Đến tận ngày nay, những trường hợp tật nguyền bẩm sinh vẫn còn xuất hiện nhiều. Mỹ đang muốn tăng cường hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc này.
Tờ Spiegel (Đức) vừa có phóng sự về những người vẫn đang chống chọi với cuộc đời bị ảnh hưởng chất độc da cam. Các nhân vật trong phóng sự đều sống tại Biên Hòa, nơi có sân bay được Mỹ đã sử dụng làm căn cứ chính chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học.
Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin Việt Nam (BCĐ 33) cho biết sân bay Biên Hòa là nơi chứa hơn 98.000 thùng (205 lít/thùng) chất độc da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh, theo Tiền Phong.
7 trường hợp 1 gia đình
Theo Spiegel, từ khi cuộc chiến kết thúc, ông Nguyễn Văn Bat, người lính giải phóng quân năm xưa, đã có 4 người con. Ba trong số đó mắc chứng mất trí nhớ giống cha mình. Người còn lại, chị Nguyễn Lê Thanh, chịu ảnh hưởng nặng hơn rất nhiều.
Gia đình ông Bat. Ảnh: Hai Thanh/Spiegel. |
Ông Bat, 69 tuổi, đang ngồi trong phòng khách của căn nhà nhỏ ở thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Ông đi chân trần, khoác trên mình chiếc áo sơ mi đã bạc màu. Mùi cống bên ngoài phảng phất bốc lên, lan vào tận trong phòng. Bên trên những chiếc giường, quần áo được nhồi vào trong những bịch nylon treo lủng lẳng.
Gia đình ông không thể mua lấy một cái tủ quần áo, vì bao nhiêu tiền họ có đều được dùng để nuôi những đứa con tật nguyền. Hàng tháng, gia đình ông nhận trợ cấp nhà nước không nhiều, ngay cả khi hai người cháu ngoại cũng đang có triệu chứng mất trí nhớ, một hậu quả đã được công nhận của chất độc da cam.
Theo thống kê chính thức năm 2014, Việt Nam hiện trợ cấp khuyết tật cho khoảng 286.000 cựu chiến binh và con cháu họ, bình quân 1,5 triệu đồng/tháng/trường hợp. 465.000 nạn nhân chất độc màu da cam không tham gia chiến đấu và con cháu họ được hưởng ít hơn mức này.
Những nạn nhân ấy thường sống phụ thuộc vào những trợ cấp lẻ tẻ từ các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ hoặc Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam (VAVA). Các cô nhi viện cho trẻ khuyết tật vẫn thường xuyên nhận nuôi những đứa trẻ sơ sinh dị dạng bị cha mẹ bỏ rơi.
Mặt khác, với những trẻ chỉ bị dị tật nhẹ, phụ huynh lại dùng phương án khác: cố gắng che giấu những khiếm khuyết ấy.
Với trường hợp gia đình ông Bat, chỉ có ông và đứa con gái bị tật nguyền nghiêm trọng mới nhận được trợ cấp từ chính quyền. Ba người con còn lại hiện làm ở nhà máy vì bệnh mất trí nhớ của họ nhẹ hơn. Ông Bat hy vọng một ngày nào đó, các con gái của ông đều sẽ có một người chồng chăm sóc. Hiện tại, chỉ có người con đầu, người bị ảnh hưởng ít nhất, đã kết hôn.
Đường đua cuộc đời
Tại một sân vận động ở thành phố Biên Hoà, cách nhà ông Bat không xa, anh Nguyễn Kiên, 39 tuổi, bước lên chiếc xe lăn với đôi chân tàn tật. Anh gập đôi phần thân rắn rỏi, dùng đôi tay khoẻ khoắn đẩy chiếc Moon 089 tiến về phía trước. Đôi mắt anh tập trung vào đường chạy phía trước với duy nhất một mục tiêu trong đầu: giải vô địch khu vực sắp được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Nếu có thành tích, anh sẽ nhận một số tiền thưởng lớn, giúp anh trang trải cuộc sống bên cạnh khoản trợ cấp ít ỏi.
