Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người lính nhà giàn bất tử

3 ngày trước khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị đổ trong cơn bão số 8 đêm 12 rạng sáng 13/12/1998, sau một bữa cơm trưa, Hồng đem toàn bộ thư của mình ra khoe với đồng đội.

Thư màu tím đầy niềm tâm sự

Trong đó có 8 lá thư viết sẵn đựng trong phong bì màu tím đã dán tem cẩn thận. Những lá thư ấy đầy niềm tâm sự với tất cả khát khao cháy bỏng của người lính biển. Hồng bảo chờ tàu ra thay trực sẽ gửi về đất liền. Nhất định chuyến tàu tới sẽ nhận được nhiều hồi âm. Không ngờ đó là những lời yêu thương lần cuối.

Thiếu úy Trương Công Định, đồng đội thân nhất của chuẩn úy Hồng kể lại: “Thằng Hồng “xấu tướng” mà lãng mạn lắm. Lúc đi biển nó chẳng có người yêu. Bạn gái nó cũng người Hà Tĩnh. Em hay “thiết kế” thư cho nó. Trong nhiều thư kết bạn, em nhớ trong một lá thư nó viết thế này: “Lính nhà giàn bọn anh không có đất, dưới là sóng, trên là trời. Trước biển rộng lớn mới thấy mình cô đơn. Ngày đêm nhớ đất liền lắm. Mình hy vọng nhận được hồi âm nơi ấy nhé””.

Huấn luyện SSCĐ ở nhà giàn DK1.
Huấn luyện SSCĐ ở nhà giàn DK1.

Mới đây nhất, thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân đã phổ nhạc những vần thơ ấy thành bài hát cùng tên “Những cánh thư màu tím” sau một chuyến đi ra nhà giàn DK1 trở về. “Sự hy sinh của các chiến sĩ nhà giàn không thể nói hết bằng lời. Tôi muốn ca ngợi các anh bằng những ca từ sâu thẳm của đức hy sinh kiên cường. Thân xác các anh nằm lại ngàn khơi, nhưng tên các anh sẽ mãi mãi là bài tình ca sáng mãi trong thế hệ các chiến sĩ DK1”, thiếu tá Sơn nói.

Áo quân nhân chưa mặc một lần

Dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập nhà giàn DK1, tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ của liệt sĩ Lê Đức Hồng hiện đang ở cùng con gái tại phường 11 Vũng Tàu. Căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa khối nhà cao tầng. Thấy tôi mặc quân phục, chưa kịp giới thiệu, bà Cháu nước mắt đã rưng rưng. “Cháu là đồng đội của liệt sĩ Hồng, cùng đơn vị đến thăm gia đình dịp kỷ niệm 25 năm thành lập DK1”. “Vâng”, bà Cháu chỉ kịp nói vậy rồi nghẹn lại. Bà nhìn lên tấm ảnh Hồng trên bàn thờ. Giọt nước mắt tràn mi chầm chậm lăn qua những nếp nhăn đau khổ.

Mời tôi ly nước chè xanh, bà Cháu bảo “Hơn chục năm rồi, tui chẳng quên được nó. Nó hiếu thảo lắm các chú à. Gia đình tui nghèo lại neo đơn. Nó mất đi, gia đình tui mất đi điểm tựa”. Đặt lên bàn thờ liệt sĩ Lê Đức Hồng đĩa trái cây, thắp nén hương tưởng niệm, hình ảnh liệt sĩ Lê Đức Hồng ngập tràn trong ký ức tôi.

Liệt sĩ, chuẩn úy Lê Đức Hồng quê ở Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh - một miền quê nghèo bán sơn địa trung du. Nhà nghèo, neo đơn, song ông Lê Đức Tư và bà Nguyễn Thị Cháu luôn mong những đứa con của mình vào bộ đội, phần vì nối nghiệp truyền thống gia đình, phần vì đóng góp nghĩa vụ cho Tổ quốc. Ngày Hồng lên đường nhập ngũ, bà Cháu tiễn chân con ngay đầu làng. Cơm mo cau gói sẵn bà để trong làn cói. Bà dặn con trai “Dòng họ ta có truyền thống đi bộ đội, con phải phấn đấu noi gương những người đi trước. Nhà mình nghèo, con vào bộ đội cũng là lẽ phải”. Hồng khoác ba lô lên đường trong niềm tự hào ấy.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Lữ đoàn Hải quân đánh bộ, Hồng được học lớp trung cấp chuyên ngành Radarsona hải quân tại Trường trung cấp kỹ thuật hải quân Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), rồi được điều về Tiểu đoàn DK1 nhận nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ liệt sĩ Lê Đức Hồng kể chuyện con trai mình với tác giả.
Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ liệt sĩ Lê Đức Hồng kể chuyện con trai mình với tác giả.

