Những người cuối cùng ở 'khu ổ chuột' sắp bị giải toả giữa Sài Gòn
Thứ sáu, 14/7/2017 11:29 (GMT+7)
11:29 14/7/2017
Bà Phạm Kim Giang ở khu vực cù lao Nguyễn Kiệu cho biết sẽ quyết không đi nếu như không nhận được giải pháp đền bù thoả đáng việc giải tỏa khu nhà của mình tại quận 4, TP.HCM.
Để triển khai Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 3, chính quyền thành phố dự kiến sẽ di dời khoảng 5.800 hộ dân, với hơn 26.000 nhân khẩu, sinh sống dọc theo tuyến kênh Tẻ - kênh Đôi, thuộc địa bàn quận 4 và quận 8.
Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, mục tiêu của dự án là chỉnh trang toàn bộ 13,5 km tuyến kênh để cải thiện giao thông đường thuỷ; xây dựng hơn 40 km tuyến cống thu gom nước thải và hai nhà máy xử lý nước thải của khu vực rộng 1.600 ha; rà soát và hoàn thiện hơn 20 km cống thoát nước mưa và di dời toàn bộ các hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh.
Việc cải tạo tuyến kênh, làm sạch môi trường là cần thiết. Tuyến kênh Tẻ - kênh Đôi là đường thoát nước quan trọng, giải quyết tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn trong thành phố. Hiện nay, nhà cửa xây cất trên kênh, ven kênh và rác thải sinh hoạt vứt trực tiếp xuống kênh, dẫn đến ô nhiễm môi trường sống và làm nước không lưu thông được.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là di dời, đền bù và tái định cư cho người dân sinh sống tại đây sao cho hợp lý và làm người dân thoả mãn.
Đa phần các hộ dân tại đây là những công nhân, lao động nghèo bám trụ nơi này để mưu sinh từ nhiều năm nay.
Việc di dời và tái định cư không chỉ ảnh hưởng đến những người lao động, mà còn kéo theo cả gia đình họ, bao gồm các em nhỏ. Ba mẹ chúng phải chuyển đổi nơi làm việc, chưa chắc có cuộc sống ổn định và con cái phải đổi trường học.
Hình ảnh những ngôi nhà sàn chồm ra mặt kênh, trong tương lai, sẽ không còn nữa. Thay vào đó, khu vực này sẽ trở thành hành lang bảo vệ kênh rạch, một tuyến đường dọc bờ kè và công viên cây xanh sẽ được xây dựng.
Và như vậy, nghề buôn bán chuối của ông Huỳnh Văn Phúc cũng sẽ bị gián đoạn. Sống ngay bờ kênh Tẻ, nghề thu mua chuối từ các tàu ở miền Tây Nam Bộ chở về đã theo ông suốt 15 năm nay.
Ông Phúc cho biết ông cùng gia đình sẽ chuyển về huyện Củ Chi để sinh sống sau khi ngôi nhà này bị giải toả.
Những người là hàng xóm bao nhiêu năm nay, chỉ ít lâu nữa thôi sẽ mỗi người một phương. Ngay cạnh nhà ông Phúc, bà Trương Thị Lam cho biết bà sẽ dọn lên chung cư sống nhưng chưa biết ở đâu.
Tuy nhiên, những gia đình buôn bán tạp hoá, bán cơm, bán nước,... lại không thể ở chung cư được vì xem như triệt tiêu nguồn thu nhập. Đa phần họ đều là người lớn tuổi, không thể học nghề được nữa. Chỗ ở và công việc tương lai của họ, vì thế, cũng mịt mờ như những con hẻm nhỏ, loằng ngoằng không lối thoát.
Theo kế hoạch, việc di dời sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến 2020, thành phố tập trung giải toả, di dời hơn 9.800 căn nhà. Giai đoạn 2, từ năm 2020 - 2025, hoàn thành mục tiêu di dời, tái định cư hơn 19.500 căn nhà ven kênh, rạch trên cả địa bàn thành phố.
Trong khi đó, tại khu vực cù lao Nguyễn Kiệu, cũng thuộc quận 4, nhiều hộ dân đã bắt đầu di dời, để lại đống đổ nát từ những căn nhà cũ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân kiên quyết bám trụ lại mảnh đất này. Bà Phạm Kim Giang, buôn bán tạp hoá tại khu vực cù lao Nguyễn Kiệu, cho hay bà sẽ quyết không đi nếu như không nhận được giải pháp đền bù thoả đáng.
Giải thích về quyết định trên, bà Lan cho biết giá đền bù của chính quyền là 21,9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá đất tại các nơi lân cận quận 4, theo bà, đắt hơn nhiều lần con số đó. Vì thế, nếu phải đi, với số tiền đền bù đó, gia đình bà không thể tiếp tục ở quận 4 được nữa mà phải dời về những vùng ngoại ô với giá đất rẻ hơn.
Cùng quan điểm với bà Lan, ông Phan Hoàng Giang cho hay ông chưa chấp nhận dời đi vì còn vướng mắc vấn đề bồi thường đất đai.
Đứng trong căn nhà từng là nơi sinh hoạt của cả gia đình, ông Giang lắc đầu ngao ngán khi bây giờ tất cả chỉ còn là đống đổ nát hỗn độn. Do áp lực giải toả, những hộ xung quanh ông đã dời đi, kéo sập tường nhà ông.
Chiều nào, ông Nguyễn Văn Thành (70 tuổi) cũng ra bờ sông ngồi và nhìn về hướng khu nhà càng ngày càng thưa thớt người. Đối với những người già, việc chuyển đi sẽ là một thử thách lớn với họ khi nhiều người đã ở đây gần hết đời người và cũng xem nơi đây là quê hương.
Gần trăm con người còn sót lại trong khu cù lao Nguyễn Kiệu, bấu víu nhau sống qua ngày, tới đâu hay tới đó. Tương lai, đối với họ vẫn là điều gì đó rất mờ mịt.
Phía sau họ là những toà nhà cao tầng, nằm chen chúc nhau. Nhưng việc dọn lên đó ở, đối với họ, sẽ chỉ là một giấc mơ khó có thể thành hiện thực.
Bất cứ quyết định thay đổi nào cũng sẽ có hai mặt. Trong tương lai, dòng kênh Tẻ - kênh Đôi có thể sẽ lại được xanh sạch như xưa, ven kênh sẽ là những công viên có cây cối mát rượi, nhưng những người lao động nghèo nơi đây sẽ phải đối mặt với một cuộc sống mới bất định.
Khu vực cù lao Nguyễn Kiệu (chấm xám) và khu vực dọc bờ kênh Tẻ, đường Tôn Thất Thuyết sẽ bị giải toả trong tương lai. Ảnh: Google Maps.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự hạn chế về quỹ đất trung tâm khiến khá nhiều dự án nhà ở, công viên được hình thành trên nền nghĩa trang cũ tại TP.HCM.
Tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM, nơi sắp thành khu đô thị hiện đại, vẫn còn hàng nghìn ngôi mộ chưa có thân nhân đến tiến hành thủ tục di dời, cải táng.