Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngụy lý của Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979

Trung Quốc đã sai ngay khi có ý định tấn công Việt Nam. Những ngụy lý của họ không thể che đậy những sai lầm về chiến lược quân sự và thất bại trong ý đồ chính trị.

Đúng 40 năm trước, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa hàng trăm nghìn quân cùng xe tăng, cơ giới mở cuộc tấn công quy mô lớn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Vượt trội cả về binh lực lẫn hỏa lực, Trung Quốc vẫn không thể khuất phục ý chí quân dân Việt Nam.

Chien tranh Bien gioi 1979 anh 1
Tiến sĩ Vũ Cao Phan. Ảnh: Sơn Hà.

Trò chuyện với Zing.vn, tiến sĩ Vũ Cao Phan (Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế ĐH Bình Dương, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội hữu nghị Việt - Trung) có những nhìn nhận thẳng thắn về chiến tranh biên giới năm 1979.

Theo ông, dù đây là cuộc chiến phi nghĩa do Trung Quốc phát động, nó đã để lại rất nhiều vết thương, mất mát cho cả 2 bên. Là công dân Việt Nam, không ai được phép xóa nhòa, quên đi những hy sinh, những mất mát trong lịch sử dân tộc.

Cuộc tấn công bất ngờ

- Vào thời điểm Trung Quốc nổ súng, tràn sang biên giới Việt Nam tháng 2/1979, cá nhân ông và người dân thời đó cảm nhận thế nào?

- Vào thời điểm đó, tôi công tác ở Học viện Quân sự Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), làm công việc lưu trữ tư liệu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và đang ở Tây Nguyên. Như tất cả người dân Việt Nam, tôi căm phẫn, bức xúc, nhưng trước hết là bàng hoàng. Việt Nam và Trung Quốc có mâu thuẫn, nhưng chiến tranh? Tôi không ngờ sẽ xảy ra chiến tranh giữa hai nước.

Chien tranh Bien gioi 1979 anh 2
Sơ đồ mô phỏng cuộc tấn công của Trung Quốc ngày 17/2/1979, Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 18/2/1979.

Thực sự đây là lần đầu tiên có một cuộc xâm lược từ nước ngoài với quy mô lớn như vậy. Theo các nghiên cứu của tôi, khi đó có đến 30 vạn quân Trung Quốc tràn sang Việt Nam, chưa nói các lực lượng phía sau. Việt Nam đã bị bất ngờ trong hoàn cảnh đó, khi mà bộ đội chủ lực của ta vẫn đang căng mình chiến đấu chống Pol Pot ở Campuchia.

Tổng bí thư Lê Duẩn thời điểm đó cũng từng phát biểu cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc, nhưng giới quân sự trong nước gần như không tin một nước Xã hội Chủ nghĩa như Trung Quốc có thể đánh Việt Nam, nhất là khi 2 nước vừa chi viện, ủng hộ nhau trong kháng chiến chống Mỹ.

- Chúng ta đã ứng phó và phản kích ra sao?

- Chúng ta đã bị bất ngờ về cả thời điểm, cả quy mô và không gian chiến tranh. Tuy nhiên, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế nhanh, kịp thời với những tuyến phòng ngự kín đáo, ngoắt ngoéo dù các Sư đoàn chủ lực vẫn đang bận rộn ở chiến trường Campuchia. Bên cạnh đó, khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc không cao, các mũi tiến công chậm, dù ý đồ của họ là đánh nhanh.

Có thể nói Trung Quốc giành được yếu tố bất ngờ nhưng không tận dụng được. Điều đó giúp chúng ta kịp thời có các cuộc điều động lực lượng từ chiến trường phía Nam về khu vực biên giới để chuẩn bị phản kích.

Sáng 5/3/1979, lệnh tổng động viên được ban bố, 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã sẵn sàng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Nhưng chỉ đến trưa 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân.

Chien tranh Bien gioi 1979 anh 3
Lời Tổng động viên trên Báo Nhân dân số ra ngày 6/3/1979.

Ý đồ của Trung Quốc

- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam thời điểm đó? 

- Trung Quốc đã có một sai lầm chiến lược vô cùng lớn. Đó là đánh Việt Nam.

Những tuyên bố của họ cho thấy họ muốn "dạy cho Việt Nam một bài học", thực chất là muốn ép Việt Nam phải rút lui khỏi chiến trường Campuchia và bảo vệ quân Khmer Đỏ trước sự tấn công của quân đội Việt Nam.

Nhưng kết quả thì sao? Việt Nam vẫn căng mình chiến đấu ở Campuchia và cuối cùng rời khỏi Campuchia trong thế thắng. Trung Quốc chịu những thiệt hại nặng nề, nhưng mục đích của họ gần như không đạt được.

Một sai lầm nữa của Trung Quốc là họ ra mặt ủng hộ chế độ Pol Pot và thế giới đều biết rằng đây là chế độ rất tàn bạo. Đây là dấu trừ rất lớn trong mắt dư luận quốc tế đối với Trung Quốc. Điều này chứng tỏ quyết sách sai lầm của họ khi quyết định gây chiến với Việt Nam để cứu chế độ diệt chủng này. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ thời điểm này đã không thể như trước nữa.

Chien tranh Bien gioi 1979 anh 4
Trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn bị lính Trung Quốc phá hủy năm 1979.

- Trung Quốc có bất cứ tính chính nghĩa nào để bảo vệ cho các luận điệu của họ không?

- Trên thực tế, Trung Quốc đã không dạy được Việt Nam một bài học nào cả và chính họ cũng không có bất cứ một lý lẽ chính nghĩa nào biện minh cho việc xâm lược Việt Nam.

Họ rêu rao rằng Việt Nam chủ động gây hấn, xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, bên cạnh đó họ kích động nhân dân khu vực biên giới chống phá Việt Nam. Giới chức Trung Quốc tranh thủ các cuộc gặp với các nước để tìm sự ủng hộ quốc tế, lấy cớ dạy Việt Nam một bài học nhưng thực ra là để cứu chế độ Khmer Đỏ.

Trung Quốc cũng tự làm ô uế chính quân đội mình khi cướp, giết nhiều dân thường vô tội trên đường tháo chạy khỏi Việt Nam. Như các vụ thảm sát kinh hoàng ở Kim Quang (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hay giết hại 43 người dân (phần lớn là phụ nữ, trẻ em) rồi vứt xác xuống giếng ở thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).

Điều này chứng tỏ quân Trung Quốc lúc đó là một đội quân ô hợp, dã man và ngược hoàn toàn với các giá trị của quân đội một nước lớn, một nước Xã hội Chủ nghĩa. Bản chất việc xâm lược Việt Nam đã là phi nghĩa, cướp, giết dân thường thì lại càng phi nghĩa hơn nữa.

Trung Quốc đã tự làm xấu mình

- Theo nghiên cứu của ông, dư luận quốc tế đánh giá gì về cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam? 

- Giai đoạn đó, Việt Nam trải sức lực, của cải căng mình chiến đấu ở 2 chiến trường, trong khi đó, nền kinh tế gần như chạm đáy năm 1985.

Đây là thời kỳ rất khó khăn, khổ cực của nhân dân, mọi nhu yếu phẩm đều dồn cho bộ đội trên chiến trường. Trung Quốc cắt viện trợ đã đành, các nước khác cũng không hề có gì. Việt Nam chỉ có được sự giúp đỡ từ Liên Xô. 

Chien tranh Bien gioi 1979 anh 5
Một đơn vị pháo binh của Quân đội Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Trung Quốc tháng 2/1979. Ảnh: AFP.

Tôi để ý thấy ngay cả hiện nay, thế giới vẫn chưa thật sự nhìn nhận đúng đắn tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến chống Trung Quốc và chống Khmer Đỏ. Có rất ít học giả thế giới bàn về vấn đề này, về việc cục diện 3 nước ở bán đảo Đông Dương sẽ ra sao nếu Việt Nam ngừng giúp đỡ Campuchia khỏi Pol Pot lúc đó.

Tôi muốn có một hội thảo toàn cầu, bởi lịch sử sẽ dạy loài người về tương lai.

- Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau đó ra sao?

- Đây cũng là một sai lầm của Trung Quốc, họ đã mắc sai lầm về chiến lược lại còn mắc thêm sai lầm về ngoại giao. Trung Quốc đẩy Việt Nam ra xa, xóa tan, phủ nhận mọi công lao của chính họ đối với Việt Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Món nợ mà Việt Nam mắc với họ đã được đòi bằng máu.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, đã nói: “Bằng cuộc chiến tranh với Việt Nam, tự Trung Quốc đã phá đi tất cả những công lao họ giúp đỡ Việt Nam trước đây”.

Sự thật là Việt Nam đã nghĩ về Trung Quốc rất khác sau cuộc chiến tranh này.

Không lẩn tránh, nhưng cũng không bới móc

- Chúng ta cần làm gì để cải thiện những điểm mâu thuẫn trong mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc?

