Norm Jones (54 tuổi) không biết mình còn có thể tin vào điều gì trên đời. Cuộc hôn nhân thần tốc đã đổ vỡ. Người bạn gái anh trò chuyện hàng ngày trong suốt 5 tháng không phải là người như những gì anh nghĩ. Toàn bộ số tiền 250.000 USD Jones gửi cho cô ta cùng toàn bộ số tiền tiết kiệm và nghỉ hưu cũng không cánh mà bay. Anh phải bán nhà để trả nợ.
Là một nhân viên ngành viễn thông và an ninh mạng ở Thung lũng Silicon, Norm Jones không ngờ mình lại trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo qua mạng. Anh trở nên tuyệt vọng đến mức tự làm hại bản thân để giải tỏa cảm xúc.
Hồi tháng 3, đội y tế khẩn cấp đã phát hiện Jones bất tỉnh trong nhà tắm sau khi tự sát không thành. “Bố, anh trai và mọi người xung quanh đã tưởng tôi chết”, anh kể lại với NBC News.
Chiêu trò “chăn lợn” tinh vi
Theo NBC News, lừa tình là một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất trên Internet. Số lượng tăng cao và chiêu thức ngày càng phức tạp dẫn đến các nạn nhân bắt đầu tự làm hại bản thân vì quá tuyệt vọng.
Từ hình thức lừa vài nghìn USD bằng thẻ quà, kẻ xấu đã nâng cấp thành lừa đảo những khoản đầu tư khổng lồ hay tiền để dành nghỉ hưu trị giá hàng trăm nghìn USD. Những chiêu trò này càng tinh vi hơn khi tiền mã hóa ngày càng phổ biến.
Erin West - công tố viên quận Clara, California - cho biết các tội phạm lừa tình đang ngày càng tinh vi, bòn rút từng đồng một của các nạn nhân. Khi đó, hậu quả để lại với các nạn nhân cũng nặng nề hơn.
“Họ mang nỗi tuyệt vọng khổng lồ. Vì thế, ngày càng nhiều nạn nhân đòi tự tử hay thậm chí là tự tử không thành đến mức phải nhập viện, trị liệu tâm lý”, West nói.
Người lừa đảo Norm Jones có tên là Aranya. Cô đã chủ động nhắn tin cho anh ta trên Facebook hồi tháng 11. Anh đã mất cảnh giác vì họ có rất nhiều bạn chung trên Facebook. Sau đó, hai người chủ yếu nhắn tin với nhau trên Telegram - app tin nhắn phổ biến của các tội phạm lừa đảo. Họ thỉnh thoảng còn gọi nhau qua điện thoại.
Lừa tình qua mạng ngày càng phổ biến và tinh vi. Ảnh: Pexels. |
“Đây là một rủi ro về tính mạng mà chúng ta chưa quan tâm đúng mức”, Amy Nofziger - Giám đốc phòng hỗ trợ nạn nhân tại Fraud Watch Network của AARP - nhận định.
Cách thức lừa tình qua mạng có hai giai đoạn. Trước tiên, tội phạm sẽ chiếm lòng tin của nạn nhân bằng cách giả vờ yêu đương trong vài tuần hay vài tháng. Sau đó, bọn họ sẽ thuyết phục nạn nhân rót tiền vào một dự án đầu tư không có thật hoặc tổ chức lừa đảo nào đó. Trên thực tế, vào khoảnh khắc chuyển tiền đi, họ đã mất tất cả.
Theo Trung tâm khiếu nại tội phạm Internet (Internet Crime Complaint Center - IC3) của FBI, chiêu trò lừa đảo tinh vi này có tên là "chăn lợn", chỉ quá trình “vỗ béo” con mồi bằng cách tiếp cận, xây dựng mối quan hệ tình cảm và chiếm trọn niềm tin, sau đó “giết thịt”, cuỗm hết tài sản của họ. Một báo cáo của FBI chỉ ra nạn nhân của chiêu thức này mất tổng cộng 3,3 tỷ USD trong năm 2022, gấp đôi so với năm 2021.
Aranya nhanh chóng trở thành cô bạn gái online và là một phần quan trọng trong đời Jones. Anh thích cô vì thông minh và xinh đẹp. Cô tỏ vẻ mình là một người sống xa hoa và thường có những khoản chi tiêu lớn như đầu tư cho tiền số. Cô cố thuyết phục Jones đầu tư vào một trang tiền mã hóa, thậm chí còn bảo anh cầm cố căn nhà để có thêm tiền.
Sau khi làm quen, kẻ xấu bắt đầu chiếm lòng tin của đối tượng và bòn rút tài sản của họ. Ảnh: Pexels. |
Đến tháng 2, Jones bắt đầu sinh nghi. Anh lên kế hoạch gặp Aranya ở New York vì cô bảo mình đang sống trong căn hộ xa hoa ở quận Manhattan trong thành phố. Nhưng khi đến nơi cô lại nói rằng mình đang ở Seattle, bang Washington.
Một tháng sau, tài khoản ngân hàng của Jones trống không. Anh cũng không thể rút tiền từ trang tiền mã hóa về ví. Jones quyết định báo cáo lên FBI nhưng không nhận được phản hồi.
Anh ước tính mình mất khoảng 250.000 USD cùng một khoản thuế không nhỏ. Jones sợ mình còn không giữ nổi căn nhà đang ở. Nhưng hơn tất cả, Jones cảm thấy tổn thương và phản bội vì không thể tin tưởng vào Aranya thêm lần nào nữa.
Sau lần tự tử không thành vì quá thất vọng, Jones đang cố gắng hồi phục cùng người thân trong gia đình và bán nhà để trả nợ. Hồi tháng 4, anh chụp hình mình đang dưỡng bệnh cho Aranya, nói rằng mình đã rất tuyệt vọng khi biết tất cả chỉ là lừa đảo. Aranya đã đọc tin nhắn nhưng không phản hồi. “Tôi đã chấp nhận mọi thứ hơn một chút. Thật may vì tôi vẫn còn sống”, Jones nói.
Nạn nhân lừa đảo tuyệt vọng đến mức tìm chết
Theo Heidi Kar - nhà tư vấn tâm lý tại Education Development Center - hai nguyên nhân phổ biến nhất khiến một người có suy nghĩ tự tử là kết thúc một mối tình hoặc gặp khủng hoảng tài chính. Do đó, khi kiểu lừa đảo như trên tăng cao, nhiều người sẽ chọn cách tự tử.
Những kẻ đứng sau chiêu trò lừa đảo qua mạng ngày càng thông minh và tinh vi. Ảnh: FBI. |
Nói với NBC News, Ashley (36 tuổi) cho hay cô không hề biết bố mình - ông Joe Bleibtrey - vướng vào chiêu trò lừa tình cho đến khi ông qua đời. Cô đã xâu chuỗi tất cả sự kiện thông qua điện thoại và phát hiện ông đã tự tử.
Giống với trường hợp của Jones, người tình của Bleibtrey cũng làm quen trên Facebook và thuyết phục đối phương chuyển sang nhắn tin ở Telegram.
Trong suốt 4 tháng quen nhau, cô gái này liên tục thuyết phục ông dùng mọi khoản tiết kiệm ông có, khoảng 500.000 USD để đầu tư vào một dự án tiền số giả mạo. Cuối cùng, ông tự sát sau khi phát hiện câu chuyện người phụ nữ đó nói chỉ là giả và ông bị cuỗm sạch toàn bộ số tiền.
“Người này đã lấp đầy sự trống vắng của bố tôi đến mức khiến ông tin tưởng và lơ là trước mọi rủi ro”, Ashley nói.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.