Chỉ vài năm trước, mua nhà tại những thành phố lớn vẫn là giấc mơ, là niềm tin về một cuộc sống sung túc của hàng triệu người Trung Quốc. Nhiều người sẵn sàng vay nợ ngân hàng hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD để ký hợp đồng khi mà các dự án còn đang nằm trên giấy hoặc mới bắt đầu khởi công.
Nhưng rồi bong bóng bất động sản đột ngột phát nổ. Khi tín dụng cho lĩnh vực bát động sản bị siết chặt, các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc bỗng dưng không còn tiền mặt, khiến hàng nghìn dự án bị đình trệ, theo New York Times.
Những ngôi nhà dang dở
Daisy Xu năm nay 28 tuổi, là nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm. Năm 2019, cô ký hợp đồng mua căn hộ tại một tổ hợp chung cư ở Thượng Hải. Ngày cô ký hợp đồng cũng là ngày toàn bộ dự án được bán sạch.
"Tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng hạnh phúc ấy, tôi chụp lại ảnh số căn hộ và thông báo tin vui cho người thân trong gia đình", Daisy nhớ lại.
Căn hộ chung cư tốn của Daisy 495.000 USD, một cái giá không hề rẻ nhưng vẫn chấp nhận được nếu so với các chung cư cũ hơn tại Thượng Hải. Cô muốn một căn hai phòng tắm để thuận tiện khi đón hai bên nội ngoại tới thăm. Căn hộ này nhìn ra bờ sông, và cách khu phố đông đúc hàng quán chỉ vài bước chân.
Daisy Xu đứng trước dự án nơi có căn hộ cô ký hợp đồng mua từ 2019. Ảnh: New York Times. |
Theo kế hoạch, Daisy sẽ nhận chìa khóa vào tháng 9 và chuyển vào nhà mới đầu năm 2023. Nhưng khu căn hộ 16 tầng hiện vẫn còn ngổn ngang, bao quanh bởi giấy bảo hộ màu xanh và nhiều tầng cỏ dại. Daisy hiện vẫn phải ở nhà thuê.
Tại Trung Quốc, khoảng 90% căn hộ mới được chào bán trước khi chúng được xây. Mô hình bán trước xây sau này cho phép các công ty xây dựng huy động tiền nhanh và sớm hơn, nhưng đồng thời đẩy phần rủi ro cho người mua như Daisy. Khách hàng thường phải trả toàn bộ tiền nhà trước khi dự án khởi công, nhiều người chấp nhận thế chấp tài sản để vay ngân hàng.
Theo quy định, tiền thu được từ bán căn hộ chưa xây chỉ được sử dụng phục vụ dự án xây dựng đó. Nhưng thời gian qua, giám sát lỏng lẻo đã cho phép các nhà phát triển bất động sản sử dụng số tiền nói trên cho những mục đích khác.
Trong bối cảnh giá nhà đất tăng vọt, chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định về tín dụng bất động sản với hy vọng ngăn ngừa nguy cơ thị trường nhà đất sụp đổ, theo Tân Hoa xã.
Trong năm 2021 và 2022, hơn một nửa trong tổng số 32 số ngân hàng lớn của Trung Quốc cắt giảm room tín dụng cho ngành bất động sản, theo Nikkei Asia. Khi ấy, hàng loạt công ty bất động sản lớn lâm vào cảnh nợ nần, buộc phải dừng thi công các dự án còn dang dở.
Cuộc sống đảo lộn
Những dự án dang dở khiến nhiều người mua vướng vào gánh nặng tài chính nếu họ thuộc diện thế chấp tài sản, vay ngân hàng để mua nhà.
Năm 2019, Tang Chao và vị hôn thê quyết định mua một ngôi nhà thuộc dự án Haiyi Changzhou ở thành phố Đại Liên. Chủ đầu tư hứa hẹn về một tổ hợp cư dân cao cấp, mang lại "cuộc sống tiện nghi gần biển".