- Quan hệ Việt - Trung phải hữu nghị, nhưng phải thực chất, 2 bên phải đàm phán các vấn đề tồn tại để cùng nhau giải quyết. Như tôi thấy, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay vẫn là vấn đề biển đảo, vấn đề đường 9 đoạn, tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Chien tranh Bien gioi 1979 anh 6
Dấu tích lô cốt bằng bê tông tại pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt năm 1979. Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh việc tôn trọng truyền thống hữu nghị giữa 2 nước, chúng ta vẫn cần có những trao đổi thẳng thắn, có những gặp gỡ trực tiếp để tháo gỡ những khó khăn này.

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phải là quan hệ hiểu biết, tôn trọng truyền thống, quan điểm của nhau, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng "cả vú lấp miệng em". Trung Quốc không thể tự cho mình là nước lớn nên có quyền "dạy Việt Nam một bài học", trừng phạt Việt Nam.

- Từng có thời gian làm việc tại Trung Quốc và tiếp xúc với người dân, các học giả Trung Quốc, ông thấy họ nhìn nhận thế nào về cuộc chiến kéo dài suốt 10 năm đó?

- Sự thực là người dân Trung Quốc chịu rất nhiều quy định ngặt nghèo về ngôn luận, được tiếp cận với rất ít thông tin và hầu hết thông tin đều được đưa ra nhằm phục vụ mục đích của chính quyền.

Tuy nhiên, nhìn chung người dân không ủng hộ cuộc chiến này. Chính họ cũng ngạc nhiên khi Trung Quốc và Việt Nam từng vào sinh ra tử với nhau trong cuộc chiến chống Mỹ giờ lại có thể xảy ra chiến tranh. Ngay trong lúc chiến tranh, có người bảo: “Tôi không hiểu điều gì xảy ra ở biên giới, nhưng đem con em Trung Quốc đánh Việt Nam là không được…”.

Tôi có khoảng 6 tháng ở Trung Quốc những năm 2000, có các cuộc tiếp xúc với các cựu binh từng sang giúp Việt Nam đánh Mỹ. Không ít người nghẹn ngào.

Các học giả Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh khá im lặng nhưng thời gian gần đây có phát biểu nhiều hơn, nhất là khi họ ra nước ngoài như Phùng Học Vinh, Trần Kiên, Trương Hiểu Minh... Quan điểm của họ gần với sự thật hơn, cho rằng Trung Quốc đã sai khi tự cho mình quyền dạy nước khác một bài học. Trung Quốc đã tự xóa đi hình ảnh đẹp của mình trong mắt người dân Việt Nam cũng như trong mắt chính người Trung Quốc.

Một số tác phẩm văn nghệ như các tiểu thuyết Ma chiến hữu, Vòng hoa dưới chân núi… với nội dung chiến tranh biên giới Việt - Trung cũng từng gây nên dư luận một thời với nhiều tranh cãi ở Trung Quốc.

- Hiện, các câu chuyện về chủ đề chiến tranh biên giới năm 1979 đã được nhắc đến nhiều hơn, đưa vào sách giáo khoa. Ông suy nghĩ thế nào về sự thay đổi này?

- Theo tôi, đây là điều bắt buộc. Trước hết là do yêu cầu từ dư luận xã hội, sau đó là vì đây là lịch sử, là sự thật tất cả chúng ta phải chấp nhận.

Sự nhạt nhòa ở những người trẻ tuổi cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Chúng ta nhắc đến không phải để làm sứt mẻ tình hữu nghị giữa 2 nước. Chúng ta đang nhắc đến những bài học phải trả bằng máu của cả 2 dân tộc.

Trung Quốc đã sai, nhưng chúng ta cũng đã có thể làm được điều gì đó để ngăn cản cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Không lẩn tránh, nhưng cũng vẫn cần cẩn trọng trong thông tin cũng là để hướng đến tương lai. Nhất là trong thời điểm hiện tại, cả 2 nước đang muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với nhau.

Phút bi tráng tại pháo đài Đồng Đăng Tháng 2/1979, quân Trung Quốc bao vây pháo đài Đồng Đăng, chúng giật bộc phá và phóng hỏa sát hại toàn bộ quân dân ta trú ẩn dưới các tầng hầm.

Cuộc chiến bi hùng trên pháo đài Đồng Đăng 1979

"Sáng ăn cơm Đồng Đăng, chiều ăn cơm Hà Nội" - quân Trung Quốc ngông nghênh tuyên bố. Thế nhưng 5 ngày sau, địch vẫn loay hoay không chiếm nổi pháo đài chỉ có 1 đại đội trấn giữ.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm