UBND TP.HCM vừa ban hành quy hoạch chi tiết về việc di dời, chuyển đổi nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) trở thành khu đô thị cao cấp. Thực tế đây không phải là dự án đô thị đầu tiên ở TP.HCM được chuyển đổi từ nghĩa trang.
Công viên Lê Văn Tám chuyển đổi từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi
Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM) trước năm 1975 là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Khu vực này được giới hạn bởi 4 tuyến đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu và Phan Liêm. Nơi này nguyên là nghĩa trang chôn cất các sĩ quan và binh lính Pháp trong thời gian chiếm đóng Sài Gòn. Người dân thời đó cũng gọi là Đất thánh Tây.
Công viên Lê Văn Tám hiện nay được chuyển đổi từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: Lê Quân. |
Trước năm 1975, đây cũng là nghĩa trang chôn cất các chính trị gia cao cấp, tướng tá và thành viên nổi bật của chính quyền Sài Gòn, trong đó ông Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu.
Bên trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, nay là công viên Lê Văn Tám. Ảnh: TL |
Năm 1983, chính quyền TP.HCM quyết định ngừng hoạt động, di dời hàng nghìn ngôi mộ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi về nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Dương). Phần đất nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi dự kiến xây Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố. Tuy nhiên, về sau nơi đây được quy hoạch thành công viên Lê Văn Tám ngày nay.
Công viên Lê Thị Riêng chuyển đổi từ nghĩa địa Đô Thành
Công viên Lê Thị Riêng hiện tại được giới hạn bởi đường Cách Mạng Tháng 8, Bắc Hải, Trường Sơn. Trước năm 1975, nơi đây là nghĩa địa Đô Thành dành cho những lính chết trận vô danh mà không có người thân nhận.
Trong kế hoạch chỉnh trang thành phố, nghĩa địa Đô Thành được giải tỏa vào năm 1983, để xây dựng thành công viên Lê Thị Riêng như ngày nay.
Công viên Lê Thị Riêng hiện nay. Ảnh: Lê Quân. |
Ở công viên này còn có bia tưởng niệm Tổng bí thư Trần Phú. Năm 1999 chính quyền đã tìm thấy phần mộ của ông tại công viên này sau 68 năm ngày ông qua đời.
Cư xá Bình Thới được chuyển đổi từ nghĩa địa Nhị Tỳ Quảng Đông
Cư xá Bình Thới và khu dân cư lân cận hiện nay được xây dựng sau khi giải tỏa khu nghĩa địa Nhị Tỳ Quảng Đông (Lãnh Binh Thăng, quận 11). Đây là khu nghĩa địa của cộng đồng người Hoa (Quảng Đông) ở Sài Gòn trước năm 1975.
Trước đây, tình hình trật tự xã hội khu này rất phức tạp với nhiều thành phần ma túy, mại dâm, xì ke…
Đầu những năm 1980, trước tình hình rối ren, cách trở của khu vực, lãnh đạo TP.HCM nghĩ tới phương án giải tỏa khu nghĩa địa, lập những khu dân cư mới để sạch hóa địa bàn.
Cư xá Bình Thới được xây dựng sau khi nghĩa địa Nhị Tỳ giải tỏa. Ảnh: TL. |
Năm 1983, quận 11 bắt đầu thông báo ngưng chôn cất. Tiếp đó, thành phố ra thông báo khác cho thân nhân đến di dời các phần mộ. Đến năm 1985, chính quyền thành phố và quân đội bắt đầu cho san bằng bớt đống gạch đá ngổn ngang đó.
Tới vào năm 1988, khu vực nghĩa địa đã cơ bản được san lấp.
Công an TP.HCM bắt đầu xây dựng cư xá Bình Thới, rồi các khu dân cư lân cận dần hình thành. Nhà cửa mọc lên, dân đi kinh tế mới quay về thành 5 khu phố (sau này còn 4). Hơn 15.000 dân trở về hoặc chuyển từ nơi khác tới, sinh sống ngay trên mảnh đất nghĩa trang ngày nào.
Các hạ tầng xã hội sau đó cũng được xây dựng trên khu Nhị Tỳ ngày xưa, như trường mầm non - tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông; Bệnh viện quận 11 và Trung tâm Y tế Dự phòng quận 11.
Trung tâm triển lãm Tân Bình trên nền nghĩa trang quân đội Pháp
Khu nghĩa trang lính Pháp tại Ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình) rộng lớn nằm giữa nội thành đông đúc là nơi chôn cất lính Pháp tử trận trong cuộc chiến ở Đông Dương trước 1954.
Khu nghĩa trang lính Pháp rộng lớn cạnh Ngã tư Bảy Hiền xưa. Ảnh: TL |
Nghĩa trang có quy mô hàng nghìn nấm mộ, được chia thành các ô dành riêng cho người theo đạo Công giáo và Hồi giáo. Sau năm 1975, nghĩa trang tồn tại thêm một thời gian thì các hài cốt lính Pháp được hồi hương.
Khu khu vực này được cải tạo, xây dựng Trung tâm triển lãm và Nhà văn hóa quận Tân Bình như ngày nay.
Khu thương mại có thể nằm trên khu mộ tập thể ở Tân Sơn Nhất
Gần đây, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội có văn bản gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) đề nghị khảo sát khu mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Vị trí dự án Space Ship One mà chủ đầu tư CT Group công bố. |
Thông tin về ngôi mộ tập thể này nằm ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là khu vực diễn ra các trận đánh ác liệt tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30/1 và 1/2/1968.
Sau khi nhận được thông tin về các dấu hiệu ngôi mộ tập thể liệt sĩ ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đang lập kế hoạch khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ ở khu vực này.
Tuy nhiên, theo văn bản của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, hiện khu vực phía Tây sân bay đang có một dự án xây dựng được triển khai, và có thể khu mộ nằm trong khu vực này.
Qua đối chiếu những thông tin về vị trí khu mộ tập thể ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất thì trùng với dự án Space Ship One (SS1) của chủ đầu tư CT Group mới công bố gần đây.
Dự án này là một tổ hợp thương mại bao gồm nhà chờ dành cho hành khách, khu vực check-in, trung tâm hội nghị, các trung tâm thương mại, dịch vụ, hệ thống các cửa hàng ăn, hệ thống giải trí, khu vực lưu trú cho khách quá cảnh, khu phục hồi sức khỏe, khu hậu cần, bãi xe ngầm rộng đến 70.000 m2.
Dự án có vốn đầu tư đến 200 triệu USD.
Chuyển đổi nghĩa trang Bình Hưng Hòa thành khu đô thị mới
UBND TP.HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 7 khu dân cư trên địa bàn quận Bình Tân.
Các khu dân cư này đều được quy hoạch theo hướng cải tạo, chỉnh trang và xen cài xây dựng mới; khu công trình dịch vụ công cộng và khu công viên cây xanh tại khu dân cư hiện hữu.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ được chuyển đổi thành khu đô thị mới trong nay mai. Ảnh: Tùng Tin |
7 khu dân cư này sẽ nằm trên đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa thuộc địa bàn quận Bình Tân. Đó là khu dân cư phía Nam đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc, quận Bình Tân với tổng diện tích khoảng 172 ha.