1. Anh Nguyễn Kiên đang chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới. Ảnh: Hai Thanh/Spiegel. |
Hai đùi Kiên chi chít những vết sẹo, hậu quả của một cuộc phẫu thuật không thành công năm 1982. Khi anh 3 tuổi, bác sĩ đã thử kéo thẳng chân anh nhưng thất bại. Cậu bé Kiên sống cùng chứng viêm tuỷ sống và teo chân đến tận hôm nay, trở thành gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình. Những khuyết tật của anh cũng ngăn không cho anh đến trường và đến giờ, anh vẫn không biết chữ.
Tính đến nay, kỷ lục 100 mét cá nhân của anh Kiên là 18 giây. Một vài người có thể hoàn thành cự li này trong 17,5 giây. Anh chia sẻ đó là nhờ họ có xe lăn tốt hơn anh, với bánh xe mỏng hơn để giảm lực ma sát. Những chiếc xe này có giá đắt gấp 10 lần chiếc Moon 089 của anh. Tuy vậy, anh Kiên vẫn hy vọng mình có thể chiến thắng họ.
Spiegel cho biết mỗi tháng, anh được trợ cấp khuyết tật 1,5 triệu đồng, tương đương một phần ba tiền lương bình quân của người dân cả nước. Từ năm 2005, anh còn nhận thêm khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng hàng tháng từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhờ những thành tích thể thao của mình. Thỉnh thoảng, thu nhập của anh được cải thiện nhờ thắng những cuộc đua quy mô nhỏ. Tuy nhiên, anh Kiên vẫn phải bán thêm vé số mới đủ sống.
Ba tháng trước, Nguyễn Kiên cưới một thợ may từ TP.HCM mà anh gặp trong một sự kiện thể thao. Họ muốn có con với nhau, nhưng anh lo sợ con mình cũng sẽ không lành lặn vì căn bệnh quái ác của cha.
Chung tay khắc phục
Từ tháng 1/1962 đến tháng 1/1971, quân đội Mỹ đã thả hơn 45 triệu lít chất diệt cỏ chứa dioxin cùng 27 triệu lít các loại chất diệt cỏ khác lên đất Việt Nam. Hầu hết được rải trên những khu rừng Nam bộ ven biên giới Campuchia.
Dioxin ngấm vào đất và mạch nước ngầm, qua đó vào trong thức ăn. Những người nhiễm chất độc màu da cam có khả năng sinh con tật nguyền cao gấp ba lần người bình thường và có thể truyền từ sáu đến mười hai thế hệ.
Theo BCĐ 33, tại sân bay Biên Hòa từng xảy 4 vụ tràn chất diệt cỏ từ các bể chứa 25.000 lít chất độc da cam và 2.500 lít chất trắng.
Sau 44 năm, chính phủ Mỹ đã đưa ra một số nhượng bộ về chính trị, bao gồm việc hỗ trợ xử lý chất độc dioxin tại sân bay Biên Hoà.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, đã có mặt tại sân bay Biên Hòa sáng 20/4 cùng 8 thượng nghị sĩ khác trong lễ khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đón ông Leahy tại cửa xe. Ảnh: USAID Việt Nam. |
Sân bay Biên Hoà là nơi tập kết chất độc màu da cam trong quá khứ với hàm lượng dioxin cao gấp 1.000 lần tiêu chuẩn quốc tế, diện tích ô nhiễm lên đến khoảng 52 ha, khối lượng đất đá ô nhiễm khoảng trên 500.000 m3 và ảnh hưởng đến hơn 100.000 người đang sinh sống gần khu vực. Theo kế hoạch, Việt Nam và Mỹ sẽ cùng nhau xử lý hoàn toàn chất độc ở đây trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang xem xét tăng tiền trợ cấp cho người dân Việt Nam chịu thiệt hại của chất độc màu da cam.
“Việc hai kẻ thù năm xưa nay bắt tay cùng nhau giải quyết một vấn đề phức tạp như thế này là sự kiện xứng đáng đi vào lịch sử,” Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu trong cuộc họp báo tuyên bố kế hoạch hợp tác này hồi cuối tháng 4.