Cuộc chiến bi hùng trên pháo đài Đồng Đăng 1979
"Sáng ăn cơm Đồng Đăng, chiều ăn cơm Hà Nội" - quân Trung Quốc đã ngông nghênh tuyên bố như vậy khi tiến quân vào thị trấn cửa ngõ của Lạng Sơn. Thế nhưng 5 ngày sau, địch vẫn loay hoay không chiếm nổi pháo đài chỉ có 1 đại đội trấn giữ.
"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Người dân Bắc Bộ từ bao đời vẫn truyền nhau bài ca dao về một thị trấn nhỏ nằm sát vùng biên giới Lạng Sơn. Đồng Đăng - cái tên gắn với huyền tích về nàng Tô Thị. Sau tháng 2/1979, thị trấn có thêm một huyền tích nữa. Đó là câu chuyện về những liệt sĩ tử thủ trên pháo đài Đồng Đăng khi quân Trung Quốc tràn sang xâm lược.
40 năm trước, Lạng Sơn là một trong những mặt trận ác liệt nhất của cuộc chiến biên giới phía Bắc. "Sáng ăn cơm Đồng Đăng, chiều ăn cơm Hà Nội", quân Trung Quốc đã ngông nghênh tuyên bố như vậy khi tiến quân vào thị trấn cửa ngõ của Lạng Sơn.
Thế nhưng 5 ngày sau, địch vẫn loay hoay không chiếm nổi pháo đài chỉ có 1 đại đội trấn giữ.
Pháo đài Đồng Đăng chiếm giữ vị trí trọng yếu nhất của cả thị trấn. Đây là cứ điểm vô cùng kiên cố nhờ hệ thống hầm xây chìm xuống lòng núi, trên đỉnh là những lô cốt kiên cố với lỗ châu mai chĩa về 4 hướng. Khi có biến, pháo đài có thể thành nơi trú ẩn của hàng trăm người.
Mãi đến sau năm 2000, người dân Đồng Đăng mới có điều kiện khai quật pháo đài. Hơn 30 bộ hài cốt được tìm thấy ở tầng hầm đầu tiên. Đến nay vẫn chưa ai tiếp cận được tầng hầm thứ 3, nơi ước tính còn hàng trăm xác người nằm lại.
Cuộc vây hãm bất ngờ
Cuộc chiến tại biên giới Lạng Sơn đã lùi xa 40 năm, ông Đào Đức Cường bây giờ đã 65 tuổi. Nỗi căm thù trong lòng người lính đã nhẹ dần theo thời gian, nhưng sự xót thương dành cho những người ruột thịt thì vẫn quặn lên khi có người nhắc chuyện.
Sau biến cố đó, ông Cường chuyển ngành sang làm nhân viên đường sắt. Ông chăm sóc bố mẹ già và thờ phụng các em. Cứ tháng 2 hàng năm, người cựu binh lại lên thắp hương tại di tích pháo đài.
Người dân Lạng Sơn trên đường sơ tán để tránh quân Trung Quốc. |
Đầu tháng 2/1979, thượng sĩ Cường khi đó 25 tuổi, đang đóng quân ở Huế. Ông được đơn vị cho về phép ăn Tết Kỷ Mùi cùng gia đình ở thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Mâm cơm Tết khi đó còn đầy đủ cả gia đình gồm bố mẹ ông Cường, 8 anh chị em ruột và một người cháu. "Biên giới lúc ấy đã căng thẳng rồi, nhưng không ai nghĩ họ sẽ tràn quân sang", ông nhớ lại.
Ngày 17/2/1979, người lính quê Đồng Đăng vừa trở lại Huế, cũng là lúc nghe tin quân Trung Quốc tràn sang tấn công Lạng Sơn và 5 tỉnh biên giới phía Bắc.
Ông Cường xin chỉ huy đơn vị cho quay lại nhà thêm một lần nữa rồi lên tàu đi Lạng Sơn ngay trong ngày.
Ông Đào Đức Cường có 8 người thân trong gia đình bị quân Trung Quốc sát hại ở pháo đài Đồng Đăng. |
Nhà ông Cường ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng. Vì lo ngại chiến tranh nên bố mẹ ông gửi 7 người con đến ở gần ga tàu hỏa nằm dưới chân pháo đài. "Ga Đồng Đăng khi đó có một đoàn tàu luôn trực sẵn, nếu giặc tràn sang thì người dân lên tàu sơ tán về xuôi luôn".
Không ngờ, phía Trung Quốc đã cài cắm lực lượng vào thị trấn từ trước. Khi chiến sự nổ ra, ga tàu nhanh chóng bị địch chiếm. Lính Trung Quốc tràn vào Đồng Đăng. Chúng bắt giữ bố mẹ ông Cường. Hàng trăm người dân, trong đó có 7 anh chị em ruột của ông Cường chạy dồn lên pháo đài.
