Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những mùi hương Tết cũ

Giờ đây, cảm giác cái Tết đang nhạt dần. Nhớ về Tết, chỉ nhớ về những dư âm ngọt ngào của những cái Tết xưa cũ.

Nhớ đến Tết, trước tiên là nhớ đến mùi hương trầm tinh khiết. Không hiểu sao, mùi hương thời xưa như cứ thấy thơm hơn. Mà đúng là hồi đó có thứ "hương bài" que nhỏ, hương đặc biệt thật. Nhà nào cũng lên hương từ lúc rước ông vải về ăn Tết chiều Hai chín, Ba mươi cho đến khi tiễn ông vải đi, hóa vàng vào mùng Ba hay mùng Bốn.

Nhiều cụ già còn thắp thêm thẻ hương để cắm vào dưới mâm ngũ quả hay chân gốc đào để thêm hương vị Tết. Đó là cái mùi da diết, đáng nhớ nhất mà gần Tết, người xa quê bỗng dậy lên từ ký ức rồi lòng cứ thấy nao nao, muốn nhanh được trở về dưới ngôi nhà thân quen, ấm cúng bên gia đình để lại được ngửi mùi hương quen thuộc.

Hai mấy, ba mươi năm trước, đất nước còn khó khăn, đa phần là đói. Tết mới là dịp của no đủ. Những màu sắc, mùi vị của Tết mới thật sự in đậm trong tâm trí mọi người.

Huong vi Tet,  Tet xua,  Tet Ky Hoi anh 1
Tết là hương của hương trầm, của bánh chưng và nhiều món ăn ngon khác. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tết là mùi hương của những nồi bánh chưng bốc hơi nghi ngút. Những chiếc bánh chưng vừa vớt từ nồi ra, mới chỉ thấy nồng lên mùi của lá dong chín. Bánh nguội dần, hương nếp cứ thơm dần, thơm dần lên. Bánh được xếp lên bàn, kê ván ép, mùi của mỡ, của đậu xanh, của hành mới cứ mỗi lúc một dậy lên.

Bóc chiếc bánh chưng đầu tiên mới thơm ngon làm sao. Đưa sợi lạt xẻ chéo, cắt chiếc bánh làm tư, làm tám, mùi nhân bánh được giải thoát mới lan ra quyến rũ, khiến đứa trẻ nào cũng muốn được "hưởng xái" từ dây lạt đầu tiên.

Người lớn hay chiều trẻ con, thường gói thêm cho mỗi đứa trẻ một chiếc bánh bé xíu như là đồ chơi, cũng luộc trong nồi mà không cần ép nước. Trẻ con bao giờ cũng được thưởng thức những chiếc bánh đầu tiên, để tận hưởng hương vị thân quen của truyền thống.

Tết cũng là hương thơm của gà luộc, mà quanh năm, những đứa trẻ vẫn luôn thèm thuồng, đứa nào cũng ước được cầm cái đùi gà ăn. Nồi nước luộc gà thường được nấu thành nồi miến, với lòng mề, rắc hành mùi thơm phức, trẻ con tranh nhau múc cho đến giọt nước cuối cùng.

Những ngày giáp Tết thường rất rét. Nhiều nhà tận dụng bếp đun bánh chưng để nấu nước tắm "tẩy trần" cho cả nhà, vì hồi đó làm gì đã có nhà ai có bình nóng lạnh, thậm chí nhà tắm còn chưa có.

Những chùm mùi già được thả vào nồi nước sôi, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp xóm. Xưa cứ ngày Ba mươi là khắp nơi đâu cũng ngửi thấy hương nước mùi, hương bồ kết nướng để gội đầu ngào ngạt. Bây giờ, biết tìm mùi hương ấy ở nơi nao?

Những bếp bánh chưng đêm thường kèm thêm rổ khoai, sắn hay ngô, để người trông bánh, tiếp nước nướng ăn chơi. Nhớ đến mùi hơi nồi bánh chưng bốc ra là lại nhớ đến mùi ngô khoai nướng, ăn tí tách vui miệng suốt đêm.

Tết tất nhiên cũng là lúc cả làng đua nhau thịt lợn. Bên cạnh tiếng lợn kêu eng éc là rộn rã tiếng giã giò lịch kịch vui tai. Những khúc giò mới luộc được vớt ra, mùi thơm đặc trưng cũng làm những đứa trẻ quanh năm thiếu thịt khát thèm.

Thịt lợn làm ra, mỗi nhà lấy phần vài ba cân, để chế biến thành vài món khác nhau. Nhà thì làm thịt đông, nhà ninh nồi canh măng chân giò, hay hầm sườn với khoai tây, nhà lại băm thịt quấn chả, rán nem. Mùi nấm hương, mộc nhĩ, hành phi, mùi nem rán cứ theo gió đưa sự no ấm bay đi khắp xóm. Có nhà lại lọc bì làm nem thính, vùi vào than làm nem nướng cũng khích thích vị giác ghê gớm.

Huong vi Tet,  Tet xua,  Tet Ky Hoi anh 2
Giò lụa, một hương vị Tết truyền thống của người Việt.

Nhớ đến vị chua của nem, lại nhớ đến mùi chua của bột. Tết, rất nhiều nhà làm bánh, đủ loại bánh rán, bánh mật, bánh vừng khác nhau. Đĩa bánh nóng hổi, bày lên mâm cúng các cụ, ngoài vẻ đẹp tròn trĩnh còn tỏa hương thơm ngọt ngào.

Trước Tết từ nửa tháng, các bà, các chị đã đua nhau thái dừa, thái cà rốt, bí, khoai lang, khoai tây... để làm mứt. Gần Tết, những chảo mứt lần lượt được lên bếp. Mùi đường thắng đặc quánh, ngọt sắc lan trong không khí. Đây là mùi ngậy của mứt dừa, kia là vị chua của mứt chanh, vị hăng của mứt cà rốt... Những đứa trẻ quây quần bên chảo mứt, chỉ chờ xin mẹ những miếng cháy, miếng vụn để ăn chực đầu tiên.

Tết là lúc mà nhiều ngôi nhà trong xóm cũng tỏa ra mùi vôi nồng nồng, vì rất nhiều nhà hòa vôi trắng, pha bột màu làm ve để tân trang lại các bức tường căn nhà đón Tết. Vôi trắng thừa, các nhà thường vẽ những hình ảnh cung tên chĩa ra ngoài cổng, một thứ bùa để xua đuổi ma quỷ, bây giờ ít thấy nữa.

Các loại hoa thông dụng các nhà hay chơi ngày Tết thường nhiều màu nhưng không có mùi, như hoa đào, hoa mai, hoa cúc, hoa lay ơn, thược dược. Nhưng xen trong đó, những hoa hồng, hoa ly lại càng được dịp khoe hương thơm trong lọ hoa Tết rực rỡ trên bàn tiếp khách.

Và ngày Tết nhà ai cũng phải có hàng chục lần đi chợ Tết. Mùi hương ở đó mới thật đặc trưng của Tết nhất. Ngoài tất cả các mùi vị nói trên, không thứ gì mà chợ Tết không có, nó hòa cùng mùi vị của hàng trăm mặt hàng khác như quần áo mới, nào hoa, nào quả, bánh mứt... tạo nên một bữa tiệc mùi vị đặc biệt không thể nào quên.

Vị của Tết!


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm