Nhoẻn miệng cười, chào câu chúc mừng năm mới quen thuộc, Nguyễn Minh Trung - sinh viên năm thứ hai Đại học Bách Khoa thân thiện đưa gói đồ cho khách rồi nhận tiền giao hàng. Trên xe máy của cậu vẫn còn cả chục gói đồ khác đang chờ giao trong ngày mùng 3 Tết.
Mưu sinh
Dịp Tết này, Trung không về ăn quê Bình Định ăn Tết với gia đình mà ở lại TP.HCM làm thêm kiếm tiền. Cậu vừa bán hàng theo ca ở một cửa hàng tiện lợi (công việc bán thời gian cậu vẫn thường làm), vừa giao hàng cho một cửa hàng bán đồ xách tay hoạt động xuyên Tết, trước Tết còn kiêm luôn việc quét dọn nhà cửa thuê.
Cậu sinh viên nhẩm tính từ 23 tháng Chạp đến giờ, số tiền kiếm được rơi vào khoảng hơn 6 triệu đồng, chưa kể các khoản lì xì phụ thêm.
“Đây là năm đầu tiên mình ăn Tết xa nhà. Cũng là bất đắc dĩ thôi. Nhìn bạn bè khăn gói về quê mà chạnh lòng nhưng ngẫm lại ở thành phố mấy ngày Tết kiếm cũng được một khoản khá đỡ đần gia đình, nên đành phải ráng. Nếu cứ đà này đến mùng 10 là mình kiếm được khoảng 7-8 triệu đó” - cậu sinh viên 20 tuổi tâm sự.
Nhiều sinh viên dọn dẹp nhà cửa thuê kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Ảnh: NVCC. |
Trung chia sẻ, năm 2018, lũ chồng lũ, hoa màu, gà vịt, heo nái, đồ đạc của gia đình đều bị cuốn sạch đi cả. Đến tháng 12, lũ còn vẫn còn về khiến gia đình cậu lâm vào khó khăn, tiền bố mẹ cậu gửi cho con trang trải ở thành phố cũng mỏng dần. Việc ở lại thành phố kiếm việc làm thêm dịp Tết, với cậu sinh viên, vừa tiết kiệm được tiền đi lại, vừa kiếm được một khoản kha khá để đóng học phí cho học kỳ 2.
“Có tiền rồi, rằm mình sẽ về thăm bố mẹ, vớt vát chút không khí Tết. Không hẳn là không về quê ăn Tết chỉ là muộn hơn một chút xíu thôi” - cậu sinh viên năm thứ 2 cười, nói.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Trọng Hoàng - đại diện Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, cho biết sinh viên ở lại thành phố kiếm việc làm Tết không ít, tính đến giữa tháng 1, trung tâm đã hỗ trợ tìm việc cho khoảng 1.100 em. Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 này số lượng đầu việc dành cho sinh viên tăng hơn khoảng 20% so với năm ngoái.
“Mức lương làm thêm dịp Tết 2019 này tăng 10-15% so với năm ngoái, dao động khoảng 140.000-300.000 đồng/ngày. Những ngày cao điểm Tết, mức lương có thể cao gấp 2-3 lần bình thường. Nhiều bạn có thể kiếm được 1 triệu đồng/ngày” - ông Hoàng nói.
Giữ nhịp sống nơi đô thị
Không chỉ có sinh viên bám trụ thành phố dịp Tết nhằm kiếm thêm chút tiền đỡ đần gia đình, với nhiều người lao động, “Tết thành phố” chính là dịp cao điểm để tăng thêm thu nhập.
Khệ nệ xách theo chiếc hộp đựng đầy đồ trang điểm, chị Nguyễn Thanh Mai (quê Thái Bình, đang sinh sống tại Hà Nội) nói: “Ngoài mùa cưới thì mùa Tết là lúc tôi kiếm được rất khá. Trước Tết, người ta trang điểm để đi dự tiệc cuối năm còn trong Tết thì trang điểm và làm tóc để đi du xuân. Tết mà, ai cũng muốn đẹp và Tết người ta thường rất chịu chi”.