Ai cũng hy vọng pháo đài kiên cố được xây từ thời Pháp với nhiều bộ đội và công an vũ trang trấn giữ sẽ trụ vững trước hàng đàn quân giặc.
Cướp bóc, phá hoại và tàn sát
Sáng 17/2, trên mặt trận Lạng Sơn, đối phương sử dụng các quân đoàn 43, 55 và 54 (dự bị), 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới, chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng.
Cầu Kỳ Lừa và Trụ sở tỉnh Lạng Sơn bị lính Trung Quốc phá hủy năm 1979. |
Nhờ vào ưu thế về hỏa lực và có nội gián là người Hoa tại địa phương, ngay trong sáng 17/2 quân Trung Quốc đã chiếm được hầu hết trận địa phòng ngự chủ yếu của ta ở Đồng Đăng, cắt đứt đường 1A và 1B.
Thế trận phòng ngự của quân Việt Nam vẫn được duy trì liên tục từ ngày 17/2 đến 20/2 xung quanh thị trấn Đồng Đăng (cách thị xã Lạng Sơn 14 km) và ngã ba Tam Lung (cách thị xã Lạng Sơn 7 km) với các điểm nóng ở khu vực cửa khẩu Hữu Nghị và điểm cao 402, cụm chốt Thâm Mô - Pháo đài - điểm cao 339, ga Đồng Đăng, khu đồi Chậu Cảnh, điểm cao Khôn Làng...
Tại những nơi quân xâm lược đi qua, chúng điên cuồng cướp bóc, phá hoại nhà cửa và tàn sát dân thường
Dù bị tổn thất, các đơn vị hỗn hợp của Sư đoàn 3, Trung đoàn 12 Thanh Xuyên, Tiểu đoàn 11 bộ đội địa phương, Tiểu đoàn 1 cảnh sát cơ động, Đại đội 5 công an vũ trang, Đồn biên phòng Hữu Nghị Quan… cùng dân quân tự vệ đã bám trụ trận địa, tổ chức tiến công giành giật lại các vị trí bị chiếm đóng, gây cho đối phương những thiệt hại hết sức nặng nề.
Bị giam chân suốt nhiều ngày, đến ngày 22/2, quân xâm lược tăng cường lực lượng mở một đợt tiến công mới vào Tân Yên, Đồng Đăng. Nhờ ưu thế vượt trội về quân số và hỏa lực, sau hàng loạt trận đánh liên tục, đến ngày 23/2/1979, địch chiếm được khu vực Tân Yên, Đồng Đăng. Các lực lượng vũ trang Việt Nam rút về phía sau lập phòng tuyến mới.
Sáng 5/3, quân địch chiếm được thị xã Lạng Sơn (nay là TP Lạng Sơn, cách biên giới 15 km). Tại đây chúng cướp bóc, phá hoại nhà cửa, các di tích lịch sử và tàn sát dân thường.
Cùng lúc đó, các sư đoàn chủ lực của Việt Nam từ phía Nam được huy động tiến sát thị xã, chuẩn bị đợt phản kích với hỏa lực mạnh.
Lực lượng tăng cường của Quân đoàn 1 đã hoàn tất triển khai vào vị trí chiến đấu trên tuyến Chi Lăng - Đồng Mỏ - Hữu Kiên phía nam thị xã. Trung đoàn pháo binh 204 với 36 dàn hỏa tiễn bắn loạt 40 nòng BM-21 đã tập kết và sẵn sàng khai hỏa.
Khi trận phản kích chưa bắt đầu thì chiều 5/3, nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước do “đã hoàn thành mục tiêu đề ra”.
5 ngày đêm tử thủ
Trong ngày 17/2/1979, thị trấn Đồng Đăng nhanh chóng thất thủ trước hàng đàn xe tăng và bộ binh Trung Quốc. Chỉ còn một pháo đài nằm trên ngọn đồi nhỏ phía nam thị trấn địch vẫn chưa chiếm được.
Chiếm giữ vị trí trọng yếu nhất của cả thị trấn, chốt giữ pháo đài Đồng Đăng lúc đó là đại đội 42 thuộc trung đoàn 4, sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng) và một đơn vị Công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng).
Trung đoàn 4 của ông Hà Đức Thiện là đơn vị đầu tiên lên tiếp quản pháo đài Đồng Đăng sau khi Trung Quốc rút quân. |
Thượng úy Hà Đức Thiện (khi đó cũng là chiến sĩ trung đoàn 4, Sư đoàn 337) cho biết trung đoàn của ông là đơn vị chủ lực phòng ngự thị trấn Đồng Đăng, chứng kiến cảnh quân Trung Quốc vây hãm pháo đài Đồng Đăng khi bên trong còn hàng trăm dân thường đang trú ẩn.
