngoài bị hạn chế sở hữu.
Nguyên nhân thứ 2 chính là việc chưa định giá rõ về giá trị doanh nghiệp, việc định giá khởi điểm chưa phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc chưa tính đúng giá trị thương hiệu, đất “vàng” và lợi thế kinh doanh từ các khu đất này cũng khiến việc định giá không chính xác.
“Doanh nghiệp ảnh hưởng nhiều vì chưa đánh đầy đủ giá trị đất vàng nhất gần đây chính là một hãng phim truyện”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết.
Nguyên nhân tiếp theo ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của các DNNN trong mắt nhà đầu tư nước ngoài chính là khả năng sinh lời.
Theo đó, phần lớn lợi nhuận của nhóm DNNN rơi vào các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Cụ thể, trong hàng loạt DNNN lớn thì Viettel và PVN đóng góp tới hơn 70% lợi nhuận trong năm vừa qua, trong khi những doanh nghiệp lớn khác như SCIC, EVN, VEAM hay ACV… chỉ đóng góp chưa tới 30% lợi nhuận. Điều này cho thấy khả năng sinh lời của đa số DNNN ở mức tương đối thấp. Bên cạnh đó, DNNN còn có rủi ro tài chính cao, đặc biệt là gánh nặng nợ vay trước và sau khi cổ phần hóa.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhấn mạnh về cổ phần hóa DNNN chính là việc công khai, minh bạch thông tin.
“Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới DNNN Việt Nam, nhưng khi chuẩn bị tham gia cổ phần hóa, thẩm định mới phát hiện ra 4-5 vấn đề chưa được giải quyết nên sự quan tâm sẽ giảm đi. Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư không biết mình đang mua cái gì.
Định giá doanh nghiệp không minh bạch cũng là lý do nhà đầu tư dè dặt trong việc đầu tư vào DNNN tại Việt Nam”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết.
Theo báo cáo, hiện nay chỉ có khoảng 241/620 doanh nghiệp, thực hiện công bố thông tin theo quy định. Trong khi phần lớn còn lại không công bố đủ 9 loại báo cáo thông tin cần thiết cho nhà đầu tư. Ngoài ra, quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới việc khó khăn trong chọn nhà đầu tư chiến lược vào DNNN.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương muốn cải thiện tình hình cổ đông chiến lược cho DNNN cần phải thay đổi trước hết là tư duy, cách nhìn.
“Phải nhìn dưới góc độ của nhà đầu tư chứ không phải của người giữ của. Ví dụ về giá, nếu tiếp cận theo thị trường và nhà đầu tư, họ cổ phần doanh nghiệp là mua khả năng sinh lời trong tương lại chứ không phải mua tài sản. Tài sản có thể rất lớn nhưng chỉ một nửa có khả năng sinh lời, còn lại sẽ hao mòn dần đi, gộp lại là to nhưng với nhà đầu tư thì rất nhỏ bé”, ông Cung khẳng định.
Ông Cung cũng cho biết việc công khai minh bạch thông tin trong việc cổ phần hóa DNNN là đương nhiên để thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư. Từ đó để đánh giá tài sản, chất lượng quản lý, người lao động….
“Như tại Vietnam Airlines vừa qua, đối tác của họ phỏng vấn từ các phó phòng trở lên xem văn hóa, năng lực quản lý có nhất quán không, chiến lược kế hoạch tương lai cụ thể...”, ông Cung chia sẻ.