Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng các nhà khoa học vẫn loay hoay trước nhiệm vụ tìm ra loại thuốc có thể điều trị hiệu quả Covid-19.
Theo bác sĩ Jonathan Parsons, phó trưởng khoa lâm sàng thuộc Trung tâm Y tế Wexner, Đại học bang Ohio, về lâu dài, giải pháp tốt nhất cho Covid-19 đó là một loại thuốc uống kháng virus có thể sử dụng trong những ngày đầu mắc bệnh.
Tại quốc gia hàng đầu thế giới về y học là Mỹ, một số loại thuốc từng được khuyến cáo sử dụng, nhưng rồi lần lượt bị rút giấy phép.
Những loại thuốc hiệu quả cao nhất lúc này chỉ dành cho người bệnh đã trở nặng.
Hậu quả vì thiếu đầu tư
Đến nay, giới chức các nước chủ yếu tập trung các nguồn lực vào phát triển, phân phối vaccine, và đã phần nào thành công. Tuy nhiên, nghiên cứu dành cho thuốc điều trị Covid-19 không có được mức độ ưu tiên tương xứng.
Có một danh sách dài các yếu tố khiến nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, cho thấy những khiếm khuyết trong hệ thống nghiên cứu y dược và chăm sóc y tế toàn cầu, đặc biệt trong đối phó với một đại dịch lây lan nhanh như Covid-19.
Tại Mỹ lúc này, hơn 225 phương pháp điều trị bằng thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng. Một số thuốc là loại mới phát triển, một số thuốc là loại vốn dùng cho các bệnh khác, giờ được thử nghiệm trong điều trị Covid-19.
Hiện chưa có phương thuốc hiệu quả điều trị người mắc Covid-19. Ảnh: AP. |
Tới nay, chỉ một số ít phương pháp điều trị cho thấy hy vọng. Các loại thuốc uống dạng viên của hai hãng dược phẩm Merck và Pfizer là những ứng viên được kỳ vọng nhất. Cả hai đều nhắm tới mục tiêu điều trị cho những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ và vừa, có thể điều trị tại nhà.
Dù vậy, sản phẩm của Merck đã vấp phải một bước lùi hồi tháng 4, khi kết quả cho thấy nó không phát huy hiệu quả trên người đã trở nặng và phải nhập viện.
Các nhà khoa học Mỹ và Anh hiện cũng đã bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn đối với thuốc Ivermectin, loại thuốc chống ký sinh trùng từ lâu đã được sử dụng để điều trị người mắc bệnh mù sông ở khu vực hạ Sahara tại châu Phi.
"Nói thật là lựa chọn của chúng ta hiện rất hạn chế. Chúng ta không có các phương thuốc phát huy hiệu quả cao đối với Covid-19", Daniel Griffin, đại diện tổ chức dịch vụ y tế ProHealth New York, cho biết.
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, các công ty dược phẩm và nhà nghiên cứu thuốc lập tức quay sang tìm kiếm vaccine cũng như thuốc điều trị.
Có điều, các nghiên cứu đối với vaccine và thuốc kháng virus dành cho virus corona "trước đây chỉ được tiến hành bởi một số rất ít" cá nhân và tổ chức, theo ông Barney Graham, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ.
Các đợt bùng phát đại dịch SARS 2003 và MERS 2012 đã gióng lên hồi chuông báo động về sự cần thiết của nghiên cứu với virus corona. Nhưng sự quan tâm dành cho virus nhanh chóng hạ nhiệt khi dịch bệnh được kiểm soát. Đa phần các hãng dược phẩm ưu tiên phát triển sản phẩm dành cho những căn bệnh như ung thư, viêm khớp, hay viêm gan.
Từ 2000-2018, chỉ 500 triệu USD được chi cho các nghiên cứu đối với virus corona, tương đương 0,5% tổng số tiền rót vào các nghiên cứu vào bệnh truyền nhiễm.
Nghiên cứu không hiệu quả
Từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021, hàng nghìn nghiên cứu đã được tiến hành trên khắp thế giới đối với thuốc trị Covid-19. Nhưng đa phần các nghiên cứu không có sự phối hợp, thậm chí cạnh tranh đối tượng thí nghiệm lẫn nhau, làm chậm tốc độ nghiên cứu.
Trong số 2.895 thử nghiệm lâm sàng diễn ra trên toàn cầu, chỉ khoảng 5% được tiến hành phù hợp và mang tới những thay đổi trong phương pháp điều trị.
"Chúng ta đã có thể tạo ra những nghiên cứu tốt hơn nếu có sự phối hợp", tiến sĩ Janet Woodcock, chuyên gia của FDA Mỹ, cho biết.
Tháng 2/2020, trước khi Covid-19 được WHO ban bố là đại dịch toàn cầu, các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu khả năng sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19.
Mỹ đã phê chuẩn sử dụng Redemsivir trên bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện. Ảnh: AFP. |
Dưới sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, các nhà khoa học của Đại học North Carolina, Đại học Vanerbilt phối hợp cùng hãng dược phẩm Gilead Sciences đánh giá tính hiệu quả của Remdesivir trước virus SARS-CoV-2.
Thí nghiệm cho thấy Remdesivir từng giúp loại bỏ virus SARS có trong phổi của chuột mắc bệnh. Thuốc có hiệu quả cao nhất khi được sử dụng ngay khi vừa nhiễm virus.
Dù vậy, việc sử dụng Remdesivir trên người phức tạp hơn nhiều. Thuốc cần được truyền qua tĩnh mạch bệnh nhân, phương pháp chỉ có thể thực hiện trong bệnh viện. Nếu thuốc sử dụng dưới dạng viên uống, gan của con người sẽ lọc hết các thành phần dược liệu trước khi chúng kịp ngấm vào máu, đại diện của Gilead cho biết.
Tới nay, Remdesivir chỉ được dùng để điều trị cho những bệnh nhân đã trở nặng. Nhưng khi bệnh đã trở nặng, nồng độ virus trong cơ thể bệnh nhân đã bắt đầu giảm dần.
Thử nghiệm lâm sàng cho thấy dù có dùng Remdesivir hay không, những người qua được thời điểm khó khăn nhất sẽ hồi phục, thuốc chỉ giúp đẩy nhanh tốc độ. Ngoài ra, Remdesivir không giúp cải thiện tỷ lệ tử vong.
Remdesivir được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ phê chuẩn vào tháng 5/2020. Nhưng các bác sĩ cho biết dù có sử dụng thuốc hay không, tốc độ hồi phục của bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn rất chậm.
Nhiều thí nghiệm lâm sàng đòi hỏi nhân lực quy mô lớn, tiêu tốn nhiều nguồn lực. Một điểm sáng hiếm hoi là nhóm các nhà khoa học tại Đại học Oxford với dự án nghiên cứu có tên Recovery.
Tới nay, dự án Recovery đã sàng lọc ít nhất 12 loại thuốc, và tìm ra phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đã nhập viện sử dụng thuốc Dexamethasone, giúp làm giảm 30% nguy cơ tử vong với người phải sử dụng máy thở.
Rào cản với loại thuốc truyền tĩnh mạch
Tháng 11/2020, FDA Mỹ lần đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại thuốc điều trị Covid-19 trên người chưa nhập viện, dựa trên những kết quả thí nghiệm lâm sàng ban đầu. Đây là loại kháng thể đơn dòng được chế tạo dựa trên kháng thể tự nhiên sản sinh trên người từng mắc Covid-19.
Tác giả của loại kháng thể đơn dòng này là hai hãng dược phẩm Regeneron và Eli Lilly. Nhờ các nghiên cứu về kháng thể đối với virus MERS của Regeneron, quá trình phát triển kháng thể đối phó với Covid-19 được rút ngắn còn chưa đầy 1 năm, thay vì cả thập kỷ như với các virus khác.
Thí nghiệm cho thấy loại kháng thể đơn dòng này phát huy hiệu quả với người mới mắc Covid-19, giúp giảm 70% nguy cơ nhập viện và tử vong.
Tuy nhiên đến nay, nhà chức trách Mỹ vẫn chưa cấp phép sử dụng đầy đủ cho phương pháp kháng thể đơn dòng của Regeneron với bệnh nhân chưa nhập viện.
Từ tháng 11/2020 tới tháng 5/2021, trong gần một triệu liều được gửi tới các bệnh viện và cơ sở y tế, chỉ 49% được sử dụng điều trị cho bệnh nhân.
Kháng thể đơn dòng của Regeneron có nhiều rào cản trong sử dụng đại trà. Ảnh: AP. |
Các bệnh viện không thể mở rộng quy mô sử dụng loại thuốc này bởi đòi hỏi tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân kéo dài đến một giờ, sau đó là thêm một giờ để theo dõi tác dụng phụ.
Nhiều phòng khám tiêm tĩnh mạch đối mặt nguy cơ người mắc Covid-19 sẽ lây virus cho các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hơn đang được điều trị các loại bệnh khác như ung thư.
Trung tâm Y tế Wexner, Đại học bang Ohio là một trong số các cơ sở sử dụng kháng thể đơn dòng của Regeneron. Bác sĩ Jonathan Parsons, phó trưởng khoa lâm sàng, cho biết cơ sở này tới nay đã điều trị cho 1.469 bệnh nhân bằng kháng thể đơn dòng, cao điểm là 30 trường hợp một ngày.
Trong số đó, 4,8% diễn biến nặng phải nhập viện, so với khoảng 8-9% bệnh nhân phải nhập viên trong nhóm không sử dụng kháng thể đơn dòng.
Tuy nhiên, ông Carl Dieffenbach, phó giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho rằng hy vọng phát triển phương thuốc hiệu quả cao, với tác dụng phụ ở mức chấp nhận được, có lẽ phải mất nhiều năm, đòi hỏi hợp tác hơn nữa giữa chính phủ, các trường đại học và giới công nghiệp.