Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những màn 'chơi đẹp' của phó tổng thống Mỹ thất cử

Lịch sử hiện đại Mỹ ghi nhận hai trường hợp phó tổng thống tự chứng nhận thất bại của mình và chiến thắng cho đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống, lần lượt vào năm 1960 và 2000.

pho tong thong anh 1

Thông thường, phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử của Quốc hội chỉ mang tính hình thức.

Những hộp gỗ gụ chứa phong bì niêm phong. Bên trong phong bì là phiếu bầu của đại cử tri mỗi tiểu bang. Viên chức chủ tọa mở các phong bì theo thứ tự bảng chữ cái, sau đó các "giao dịch viên" của Hạ viện và Thượng viện đọc to kết quả.

Nói chung, đây thường là phiên họp rất nhàm chán nên các nghị sĩ ít khi xuất hiện đầy đủ.

Nhưng năm nay, họ nín thở chờ đến ngày 6/1, ngày họp lưỡng viện.

pho tong thong anh 2

Mọi ánh mắt đang đổ dồn vào Phó tổng thống Mike Pence, người chủ trì phiên họp Quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử ngày 6/1. Ảnh: AP.

Liệu viên chức chủ tọa, Phó tổng thống Mike Pence, có thể chống lại sức ép từ Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông để viết nên một kịch bản mới?

Các phó tổng thống Mỹ từ lâu đã chủ trì nghi thức chứng nhận kết quả kiểm phiếu của đại cử tri, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc tuyên bố chiến thắng cho phe đối lập.

Trên thực tế, hai phó tổng thống Mỹ thời hiện đại đã chứng nhận chiến thắng cho đảng đối lập, và cũng là thất bại của chính họ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Đó là Phó tổng thống Richard M. Nixon (ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1960) và Phó tổng thống Al Gore (ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2000).

Cách hành xử khéo léo của ông Nixon

Vào ngày 6/1/1961, Phó tổng thống Richard M. Nixon trở thành người đầu tiên sau một thế kỷ chứng nhận chiến thắng của phe đối lập và thất bại của chính mình.

Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F. Kennedy đã đánh bại ông Nixon trong gang tấc và trở thành tổng thống đắc cử.

Thêm vào đó, nhiều đảng viên đảng Cộng hòa nghi ngờ gian lận cử tri ở 11 bang, thậm chí nộp đơn kiện ở hai bang. Các thẩm phán sau đó bác bỏ cả hai vụ kiện này.

Vì vậy, kết quả chứng nhận cuộc bầu cử này được cho là đã định trước.

Tuy nhiên, một số người tự hỏi liệu bản thân ông Nixon có thực sự thoải mái và chấp nhận sự đã rồi hay không.

Thực tế là ông ấy đã làm vậy, theo Washington Post. Ông Nixon đã chứng nhận kết quả và công bố nó một cách vui vẻ.

"Ông Nixon có vẻ tận hưởng chuyện này. Hết lần này đến lần khác, ông ấy lan tỏa khiếu hài hước, sức sống và thậm chí một chút ý nghĩa chính trị vào nghi lễ có tuổi đời gần hai thế kỷ qua", Washington Post viết vào năm 1961.

pho tong thong anh 3

Ông John F. Kennedy (trái) và ông Richard M. Nixon từng là đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1960. Ảnh: Getty.

Trong phiên họp toàn thể, ông yêu cầu được phát biểu, cam kết sẽ tuân thủ truyền thống của Hạ viện là phát biểu trong một phút, thay vì phát biểu không giới hạn thời gian như ở Thượng viện.

"Tôi nghĩ đây là ví dụ nổi bật và hùng hồn nhất về sự ổn định của hệ thống Hiến pháp và về truyền thống đáng tự hào của người dân Mỹ, đó là phát triển, tôn trọng và tôn vinh các thể chế tự trị", ông Nixon nói.

"Trong các chiến dịch tranh cử của chúng ta, bất kể họ có cạnh tranh gay gắt đến đâu, bất kể cuộc chạy đua có sát nút đến mức nào, những người thua cuộc vẫn chấp nhận phán quyết và ủng hộ những người chiến thắng", ông nói thêm.

Sau đó, Phó tổng thống Nixon tuyên bố ứng cử viên Kennedy là người chiến thắng và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt.

Tình huống khó xử đó đã được xử lý tốt. Tuy nhiên, phóng viên Robert C. Albright của Washington Post phê phán hệ thống bầu cử là nguyên nhân tạo ra tình huống này.

Phóng viên Albright cho rằng "cách bầu cử tổng thống của Mỹ đã lỗi thời", có phần "cổ quái", "gây mệt mỏi", và "không còn đáng tin cậy nữa".

Trong bài bình luận, ông Albright viết lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện "tin tưởng rằng một ngày nào đó cử tri đoàn sẽ nghỉ hưu một cách duyên dáng như ông Nixon".