Cặp đôi bỏ 177.000 USD mua một căn hộ hai phòng ngủ. Để có số tiền này, Tang và vị hôn thê sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm và vay thêm ngân hàng. Sau khi ký hợp đồng mua căn hộ, hai người đăng ký kết hôn, lên kế hoạch tổ chức đám cưới ngay khi nhận nhà.
Theo kế hoạch, nhà sẽ được bàn giao vào tháng 8/2022. Nhưng chủ đầu tư là tập đoàn Sunac China Holdings gặp khó khăn tài chính, hiện chưa rõ khi nào dự án sẽ hoàn tất. Tháng 9/2022, chủ sở hữu 2.600 căn hộ chưa hoàn thiện của dự án Haiyi Changzhou biểu tình, đe dọa dừng trả tiền lãi vay ngân hàng.
Về phần Tang, quá mệt mỏi vì phải chờ đợi, người vợ đã nộp đơn ly dị hồi tháng 11/2022. Lúc này, Tang vẫn phải đóng số tiền lãi 550 USD mỗi tháng cho ngân hàng.
"Mỗi khi nghĩ về căn hộ dang dở, tôi như từ thiên đàng rơi thẳng xuống địa ngục. Tôi không còn gì để trông đợi phía trước, không nhà, không vợ", Tang nói.
Một dự án bất động sản tại Nam Xương, Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Andie Cao, nhân viên bán hàng tại Nam Xương, cũng rơi vào cảnh tương tự. Năm 2019, gia đình cô ký hợp đồng mua căn hộ trị giá 203.000 USD thuộc dự án Xinli City. Chủ đầu tư Sinic Holdings cam kết giao nhà trong tháng 11/2021, vừa kịp thời gian cho đứa con của cô đi mẫu giáo.
Nhưng tháng 8/2021, Sinic Holdings Group dừng thi công dự án vì thiếu vốn. Đến nay, dự án nơi có căn hộ của Andie vẫn còn dang dở.
Gia đình Andie đã phải vay hơn 120.000 USD từ ngân hàng để mua căn hộ. Tháng 7/2022, cô tham gia cùng các chủ nhà khác trên khắp Trung Quốc dừng trả tiền lãi mua các căn hộ chưa hoàn thiện.
"Tôi sẽ không đóng tiền cho đến khi nào họ giao nhà. Tôi sẵn sàng chịu phạt, nhưng sẽ không để họ lợi dụng", Andie tuyên bố.
Cũng tại dự án ở Nam Xương, Xu Feng là một nạn nhân khác. Trước đây, Xu và vợ thuê mặt bằng mở cửa hàng tạp hóa. Việc làm ăn ổn định khiến hai vợ chồng quyết định mua một địa điểm để chuyển việc kinh doanh sang vị trí mới.
Năm 2019, Xu mua căn hộ ở tầng trệt tòa chung cư, trị giá 163.000 USD. Để trang trải, Xu bán lỗ một số tài sản để có 82.000 USD, đồng thời vay ngây hàng số tiền còn lại trong vòng 10 năm.
Sau hơn 3 năm, dự án vẫn chưa hoàn thiện. Xu cho biết gia đình anh hiện rơi vào khó khăn tài chính chưa từng có, khi vừa phải trả tiền thuê cho mặt bằng mở cửa hàng, vừa phải trả tiền lãi suất ngân hàng. Gia đình Xu giờ phải cắt bỏ mọi khoản chi tiêu, chỉ trả tiền học cho con.
"Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này. Tôi sợ phải sinh thêm con. Phải khó khăn lắm mới có thể cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu", Xu cho biết.
Quá tức giận vì sự chậm trễ, Xu và hàng trăm người mua nhà của dự án ở Nam Xương đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình. Họ tập trung bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương, căng biểu ngữ trên nóc các tòa nhà. Nhưng đến nay, chưa có gì thay đổi. Nhiều người tham gia biểu tình bị bắt giữ.
Tháng 8/2022, Xu dừng thanh toán tiền lãi suất ngân hàng. Quyết định này ảnh hưởng tới hồ sơ tài chính của Xu, người đàn ông không thể tiếp tục vay ngân hàng mà phải dựa vào họ hàng để vay nợ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.