"Pháo đài tối om và ngột ngạt bởi mùi tử khí, máu me, tiếng trẻ con khóc không thành tiếng vì khát nước, khát sữa..."
"Quân Trung Quốc mở hàng chục đợt tiến công lên pháo đài nhưng đều bị đẩy lùi. Bộ đội ta trong các lô cốt dùng AK và B41 bắn ra, xác quân địch ngổn ngang trên đường dẫn lên pháo đài", ông Thiện kể.
Sau nhiều giờ tấn công, các chốt cố thủ của Đại đội 42 từ con đường quanh đồi dẫn đến pháo đài lần lượt bị mất. Một số người Hoa theo giúp quân Trung Quốc đã cắt hết dây thông tin liên lạc, dẫn quân địch theo các đường hẻm lên chốt, những vị trí đóng quân của bộ đội Việt Nam, chiếm được một phần pháo đài.
Dấu tích lô cốt bằng bê tông tại pháo đài Đồng Đăng. |
Lương thực và đạn dược trong pháo đài bắt đầu cạn dần. Nguy cấp nhất là không có quân chi viện. Trung Quốc chiếm được phần nóc pháo đài, bộ đội Việt Nam phải rút xuống các tầng hầm cố thủ. Khi quân địch cho người đến cửa hầm gọi hàng, đáp lại chỉ là những loạt AK từ bên trong bắn ra.
Những ngày tiếp theo, số lượng người thương vong ngày càng tăng. Pháo đài tối om và ngột ngạt bởi mùi tử khí, máu me, tiếng trẻ con khóc không thành tiếng vì khát nước, khát sữa...
Mất 5 ngày đêm vẫn chưa chiếm được pháo đài khiến quân địch điên cuồng. Ngày 22/2/1979, chúng đặt bộc phá giật sập cửa hầm, dùng lựu đạn cay thả xuống các lỗ thông hơi, sau đó đổ xăng xuống hầm rồi phóng hỏa.
"Vết thương tháng 2 vẫn rỉ máu"
Ông Cường khi đó đã về đến gần Đồng Đăng nhưng không thể vào thị trấn. Gặp một đơn vị bộ đội, ông xin được tham gia chiến đấu nhưng vì khác đơn vị nên không được nhận.
Hành trình tìm cha mẹ và các em của ông Cường bị gián đoạn tới tận ngày 5/3/1979 khi Trung Quốc rút quân. Vào được thị trấn Đồng Đăng, ông theo chỉ dẫn của những nhân chứng sống sót mà chạy một mạch lên pháo đài.
Xác người được chôn dọc theo con dốc. Có mấy xác chôn sơ sài còn thò cả tay chân ra. Trên đỉnh pháo đài, những lô cốt đổ nghiêng, vỡ toác vì bộc phá nhưng tuyệt nhiên không có một dấu vết nào của quân Trung Quốc.
Đối phương đã dọn sạch chiến trường từ cái vỏ đạn như thể muốn xóa hết bằng chứng về tội ác của mình.
"Tôi từng đánh Mỹ, theo đoàn quân giải phóng Sài Gòn, nhưng nỗi căm hờn chưa bao giờ lớn như khi chứng kiến quân Trung Quốc giày xéo quê hương"
Ông Đào Đức Cường
Lối xuống các tầng hầm bị đất đá lấp kín, không có cách nào tiếp cận được bên trong. Cả 7 anh chị em ruột của ông Cường đã mãi mãi nằm lại trong pháo đài, cùng hàng trăm dân thường và bộ đội. Người em út của ông khi đó mới 8 tuổi.
Khi từ giã quê nhà đi đánh Mỹ, ông Cường cứ ngỡ mảnh đất Lạng Sơn mãi mãi là hậu phương, nơi đón những chuyến hàng viện trợ của người "đồng chí" Trung Quốc. Thế rồi chỉ trong vài năm, bạn hóa thành thù, hậu phương hóa thành tiền tuyến. Điều khiến người lính như ông day dứt là không được cầm súng bảo vệ gia đình và quê hương mình.
"Tôi từng đánh Mỹ, theo đoàn quân giải phóng Sài Gòn, nhưng nỗi căm hờn chưa bao giờ lớn như khi chứng kiến quân Trung Quốc giày xéo quê hương", ông nói.
Từ ngày 17/2/1979 đến khi kết thúc chiến sự, 19.000 quân Trung Quốc ở Lạng Sơn đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Lực lượng vũ trang Việt Nam và người dân đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn và 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp, 52 xe quân sự.
Để lập nên chiến công này, sư đoàn 3 hy sinh và bị thương gần 1.500 người; Sư đoàn 337 hy sinh 650 người; Sư đoàn 338 hy sinh 260 người... 20 cá nhân và 14 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Quân đoàn 14 được mang danh hiệu “Binh đoàn Chi Lăng”, Sư đoàn 337 được tặng danh hiệu “Đoàn Khánh Khê”.