Hai nghĩa địa xe tăng lớn nằm ở Kabul và Kandahar, Afghanistan vì đất nước này liên tục trải qua chiến tranh. Chúng là những gì còn sót lại sau khi Liên Xô phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia này năm 1979 và kết thúc cuối những năm 1980. Một trong hai nghĩa địa xe tăng nằm bên ngoài thủ đô Kabul, với những chiếc xe tăng đầy đủ máy móc và vũ khí. |
Kabul là thành phố hứng chịu nhiều cuộc chiến do nằm trên tuyến đường thương mại lịch sử nối liền Trung Á và Nam Á. Đế chế Maurya của Ấn Độ, Đế chế Mông cổ, đế chế Mughal, người Anh, Liên Xô, Taliban và Mỹ đều phát động chiến dịch quân sự ở đây. |
Nghĩa địa xe tăng là bằng chứng của chiến tranh ở thành phố Kandahar, Afghanistan. Hàng trăm xác xe tăng T-62, T-55 đang bị thời gian bào mòn. Những cố máy chiến tranh dường như vẫn hoạt động tốt khi người ta bỏ rơi chúng. |
Xe tăng ở đây còn nguyên máy móc, tháp pháo. Chúng chỉ bị thời gian tàn phá thay vì hư hại trong quá trình chiến đấu. |
Nghĩa địa xe tăng Kuwait nằm giữa vùng sa mạc chưa xác định. Chúng là tàn tích của cuộc chiến tranh Vùng Vịnh. Bên cạnh những chiếc T-72 do Iraq sản xuất, nghĩa địa xe tăng còn có những chiếc T-54As của Liên Xô, Type 59 và Type 63s của của Trung Quốc. Tất cả những chiếc xe tăng này đều thuộc sở hữu của Baghdad. |
Trong những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, Mỹ và hàng chục quốc gia đồng minh đã hợp sức chống lại chính quyền Iraq của cố tổng thống Saddam Hussien sau khi Baghdad tấn công Kuwait. Phe liên quân do Mỹ dẫn đầu giành chiến thắng, gây ra tổn thất không nhỏ cho quân đội Iraq. |
Nghĩa địa xe tăng ở Asmara, thủ đô quốc gia Eritrea nằm ở vùng Sừng châu Phi là nơi yên nghỉ của hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn phương tiện quân sự, bao gồm xe tăng, xe bọc thép và xe tải. Chúng nằm la liệt trên mặt đất, xếp chồng lên nhau hoặc bị xương rồng che phủ vì nhiều năm phơi mưa phơi nắng. |
Chúng là những gì còn sót lại của cuộc xung đột giành độc lập kéo dài 3 thập kỷ ở Eritrea khi quốc gia này tách khỏi Ethiopia để trở thành một trong những đất nước non trẻ nhất thế giới. Nghĩa địa xe tăng không chỉ là núi rác khổng lồ mà nó còn là tượng đài chiến thắng lớn lao với người dân Eritrea. |
Nghĩa địa xe tăng ở thủ đô Asmara của Eritrea tiếp tục mở rộng quy mô trong cuộc giao tranh với Ethiopia trong năm 1998 tới năm 2000. |
Trại Taji hay còn có tên khác là trại Cooke nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 30 km. Đây từng là nhà máy sản xuất vũ khí hóa học của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq dưới chính quyền Saddam Hussein. Sau khi phát động cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003, quân đội Mỹ chiếm đóng vùng đất này. Hiện nay, nó được sử dụng để lưu giữ xe tăng của chính quyền cũ và các phương tiện quân sự hư hại trong chiến tranh. |
Phần lớn xe tăng và xe bọc thép chôn thân tại đây đều bị hư hại nghiêm trọng. Chúng sẽ tiếp tục xuống cấp trong bối cảnh chính quyền mới Iraq quay cuồng trong cuộc chiến chống lại lực lượng phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), đang chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq và Syria. |
Nghĩa địa xe tăng ở Rockensussra nằm sâu trong cánh rừng Thuringia của Đức, cách thủ đô Berlin 300 km về phía tây nam. Đây là nơi yên nghỉ của 14.200 chiếc xe tăng và xe bọc thép đang chờ tháo dỡ. Chúng bị loại khỏi biên chế chiến đấu khi hai miền Đông Đức và Tây Đức sáp nhập thành Cộng hòa Liên bang Đức sau Chiến tranh Lạnh. |
Sau khi bị loại khỏi biên chế, người ta tập trung những chiếc xe tăng tới Rockensussra để chờ tháo dỡ lấy sắt vụn. Phần lớn công việc hóa kiếp xe tăng được tiến hành bằng tay. Suốt 20 năm qua, số lượng xe tăng bị hóa kiếp không làm giảm quy mô của nghĩa địa Rockensussra. |