Những ngày học tập, rèn luyện ở Tiểu đoàn DK1 khối bờ, Hồng luôn là chiến sĩ ưu tú. Trong một lần huấn luyện bơi ở sông Dinh (phường 11, TP Vũng Tàu), anh đã dũng cảm lao xuống dòng nước đang chảy xiết cứu sống đồng đội bị chuột rút khi bơi. Dìu được đồng đội vào bờ, leo thang dây lên cầu cảng thì bất ngờ thang đứt. Cú rơi ấy đã khiến Hồng dập đùi trái. 

Sau thời gian điều trị ở Quân y viện 1-5 Hải quân, Hồng tiếp tục lao vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Một lần khác, toàn tiểu đoàn đang huấn luyện bắn mục tiêu trên không bằng súng máy cao xạ 12,7 li, bỗng dây ròng rọc chạy mục tiêu đứt. Mô hình bay bằng thép nặng ở độ cao 40m lao thẳng vào đội hình bộ đội chờ tập. Đang ngắm mục tiêu, nhanh như cắt, Hồng chạy đến hô “dây ròng rọc đứt, mọi người chạy ra xa đi”. Hành động dũng cảm ấy của Hồng đã tránh được tai nạn cho đồng đội.

Xét thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và tinh thần dũng cảm, Đảng ủy Tiểu đoàn DK1 kết nạp Lê Đức Hồng vào Đảng trước ngày đi ra nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Ngày anh mang trong tim mình niềm tự hào của người đảng viên cộng sản, cũng là ngày đón nhận quyết định chuyển chế độ từ chiến sĩ sang quân nhân chuyên nghiệp phục vụ quân đội lâu dài, với cấp hàm chuẩn úy chuyên nghiệp, chức vụ trắc thủ radar. 

Anh tự hào chia sẻ với đồng đội: “Danh hiệu đảng viên là lẽ sống, còn chiếc áo chuyên nghiệp này là cả đời phấn đấu của mình. Mình tự hào, cha mẹ ở quê cũng rất vui. Trên vai mình đã mang trọng trách Đảng giao, để sau chuyến đi biển này về, mình mặc áo mới luôn thể”.

Thiếu úy chuyên nghiệp báo vụ Trương Công Định kể: “Trước ngày Hồng đi nhà giàn, em bảo, sao mày không mặc áo mới, Hồng nói “Để tao đi chuyến biển này về mặc luôn thể. Ra nhà giàn nước ngọt hiếm hoi, phải giặt tốn nước”. Ngờ đâu chiếc áo chuyên nghiệp chưa mặc lần nào, cậu ấy đã hy sinh”.

Lính nhà giàn chưa bao giờ gác súng

Phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập DK1 chiều 4/7, đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân cho biết, ngoài việc khẳng định chủ quyền biển đảo, DK1 còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân, là nguồn động viên to lớn để bà con bám biển. 

“Có thể khẳng định, suốt 1/4 thế kỷ qua, trước nhiều biến cố của tình hình thế giới và khu vực, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 luôn đoàn kết một lòng, vững vàng nơi đầu sóng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia”, đại tá Thế nói. 

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, chính trị viên Tiểu đoàn DK1 khẳng định: Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ của tiểu đoàn trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng cao đẹp, góp phần tô điểm nét son truyền thống vẻ vang của quân đội ta nói chung, Hải quân nói riêng, động viên thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy trong điều kiện mới. Gương các liệt sĩ hy sinh đã biến thành sức mạnh, để cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thêm vững tay súng. Còn cán bộ chiến sĩ là còn nhà giàn, còn nhà giàn là còn biển”, thượng tá Dĩnh nói.

Thế hệ lính nhà giàn đầu tiên những năm 1989 như trung tá Nguyễn Văn Nam, thiếu tá Bùi Xuân Bổng, thiếu tá Trần Văn Dũng, đến những người lính trẻ thế hệ 9X hôm nay như trung úy Đậu Khắc Tuấn, trung úy Võ Quang Thường, thiếu úy Phạm Thành An, chiến sĩ trẻ Đặng Văn Ninh đều có một quyết tâm sắt đá: phải kiên cường bám trụ, giữ vững nhà giàn bằng ý chí, sức mạnh và trái tim người lính. 

Trung tá Trang Hải Âu, 19 năm bám trụ nhà giàn thì 15 năm xa vợ chia sẻ. “Niềm vui lớn nhất của lính nhà giàn là được cống hiến tuổi xuân của mình cho biển đảo. Mặc dù gian khổ, thiếu thốn, nhất là tình cảm đất liền và thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu, song lính nhà giàn chưa bao giờ gác súng”.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-con-bat-tu-742441.tpo

Theo Tuấn Cường/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm