Mặt người hình “Tôn hành giả”
Thời gian gần đây trên mạng xuất hiện một hình ảnh được cho là mặt người nổi trên cột nhà thu hút nhiều người xem. Hình ảnh xuất hiện tại cột nhà ở gian giữa của gia đình ông Đoàn Văn Đương (83 tuổi), xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định).
Tại xóm 4, xã Hải Lộc, ngôi nhà có mặt người nổi trên cột nhà của gia đình ông Đoàn Văn Đương đã đóng cửa im ỉm và không một bóng người. Những người hàng xóm cho biết, mấy ngày nay người dân thập phương đổ dồn về xem nhiều quá khiến mọi sinh hoạt gia đình ông bị đảo lộn nên ông Đương đã khóa cửa lại.
Hình ảnh được cho là mặt người nổi trên cột nhà ông Đoàn Văn Đương (Hải Hậu, Nam Định). |
Anh Tuấn, người dân địa phương cho biết: “Hình mặt người xuất hiện được khoảng 10 ngày nay. Vài ngày đầu xuất hiện chỉ có những người trong xóm tới xem, ai cũng công nhận rằng hình ảnh đó rất giống mặt người. Nhiều người xem xong nhận xét nó giống gương mặt một ông cụ đang khóc, số khác thì nhận định giống mặt Tôn Ngộ Không. Họ còn thấy những nét biểu cảm trên gương mặt giống như thật".
Anh Tuấn cho biết thêm, sau đó, một số bạn trẻ đã chụp ảnh và đăng tải lên các trang mạng xã hội thì ngay lập tức rất nhiều người ở tứ phương không chỉ ở các xã lân cận như Hải Minh, Hải Lý, Hải Hà mà con các huyện, các tỉnh khác cũng đổ dồn về xem chật kín từ nhà ra ngõ. Riêng ở xã Hải Lộc thì hầu như ai cũng phải tới ngó một lần vì tò mò, nhiều người còn dẫn bạn bè, người thân từ nơi khác vào xem.
Chính vì nhiều người tới xem nên mấy ngày sau, một bà sư tự xưng ở Hải Thanh về đây thắp một bó hương, đặt một cái đĩa và tự bỏ vào đó 50.000 đồng sau đó khấn vái khiến nhiều người càng tò mò. Họ vây kín đứng xem bà sư đó. Thậm chí sau khi thắp hương, bà sư còn chỉ tay về phía chiếc cột có hình mặt người phán “đây cũng là người, không ai được sờ vào” khiến những người có mặt được một phen giật mình bởi hầu như ai tới xem cũng sờ thử, còn những ai có ý định sờ thì rụt tay lại.
Những lời đồn đoán
Từ sau khi bà sư xuất hiện đặt nắm hương, mâm lễ tiền, câu chuyện hình mặt người lại càng ngày càng thu hút những người hiếu kỳ về xem. Họ thêu dệt thành những câu chuyện ly kỳ xung quanh chuyện mặt người nổi trên cột. Nhiều người đã tìm hiểu thông tin về chính bản thân gia chủ. Họ cho biết, ông Đương trước quê ở vùng Quất Lâm lên đây sinh sống. Bố mẹ đều đã mất và không rõ mồ mả ở đâu nên rất có thể các cụ đã hiện hình lên chiếc cột để báo cho con cháu biết vị trí mình nằm. Nhiều người khác ở địa phương tiếp xúc từ ngày ông Đương lên đây sinh sống thì không nghĩ như vậy mà cho rằng rất có thể là do ông Đương đã mua gỗ ở đình chùa về dựng nhà từ nhiều năm trước nên Phật hiện hình đòi lại.
Nhiều người tò mò tới xem, chụp ảnh và thêu dệt thành những câu chuyện ly kỳ khiến mọi sinh hoạt của gia đình ông Đương đảo lộn. |
Ngay sau những câu chuyện được thêu dệt lên, ngôi nhà ông Đương luôn trong tình trạng chật kín người tới xem chiếc cột kỳ lạ. Những vị khách không mời mà đến vây kín ngôi nhà, xe máy để chật sân ra cổng. Thậm chí nhiều người ở các tỉnh khác như Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng đều về xem chỉ vì tò mò, nhiều vị khách lạ từ xa tới nơi trời đã tối, ông bà đã đi đóng cửa đi ngủ mà vẫn gọi cửa xin được mục sở thị chiếc cột trong nhà khiến mọi sinh hoạt của ông trở nên đảo lộn. Ban ngày thì vì nhiều người tới xem quá mà ông bà, con cháu phải ở nhà tiếp khách. Nhiều ngày liên tục như vậy, họ tới xem, chụp ảnh và bàn tán thành những câu chuyện trên trời nên ông Đương đã khóa cửa lại.
(còn nữa)