Chị Mai cho biết đây là năm thứ 3 chị ăn Tết ở Hà Nội. Mỗi dịp Tết chị kiếm được cả chục triệu từ việc trang điểm tại nhà. Chi phí cho một “mặt” trang điểm dao động từ 500.000 đồng ngày Tết, chưa bao gồm phí đi lại.
“Tôi nhớ năm ngoái, trước giao thừa đã có khách nhờ trang điểm để đi chơi rồi. Những dịch vụ như thế này chỉ ở thành phố lớn, nhu cầu mới cao. Cũng nhớ nhà chứ nhưng đành vậy, ở thành phố kiếm được chút tiền rồi về quê thăm gia đình sau cũng được” - chị Mai chia sẻ.
Giới xe ôm, taxi công nghệ cũng không nằm ngoài guồng quay cơm áo gạo tiền tăng thu ngày Tết. Trao đổi với Zing.vn, một tài xế taxi cho hay nhu cầu xe ngày Tết rất cao lại khan hiếm tài do nhiều người đã về quê ăn Tết nên cứ xong cuốc này là nhận ngay cuốc khác, không có thời gian nghỉ. Tính riêng ngày mùng 1 Tết năm Kỷ Hợi này, anh kiếm được hơn 2 triệu đồng.
Giá một đơn hàng giao trong dịp Tết dao động từ 50.000 đồng/đơn. |
Theo bà Thao Tran, chuyên viên nhân sự cấp cao, chuyên mảng đào tạo nhân sự của một tập đoàn đa quốc gia có văn phòng đại diện tại Hà Nội, việc nhiều người ra sức làm việc kiếm thêm thu nhập dịp Tết là điều hết sức bình thường.
“Vài năm trở lại đây tôi quan sát có rất nhiều quán ăn, tiệm cafe, siêu thị, thậm chí là spa mở cửa xuyên Tết. Thật sự sẽ rất khó khăn cho người dân sống ở khu vực đô thị nào mà mọi dịch vụ đều đồng loạt đóng cửa dịp Tết ” - bà Thao Tran nói với Zing.vn.
“Lao động nhập cư phải xa quê dịp lễ hội thường làm những công việc được trả lương thấp nhưng phần nào họ là những người giữ nhịp hoạt động, nhịp lao động của thành phố khi mà nền kinh tế tạm ngưng trong dịp nghỉ lễ” - bà Thao Tran chia sẻ thêm.
Không chỉ ở Việt Nam, bám trụ mưu sinh ở thành phố trong dịp Tết cũng rất phổ biến ở Trung Quốc hiện nay.
Maggie Lu (28 tuổi, quê Tân Cương) nán lại thành phố Thượng Hải trong dịp Tết để tiếp tục công việc tạo mẫu tóc. Lu chia sẻ với South China Morning Post (Hong Kong), nếu trở về Tân Cương, thu nhập của cô cao nhất cũng khoảng 4.000 NDT trong khi ở thành phố cô có thể kiếm gấp ba dịp Tết. Bởi ngày lễ Xuân Vận của Trung Quốc đi lại rất khó khăn, đông đúc và đắt đỏ nên Lu quyết định sẽ về quê khi mùa cao điểm đã qua, còn dịp Tết cô sẽ dành để du xuân gần Thượng Hải.
Tết Nguyên đán là dịp để gia đình sum họp, con cháu hướng về tổ tiên thế nhưng theo bà Thao Tran - người có ngót nghét 10 năm ăn Tết xa nhà vì công việc, tùy hoàn cảnh, điều kiện của từng người mà lựa chọn về quê hay ở lại thành phố kiếm tiền.
“Ở lại thành phố là một sự đánh đổi. Không về quê không có nghĩa những người lao động bám trụ mưu sinh ở phố thị không nhớ quê hương, gia đình mình. Quan trọng là tại thời điểm đó, người lao động ưu tiên cái nào hơn mà thôi,” bà Thao Tran chia sẻ.