Zing.vn lược dịch quan điểm của Erickim, nhiếp ảnh gia kiêm blogger của trang web erickimphotography.com về việc nhiếp ảnh phim liệu có thật sự tốt hơn chụp ảnh kĩ thuật số.
Một nốt trầm giữa cuộc sống hiện đại
Trong xã hội ngày nay, mọi thứ luôn không ngừng phát triển và tiến về phía trước. Chụp ảnh phim giúp cho tôi làm chậm lại nhịp sống gấp gáp của mình.
Nhiếp ảnh phim giúp người chụp sống chậm lại. Ảnh: erickimphotography. |
Đối với tôi, việc chụp ảnh phim giống như là nghệ thuật thiền vậy. Khi chụp ảnh phim, người chụp phải canh nét chậm và tốn một khoảng thời gian dài để xử lý phim sau khi chụp. Tôi vẫn còn rất nhiều cuộn phim được chụp 2 năm về trước còn chưa qua xử lý. Nhưng tôi cứ để đó, không vội vàng gì cả.
Nhiếp ảnh phim đòi hỏi người chụp phải có sự kiên nhẫn nhất định. Ảnh: erickimphotography. |
Trong một nền văn hóa đang bị độc chiếm bởi thức ăn nhanh, "thức ăn chậm" dần trở nên bắt kịp. Điều đó đồng nghĩa với việc "nhiếp ảnh chậm" đang theo sát nút nền văn hóa chụp ảnh kĩ thuật số và Instagram.
Chính tôi và nhiều người khác trên thế giới này đang quay cuồng trong một cuộc sống gấp gáp, chờ đợi một lời phản hồi từ WhatsApp từng giây, viết email trong vài phút và đưa ra quyết định cuộc đời chỉ trong chưa đầy vài ngày.
Mọi thứ làm tôi sống chậm lại đều có tác dụng tích cực giữa vòng quay cuộc sống nhiều bộn bề, lo toan, chẳng hạn việc viết một bức thư tay thay cho việc nhắn tin, hoặc tận hưởng 3 tiếng ăn tối với gia đình hơn việc đi ăn ở McDonald's.
Hình từ máy chụp phim có chất lượng tốt hơn
Nhiếp ảnh phim luôn luôn tốt hơn chụp ảnh kĩ thuật số ở mọi thời kì. Tấm ảnh kĩ thuật số tốt nhất là loại có khả năng truyền tải thần thái của bức hình như đã qua chụp phim.
Ví dụ, Fujifilm có thể làm cho hình JPEG giống ảnh chụp phim cũ, và ứng dụng VSCO tích hợp những preset thổi hồn vào những tấm ảnh kĩ thuật số thô kệch.
Ngay cả với nhạc kĩ thuật số, họ thường thêm vào những "fliter nhẹ nhàng". Đó là những tiếng ồn "ngẫu nhiên" để tạo nên sự ấm áp và thổi linh hồn vào một bài nhạc, chẳng hạn như những tiếng rít và tiếng huýt gió của những bản thu âm cũ chơi trên máy phát nhạc xưa.
Chất lượng màu của máy chụp phim thường tự nhiên và không gượng ép. Ảnh: erickimphotography. |
Tôi tự nhận là một tín đồ trong việc chụp ảnh bằng smartphone, mà chủ yếu là iPhone. Thành thực mà nói, những tấm ảnh tôi chụp bằng chiếc máy chụp phim Kodak Porta 400 khá tệ so với những tấm chụp bằng smartphone và qua chỉnh sửa bằng VSCO.
Tất cả những tấm tôi chụp phim bằng Leica và Kodak Tri-X 400 thường không có chiều sâu.
Đầu tư cho nhiếp ảnh phim đáng giá hơn
Thay vì bỏ ra khoảng 10.000 USD (tầm 220 triệu VND) để đầu tư vào một chiếc Leica kỹ thuật số hoặc một chiếc tầm trung của Hasselblad, bạn hãy mua một máy chụp phim 35 mm loại rẻ tiền và cố gắng trau dồi kĩ năng, từ đó chất ảnh sẽ tốt hơn rất nhiều.
Loại tốt nhất trong các loại máy chụp phim thường là hàng của Leica. Chiếc Leica M6 có giá khoảng 1.600 USD (khoảng 35 triệu VND), và loại lens 35 mm f/2.5 của Voightlander tầm 500 USD (khoảng 10 triệu VND).
Bên cạnh đó, bộ kết hợp tốt nhất là loại máy chụp phim compact Contax T2 với lens 38 mm f/2.8 của hãng Zeiss có giá 600 USD (hơn 10 triệu VND).
Chiếc máy Leica MP chụp phim tác giả đang sử dụng. Ảnh: erickimphotography |
Bài học rút ra là nhiếp ảnh phim thường có giá đầu tư thấp hơn máy ảnh kĩ thuật số, lại dễ tìm mua hàng second-hand để cắt giảm chi phí. Bạn cũng có thể bán lại sản phẩm đã mua với 90% giá ban đầu, thậm chí nếu may mắn có thể kiếm lời.
Mặt khác, đối với một chiếc máy ảnh kĩ thuật số, bạn bắt buộc phải nâng cấp nó sau 4 hoặc 5 năm. Còn với máy chụp phim, người dùng sẽ không phải đau đầu nghĩ về chuyện này.
Chiếc Leica MP tôi đang sử dụng còn có thể sống lâu hơn cả chủ nó, còn mọi chiếc máy kĩ thuật số Leica mà tôi mua sẽ nhanh chóng xuống cấp sau 3 năm.
Ở một khía cạnh nào đó, mua máy chụp phim còn là cách để chữa bệnh "đua đòi". Bạn sẽ chỉ sử dụng một chiếc máy ảnh, một chiếc lens để chụp cho tới cuối đời.
Trải nghiệm cùng xem ảnh với người thân
Tháng trước, tôi trở về Seoul thăm bà. Chúng tôi cùng nhau xem những album của bà hồi còn trẻ.
Đó là những bức ảnh có sức sống và linh hồn của riêng chúng. Tuy nhiên, rìa ngoài của chúng đã bị nhàu nát, và màu hơi nhòe, giống như những kỉ niệm xưa cũ đang dần bị phai nhòa, nhưng thực ra đó là trải nghiệm đẹp nhất trong mỗi người.
Những bức ảnh chụp phim có hồn và sức sống hơn. Ảnh: erickimphotography |
Bạn cứ thử tưởng tượng 60 năm sau, bạn đang ngồi chơi với cháu và cho chúng xem từng bức ảnh thời trẻ của mình trên Instagram hoặc Facebook, nhưng liệu khi đó Instagram hay Facebook còn hoạt động? Ai biết được rằng những tấm ảnh bạn lưu trên mạng xã hội sẽ bị mất đi hoặc xóa đi lúc nào.
Kết luận
Tôi là người theo chụp cả hai trường phái nhiếp ảnh phim và kĩ thuật số. Nhưng, tôi vẫn thích viết thư tay vào ngày sinh nhật cho mẹ hơn việc nhắn tin.
Tôi thích ngồi cạnh người tôi yêu và nắm tay cô ấy hơn việc chúng tôi nói chuyện qua Skype. Đi dạo giữa thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành và cảm nhận từng cọng cỏ lướt qua dưới chân tốt hơn việc tận hưởng phong cảnh kỹ thuật số trên MacBook.