Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những loại vũ khí có sức mạnh hủy diệt nhân loại

Giai đoạn tiếp theo của công nghệ hạt nhân, liên quan đến bom nhiệt hạch hay “bom khinh khí (bom H),” sẽ có khả năng hủy diệt sự sống trên Trái Đất.

Những nhà khoa học tạo ra loại vũ khí này được xem là anh hùng. Họ đã điều khiển được việc giải phóng lượng năng lượng khổng lồ chứa trong hạt nhân nguyên tử của một dạng hiếm của nguyên tố uranium, và của nguyên tố mới được tổng hợp là plutonium nữa.

Ngày nay thật khó có thể hiểu được đầy đủ tác động sâu rộng của tiến bộ này đối với cộng đồng khoa học quốc tế. Chiến tranh chống phát xít thắng lợi, nhưng với một hiệp ước ma quỷ: chiến thắng đến cùng sự phóng thích tà thần nguyên tử. Hai quả bom nổ tung ở Hiroshima và Nagasaki đã làm cả thế giới bàng hoàng, nhưng các nhà khoa học biết rằng việc tạo ra những thứ vũ khí hủy diệt kinh khủng hơn hoàn toàn khả thi.

Sự thật là một thành phố lớn có thể bị san phẳng bởi chỉ một quả bom nguyên tử đã đủ tệ hại; giai đoạn tiếp theo của công nghệ hạt nhân, liên quan đến bom nhiệt hạch hay “bom khinh khí (bom H),” sẽ có khả năng hủy diệt sự sống trên Trái Đất.

Hat nhan anh 1

Nguồn: India Today.

Các nước Đồng minh phương Tây nhất thời cho rằng họ đã nắm trong tay sức mạnh thống trị thế giới, vì là chủ nhân duy nhất của những vũ khí khủng khiếp này. Nhất là Vương quốc Anh, tự hào rằng những nhà khoa học của họ thông hiểu công nghệ mới trước nhất, và từ đó đóng vai trò lãnh đạo trong sự phát triển của nó.

Tuy nhiên, ảo tưởng quyền lực tuyệt đối của phương Tây đã tiêu tan không thể vãn hồi vào năm 1949. Liddell mở đầu nhật ký của mình, “Sự kiện [của năm 1949] là vụ nổ bom nguyên tử ở Nga, đã làm cho suy tính của mọi người trở nên lỗi thời.” Mặc dù Liên Xô là đồng minh trong chiến tranh chống Đức Quốc xã nhưng không tham gia vào Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử.

Khi quan hệ của phương Tây với Liên Xô ngày càng căng thẳng thời hậu chiến, điều đó đã mang lại đôi chút an ủi. Tuy nhiên, giữa năm 1945 và 1950, có những manh mối bất an rằng một vài trong số các nhà khoa học phương Tây anh hùng đó đã chuyển thông tin bí mật về vũ khí cho Moscow.

Liên bang Xô Viết đã vượt qua chiến tranh với nguồn dự bị quân sự to lớn, đủ sức đe dọa địa vị thống trị của người Mỹ. Nếu gián điệp Liên Xô xoay xở vô hiệu hóa được lá bài chủ của phương Tây (sở hữu độc quyền bom nguyên tử), Liên bang Xô Viết sẽ là một đối thủ đáng gờm.

Dấu hiệu đầu tiên của trò hai mang này xuất hiện vào mùa thu 1945. Đó là khi cơ quan tình báo phương Tây biết rằng nhà vật lý người Anh Alan Nunn May đã lấy những mẫu vật thiết yếu đối với dự án bom nguyên tử từ phòng thí nghiệm của ông ở Canada và chuyển chúng cho Liên Xô. Đến đầu năm 1950, phản gián phương Tây cũng phát hiện sự phản bội của Klaus Fuchs.

Fuchs đã chuyển thông tin quan trọng cho phía Liên Xô, trong thời gian chiến tranh (khi ông làm về bom nguyên tử ở Los Alamos) và cả sau khi ông chuyển đến Harwell. Quả thực ông đã chuyển cho Liên Xô những dữ liệu đắt giá đủ để đe dọa cán cân quyền lực thế giới. Liddell kết thúc phần nhật ký cho ngày đầu năm 1950 với ghi chú, “Rõ ràng là tới năm 1957 người Nga hẳn sẽ có đủ bom nguyên tử để hủy diệt hoàn toàn đất nước này.”

Ông ấy thực sự tin điều đó. Hai quả bom đã biến các thành phố sầm uất Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản thành gạch vụn. Cứ cho là một thành phố có thể bị phá hủy bởi chỉ một quả bom nguyên tử, Liên Xô có thể tàn sát những trung tâm đầu não của Anh quốc với số bom đếm trên đầu ngón tay. Nếu điều đó chưa đủ để lo lắng, thì những quả bom khinh khí nhiệt hạch đang được phát triển ở Mỹ, và giờ ta biết rằng ở cả Liên Xô nữa.

Frank Close/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY