Số lượng ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ tăng đột biến trong những tuần qua và không có xu hướng chậm lại. Ngày 21/4, Ấn Độ ghi nhận 295.041 người mắc mới và 2.023 bệnh nhân tử vong. Đây đều là những con số kỷ lục trong ngày tại Ấn Độ kể từ đầu đại dịch, theo CNN.
“Làn sóng lây nhiễm 2 hai đánh vào Ấn Độ như một cơn bão”, Thủ tướng Narendra Modi nói. Đến nay, Ấn Độ có hơn 15 triệu người mắc Covid-19, đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ. Số ca tử vong ở quốc gia này cũng cao thứ tư thế giới với hơn 180.000 người. Việc Ấn Độ "thất thủ" trong một thời gian dài xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Lơ là phòng dịch
Đầu tháng 2, Ấn Độ dường như có thể kiểm soát được dịch bệnh. Lúc này, số ca nhiễm mỗi ngày chỉ hơn 10.000 - mức tăng được cho là thấp so với quốc gia 1,3 tỷ dân. Tới đầu tháng 3, bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố nước này đã bước vào “giai đoạn cuối” của đại dịch.
Các nhà quan sát cho rằng ngôn từ mang màu sắc chiến thắng như vậy khiến người dân lơ là các biện pháp phòng dịch, như giãn cách xã hội hoặc đeo khẩu trang, theo CNN.
Ngoài ra, bất chấp rủi ro, rất đông người dân vẫn tụ tập tại các sự kiện công cộng như thi đấu thể thao, đám cưới, đến rạp chiếu phim...
Bất chấp số ca mắc Covid-19 gia tăng, người dân vẫn tập trung đông kín ở Haridwar dự lễ hội Kumbh Mela. Ảnh: Reuters. |
Gần đây, dịp tập trung đông người nhất là Kumbh Mela - một nghi lễ tôn giáo quan trọng của đạo Hindu và là một trong những cuộc hành hương lớn nhất thế giới.
Hàng triệu người Ấn Độ từ khắp đất nước đổ về Haridwar, thành phố cổ tại bang Uttarakhand, để tham gia nghi lễ và ngâm mình rửa tội bên bờ sông Hằng.
Lễ hội chính thức bắt đầu vào ngày 1/4 và sẽ kết thúc vào cuối tháng. Ban tổ chức đặt ra các nguyên tắc đảm bảo an toàn, như khách tới phải đăng ký trực tuyến và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi ngâm mình rửa tội.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại điều này là không đủ để kiểm soát rủi ro vì số người tham gia quá đông.
Hệ thống y tế quá tải
Ngày 20/4, Thủ hiến thủ đô New Delhi Arvind Kejriwal cảnh báo “hệ thống y tế của thành phố đã đến giới hạn. Không hệ thống nào có thể chăm sóc cho số bệnh nhân vô hạn”.
Một số bệnh viện tại New Delhi chỉ còn lượng oxy đủ dùng trong "vài tiếng". Trong khi đó, nhà chức trách đang vội vã chuyển đổi các nhà thi đấu, phòng tiệc, khách sạn, và trường học thành cơ sở chăm sóc để có thêm 6.000 giường bệnh.
Một cơ sở công cộng được cải tạo thành nơi chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở New Delhi. Ảnh: AFP. |
Không chỉ ở New Delhi, tình trạng thiếu thốn được ghi nhận khắp Ấn Độ. Người dân không thể tìm được giường bệnh. Nhiều gia đình tuyệt vọng phải lên mạng xã hội cầu cứu. Trang thiết bị y tế cũng thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là oxy, theo Guardian.
Bác sĩ Amit Thadhani, giám đốc bệnh viện Niramaya tại thành phố Mumbai, từng đưa ra cảnh báo về làn sóng lây nhiễm mới từ tháng 2 nhưng bị ngó lơ.
Bệnh viện của ông đã “hết sạch giường”. Nếu có người xuất viện, chiếc giường cũng chỉ có thể trống trong vài phút.
“Nhiều người xếp hàng bên ngoài để chờ đến lượt. Mỗi ngày, cứ 30 giây chúng tôi lại nhận cuộc gọi từ người đang tìm giường bệnh còn trống. Ai cũng đều bị đẩy tới cực hạn”, bác sĩ Thadhani nói.
Các phòng thí nghiệm cũng không kịp chuẩn bị cho nhu cầu xét nghiệm tăng mạnh. A Velumani, giám đốc quản lý Thyrocare - một trong những phòng thí nghiệm tư nhân lớn nhất Ấn Độ, cho biết nhu cầu xét nghiệm tăng gấp ba so với năm 2020.
Biến thể mới có “đột biến kép”
Với tên gọi B.1.617, biến thể Covid-19 mới tại Ấn Độ được cho là một trong những yếu tố chính đằng sau làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Biến thể này đáng lo ngại vì có hai protein gai, tức “đột biến kép”, thay vì chỉ có một. Protein gai là cơ chế giúp virus có thể bám và xâm nhập tế bào người.
Các nhà khoa học chưa chắc chắn về mức độ nguy hiểm của biến thể B.1.617. Nhưng tốc độ lây lan nhanh chóng của nó từ bang Maharashtra ra khắp cả nước là nguyên nhân chính khiến Anh cấm mọi đi lại từ Ấn Độ.
Bệnh nhân được thở oxy trong bệnh viện ở New Delhi ngày 15/4. Do số ca bệnh tăng nhanh ngoài kiểm soát, nhiều bệnh viện đang đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung khí oxy. Ảnh: Reuters. |
Theo bác sĩ Thadhani, virus lần này “dễ lây lan hơn” và chủ yếu ảnh hưởng tới thanh niên.
“Lúc này, người trong độ tuổi 20-30 nhập viện với triệu chứng rất nghiêm trọng. Rất nhiều ca tử vong là thanh niên”, bác sĩ Thadhani cho biết.
Chương trình tiêm vaccine được triển khai chậm
Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm vaccine quy mô lớn vào giữa tháng 1, nhưng tiến độ không đủ ngăn chặn làn sóng lây nhiễm.
Sau khi tiêm hơn 100 triệu liều vaccine cho người dân, quốc gia này chững lại do thiếu nguồn cung vaccine. Tuần trước, chính phủ liên bang cho biết họ còn chưa đầy 27 triệu liều vaccine - mức chỉ đủ cho khoảng 9 ngày.
Ấn Độ là nơi sản xuất vaccine lớn nhất cho thế giới. Vì thế, việc quốc gia này dự kiến chuyển hướng sản xuất cho nội địa cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu vaccine ở những nơi khác.
Liệu có quá muộn?
Trước số ca nhiễm tăng đột biến, các cơ quan chức năng đưa ra một số biện pháp khắc phục.
Chẳng hạn, ngày 20/4, thủ đô New Delhi ban bố lệnh phong tỏa một tuần. Cùng ngày, bang Maharashtra, nơi tập trung nhiều ca nhiễm mới, tiếp tục siết chặt hạn chế đối với các cửa hàng và dịch vụ vận chuyển đồ ăn.
Đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Modi cho biết sẽ chỉ tổ chức “những buổi tụ họp nhỏ” tại bang West Bengal - một khu vực bầu cử quan trọng.
Trong khi đó, đảng Quốc Đại Ấn Độ - phe đối lập chính - dừng mọi cuộc vận động tại West Bengal.
Tuy nghi lễ Kumbh Mela chưa được lệnh dừng lại, một số nhóm tôn giáo như Juna Akhara và Niranjani Akhara yêu cầu tín đồ tới từ bang khác hãy quay về nhà và tuân thủ hướng dẫn chống dịch.
Một số bang và thành phố cũng quy định người hành hương trở về phải được xét nghiệm và cách ly.
Dù vậy, các nhân viên y tế e sợ rằng lúc này là quá muộn. “Dịch bệnh đã kéo dài vài tuần. Người dân đang giải tán dần, nhưng họ có thể mang virus về nhà. Đây thật sự là tình thế tồi tệ”, Ramanan Laxminarayan, giám đốc Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế, và Chính sách tại New Delhi, cho biết.