Một trực thăng của hải quân Hàn Quốc cất cánh từ tàu khu trục Choi Young. Ảnh: Epoch Times |
Hàn Quốc
Hàn Quốc có nhiều tham vọng lớn để phát triển một lực lượng hải quân hùng hậu. Những năm gần đây, Seoul dần dần đưa lực lượng hải quân (RoKN) từ những nhóm tuần tra ven biển trở thành lực lượng viễn chinh có thể bảo vệ những hải đảo xa bờ, các tuyến đường biển quan trọng và tham gia những chiến dịch hàng hải quốc tế, như hỗ trợ cứu nạn nhân đạo hoặc chống cướp biển Somalia.
Phòng vệ ven biển vốn là chức năng cơ bản của hải quân Hàn Quốc, nhưng thanh danh này bị lung lay từ sau vụ tàu chiến Cheonan bị đánh chìm trên biển Hoàng Hải hồi tháng 3/2010. Seoul khẳng định Triều Tiên đứng sau sự việc này.
Để lấy lại uy tín, Seoul nhanh chóng thực hiện một kế hoạch cải tổ, bao gồm thành lập đơn vị chỉ huy mới trên vùng biển "nóng" và củng cố khả năng chống tàu ngầm. Hải quân Hàn Quốc cũng xây dựng lực lượng có thể hoạt động toàn cầu, bao gồm 15 tàu khu trục (trong đó 12 tàu được trang bị hệ thống tên lửa Aegis), 24 tàu chiến lớp Incheon và một đội tàu ngầm tấn công thể hệ mới. Lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cũng tiếp nhận một tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo và sắp nhận thêm tàu thứ 2.
Tàu RSS Punggol của Singapore tham gia chiến dịch tìm kiếm chuyến bay QZ8501 ở biển Java. Ảnh: Channel News Asia |
Theo National Interest, lực lượng hải quân Singapore chỉ là một phần trong nền quân đội vượt trội so với các nước láng giềng, sở hữu đội tàu hùng hậu gồm 6 tàu chiến, 6 tàu hộ tống, 5 tàu ngầm (và 2 chiếc đã đặt mua), 4 tàu đổ bộ, 4 tàu dò mìn và rất nhiều tàu tuần tra. Kết hợp cùng chính sách ngoại giao khôn ngoan và những mối quan hệ đồng minh, Singapore sở hữu lá chắn phòng thủ gần như không thể xâm phạm.
Bên cạnh việc bảo vệ tuyến đường biển dài hơn 190 km, hải quân Singapore còn bảo vệ những tuyến đường biển thương mại quan trọng của nước này và đóng góp hiệu quả vào những chiến dịch cứu hộ thiên tai (HADR) trong khu vực. Hải quân Singapore gần đây đã cử 5 tàu tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích số hiệu QZ8501 gần đây của AirAsia Indonesia.
Nhật Bản
Tàu sân bay JS Izumo của Nhật Bản hoạt động thử nghiệm trên biển. Ảnh: Defence Radar |
Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) được xem là lực lượng hải quân hùng hậu nhất Đông Bắc Á. Ngoài thế mạnh ở đội tàu chiến chống tàu ngầm, những mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên khiến Nhật Bản có động lực để xây dựng hạm đội 6 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (2 chiếc đang đặt mua).
Để tăng cường bảo vệ lãnh thổ trong những khu vực có tranh chấp (tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc và tranh chấp ở quần đảo Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc), Nhật Bản đã tăng cường hạ đội tàu ngầm từ 16 chiếc lên 22 chiếc, tăng số lượng tàu khu trục và tàu chiến từ 47 chiếc lên 54 chiếc.
Nhật Bản cho ra mắt máy bay tuần tra chống ngầm Kawasaki P-1 từ cuối năm 2013, lên kế hoạch đặt mua thêm các trực thăng hải quân như Sikorsky-Mitsubishi SH-60K và AgustaWestland MCH101.
Nhật Bản cũng mở rộng đội tàu đổ bộ và tàu sân bay. Tàu sân bay chở trực thăng JS Izumo của nước này hiện đang chạy thử nghiệm trên biển. Con tàu dài 248 mét, nặng 24.000 tấn này là tàu lớn nhất mà Nhật Bản đóng từ sau Thế chiến II. Giới quan sát tin rằng con tàu này sẽ là một căn cứ chuyên chở những máy bay F-35B hiện đại của Nhật Bản.
Mỹ
Các tàu thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. Ảnh: Navy.mil |
Với chiến lược tái cân bằng của Mỹ và tăng cường quan hệ quân sự với các nước đồng minh trong khu vực, Mỹ mở rộng sự hiện diện của hải quân nước này trong khu vực châu Á với những đội tàu sân bay, tàu chiến ven biển, tàu ngầm tấn công và máy bay tuần tra trên biển P-8.
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ ký kết những hiệp ước hỗ trợ quốc phòng lẫn nhau với Australia, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, đồng thời thỏa thuận hợp tác quốc phòng với các nước như Singapore và New Zealand. Những thỏa thuận này cho phép Mỹ triển khai tác tàu, và hoạt động cở những cảng quân sự chiến lược trong khu vực.