Dựa trên số liệu từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ như dịch Ebola, SARS, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giới nghiên cứu đã thiết lập 31 thang đo về mức độ tổn thương nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, bao gồm cấu trúc kinh tế, tăng trưởng GDP và niềm tin người tiêu dùng.
Báo cáo cho thấy về cơ bản, các thị trường mới nổi sẽ chịu tác động dài hạn nặng nề hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi đó, nhóm quốc gia phát triển lại chịu sự sụt giảm GDP sâu hơn so với các nền kinh tế khác.
Kinh tế Philippines dễ bị tổn thương nhất do tác động của dịch Covid-19. |
Một số yếu tố như thị trường lao động, chính sách tài khóa gây ảnh hưởng dễ thấy hơn đối với các thị trường mới nổi. Điển hình như Philippines và Ấn Độ có triển vọng tăng trưởng kinh tế không mấy lạc quan, trong khi Trung Quốc và Brazil hứa hẹn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn.
Đáng chú ý, Philippines nằm ở vị trí thấp nhất trong tổng thể nghiên cứu. Nguyên nhân đến từ thực trạng tỷ lệ thất nghiệp cao và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dịch vụ du lịch. Trong khi đó, Hàn Quốc được xếp hạng là nền kinh tế ít bị tổn thương nhất trong đại dịch.
Tính theo khu vực, Trung Đông và Mỹ Latinh có triển vọng phục hồi kém nhất, tiếp đến là châu Phi. Trái lại, nền kinh tế Bắc Mỹ lại ít chịu tổn thương nhất, chủ yếu nhờ vào sức bền của chỉ số GDP và các chính sách kích thích tài khóa quyết liệt của chính phủ.
Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Anh, Tây Ban Nha và Pháp là 3 quốc gia được dự báo sẽ mất nhiều thời gian hơn Australia, Thụy Điển và Mỹ trong việc lấy lại phong độ như trước khi có dịch Covid-19.
Trong đó, Pháp được xếp hạng là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, phần lớn do tốc độ tăng trưởng GDP chậm chạp và niềm tin người tiêu dùng yếu.