Mười ba năm sau, người "nghỉ hưu" lại là Tổng thống Nixon. Nhưng lần này, ông từ chức giữa làn sóng chỉ trích. Và hệ thống bầu cử "lỗi thời" đó vẫn tồn tại.

"Sự duyên dáng và hài hước" của ông Al Gore

Bốn thập kỷ sau, nước Mỹ rơi vào cuộc chạy đua thậm chí còn gay cấn hơn.

Khi đó, Phó tổng thống Al Gore phải chứng nhận chiến thắng của Thống đốc bang Texas George W. Bush.

Dù ông Gore giành được nhiều phiếu phổ thông hơn, nhưng ông Bush lại là người chiến thắng trong cuộc đấu tố tại Tòa án Tối cao Mỹ về việc kiểm phiếu ở bang chiến địa Florida.

Giống như Phó tổng thống Nixon vào năm 1960, ông Gore cố gắng mang lại "sự duyên dáng và hài hước" cho quá trình chứng nhận kết quả bầu cử, theo Washington Post.

pho tong thong anh 4

Ông George W. Bush (phải) và ông Al Gore trong cuộc tranh luận của ứng cử viên tổng thống năm 2000. Ảnh: Reuters.

Thông thường, danh sách các tiểu bang được gọi theo thứ tự bảng chữ cái. Khi đến lượt California, bang Phó tổng thống Gore giành chiến thắng, ông đùa bằng cách giơ một nắm đấm lên không trung.

Trong bài viết vào năm đó, Washington Post cho rằng ông Gore đã “đạt được danh hiệu người nổi tiếng” khi ký tặng cho các nhà lập pháp, nhân viên quốc hội và các phóng viên.

Thậm chí, Chủ tịch Hạ viện J. Dennis Hastert còn yêu cầu ông Gore ký tặng lên chiếc búa gỗ mà ông sử dụng ngày hôm đó. Giống như ông Nixon, khi ông Gore tuyên bố ứng cử viên Bush là người chiến thắng và cầu xin Chúa phù hộ cho đối thủ của mình, ông Gore nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt.

Tuy nhiên, ngày hôm đó có thêm một tình huống khó xử nữa. Đó là khi ông Gore đọc kết quả bầu cử ở bang chiến địa Florida và một số đảng viên Dân chủ ở Hạ viện lên tiếng phản đối.

Hầu hết trong số họ, bao gồm cả Hạ nghị sĩ Maxine Waters của bang California, là thành viên của nhóm nghị sĩ gốc Phi.

Đây là những người "có cùng quan điểm với các nhà lãnh đạo gốc Phi khác, rằng phiếu bầu cho ông Gore tại các khu vực bầu cử mà người Mỹ gốc Phi chiếm đa số đã không được kiểm đếm vì máy bỏ phiếu bị lỗi, và vì một số nguyên nhân khác", Washington Post viết.

Do không có thượng nghị sĩ nào đồng tình với các hạ nghị sĩ này, nên theo luật, ông Gore phải bác các ý kiến phản đối nói trên, từ bỏ nỗ lực cuối cùng để thay đổi kết quả cuộc bầu cử.

Ngày 6/1 này, kịch bản sẽ rất khác vì hai lý do. Thứ nhất là vì cho đến nay, Tổng thống Trump không hề tỏ ra "duyên dáng và hài hước" chút nào.

Và thứ hai, là do thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley của bang Missouri, cùng với các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, đã ký vào phiếu phản đối kết quả bầu cử. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi ông Pence làm theo quy trình được định trước, ông vẫn sẽ phải lắng nghe những ý kiến này.

Ông Trump yêu cầu tìm thêm 11.780 phiếu để 'lật kèo' bầu cử Washington Post công bố đoạn ghi âm kéo dài một giờ, trong đó Tổng thống Donald Trump gây áp lực với người phụ trách bầu cử của bang Georgia.

Người ủng hộ ông Trump đổ về thủ đô chờ 'Ngày định đoạt'

Người ủng hộ Tổng thống Trump sẽ biểu tình ở Washington D.C. vào ngày Quốc hội Mỹ chứng nhận kết quả bầu cử. Đây có lẽ là hy vọng cuối cùng của họ nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.

Đi vận động ở Georgia, TT Trump chỉ nói về cuộc bầu cử mình đã thua

Tổng thống Donald Trump ngày 4/1 đến Georgia để giúp hai thượng nghị sĩ Cộng hòa tái đắc cử, nhưng lại dành phần lớn thời gian để nói về những bức xúc trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ong Trump nhan tin vui hinh anh

Ông Trump nhận tin vui

0

Kế hoạch tuyên án ông Trump trong vụ án hình sự ở New York sẽ không diễn ra vào tuần tới như dự kiến vì các luật sư của ông thúc đẩy bãi bỏ truy tố sau chiến thắng bầu cử.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm