Hồ chứa nước Cửa Đạt nằm trên địa bàn xã Xuân Mỹ (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Từ khi đi vào khai thác đầu năm 2009, Cửa Đạt được biết đến là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.
Không chỉ tích trữ nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn lũ và sản xuất điện, hồ đập này còn được biết đến là nơi sinh sống của nhiều loài cá có trọng lượng lớn từ 30 đến 50 kg/con.
Dọc thượng nguồn dẫn vào hồ đập Cửa Đạt, hàng trăm hộ nông dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông Chu. Là một người sinh ra và gắn bó với sông Chu từ hàng chục năm nay, cụ Trương Văn Tị (88 tuổi) cho biết, không phải ai cũng may mắn bắt được những con cá có trọng lượng lớn tới 30-50 kg, dân địa phương thường gọi là “cá đầu đàn”.
Hồ đập Cửa Đạt, nơi sinh sống của nhiều loài cá lớn. Ảnh: Duy Cảnh. |
“Trong số hàng trăm hộ đánh cá, anh Hưng là người hay bắt được nhiều cá to nhất, dân chúng tôi quen gọi anh ta là khắc tinh của loài cá lớn, thậm chí là vua săn cá khủng”, cụ Tị cho biết.
Theo lời chỉ dẫn của cụ Tị, phóng viên tìm đến gặp người đàn ông tên Hưng, chiếc thuyền rộng chưa đầy 10 m2 vừa là phương tiện hành nghề đánh bắt, đồng thời cũng là nơi cư trú tạm thời của cả gia đình anh.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân), sau ngày lập gia đình rồi mưu sinh bằng đủ thứ nghề nhưng cuộc sống chẳng khấm khá, cách đây gần chục năm, anh Hưng bàn bạc với vợ tìm cách mưu sinh bằng nghề đánh cá trên sông Chu. Cái duyên với nghề giúp người đàn ông 40 tuổi này nhanh chóng hòa nhập cuộc sống, trở thành một tay săn cá khủng nức tiếng vùng thượng nguồn Cửa Đạt.
Về danh hiệu “vua săn cá” do người dân phong tặng, anh Hưng khiêm tốn tâm sự, bao năm gắn bó với khúc sông Chu, khi bản làng lên đèn, cũng là lúc vợ chồng anh xắn tay vùi đầu vào công việc đến tận sáng hôm sau mới kết thúc. “Tôi theo đuổi cái nghề này bao năm, cũng lúc được lúc thua; lúc có cá to, lúc được cá nhỏ chứ chẳng phải cái gì to tát mà được người dân ca ngợi như thế”.
Chỉ tay ra khoảng hồ rộng thênh thang trước mặt, anh Hưng kể, khu vực giữa lòng hồ là nơi sinh sống của những con cá to từ 30-50 kg. “Cá ở đây to lắm, nhiều con nặng đến 50 kg và rất hung dữ. Nó có thể xé tan tành tấm lưới chỉ trong chốc lát”, anh Hưng cho biết.
Anh Hưng ngồi bên con gái út kể lại những lần ra hồ đánh bắt cá. |
Sở hữu thân hình rắn rỏi của một nông dân chất phác, anh Hưng được biết đến là người khỏe nhất vùng. Với tài trí thông minh và nhanh nhẹn, anh từng một mình vật lộn với nhiều con cá khổng lồ ngay giữa hồ nước mênh mông.
Anh Hưng kể, cách đây hai năm, một con cá nặng tới gần nửa tạ bất ngờ vướng lưới. Để bắt được con cá to như vậy, anh đã phải bỏ lại thuyền, lao xuống hồ trực tiếp đối mặt với con vật.
“Cá khỏe lắm và tỏ ra rất thông minh. Dù bị lưới quấn quanh mình nhưng vẫn cố giãy đạp, kéo cả thuyền lao đầu đi vun vút về phía cửa hang”, anh Hưng nhớ lại.
Khi bị chủ thuyền cầm vợt tới khống chế, con cá dữ bất ngờ xù vẩy, hùng hổ phá tan tành mẻ lưới rồi lao đầu về phía cửa hang. Sau gần 30 phút vật lộn, anh Hưng bị cá đạp rách da tay, máu chảy lênh láng. “Trong lúc tôi vừa đuổi theo, vừa lấy chiếc áo băng vết thương, con cá đã chui vào hang chạy thoát thân”, anh Hưng kể.
Lần thất bại đó không khiến anh Hưng nhụt chí. Ngược lại, niềm đam mê chinh phục cá lớn càng ngấm sâu hơn trong con người nông dân 40 tuổi. Khát khao chinh phục loài thủy quái, vợ chồng anh đã vay mượn tiền, đầu tư thêm nhiều ngư cụ tốt.
Chỉ tay vào tấm lưới bị cá phá tan tành cách đây hơn 2 tháng, anh Hưng nhớ lại, đêm hôm đó, sau khi buông hết mẻ lưới xuống hồ, anh đang thiu thiu ngủ, chiếc thuyền bỗng chao liệng, tự di chuyển về phía xa như có ai đó kéo. Với kinh nghiệm của một người đánh cá lâu năm, anh Hưng đoán trước một con cá to đã bị mắc lưới.
Chiều lại, vợ chồng anh Hưng tất bật chuẩn bị đồ nghề đi đánh bắt cá đến sáng hôm sau mới vào bờ. |
Con cá hung dữ vùng vẫy tạo thành cột nước cao gần một mét phía giữa hồ. Anh Hưng nhanh tay chuẩn bị dụng cụ, gạt mái chèo hướng về vị trí con cá. “Một con cá khổng lồ màu đen nổi lên trước ánh đèn pin rọi. Phát hiện tôi đang hướng mũi lao phóng bắt, nó bất ngờ lặn xuống nước, vùng vẫy rồi tiếp tục lao đi vun vút”, anh Hưng kể.
Sau chặng đường bị đuổi bắt dài cả trăm mét, con cá dần kiệt sức. Nó đành đứng lại và ngoan ngoãn chui vào vợt lên thuyền. “Con cá nặng hơn 30 kg, nằm chiếm hết cả khoang thuyền”, một người chứng kiển cho biết.
Nói về kinh nghiệm, anh Hưng chia sẻ, đàn cá lớn thường xuất hiện nhiều vào tháng 7, tháng 8 âm lịch. Dụng cụ đánh bắt phải tốt, phù hợp với từng loài cá, môi trường nước khác nhau.
“Cá hay rời hang ra kiếm ăn vào những ngày thời tiết lạnh”, anh Hưng nói. Không chỉ đánh cá bằng lưới, “ông vua” này còn có biệt tài huýt sáo dụ cá, chạy vào lưới rồi bao vây bắt.
Ngồi cạnh con gái út, anh Hưng thở dài cho biết, tác động của con người khiến đàn cá ngày càng khan hiếm, cá lớn ngày càng ít dần. Khoảng 15h hằng ngày, vợ chồng anh lại cất lưới lên thuyền chạy ra hồ đánh bắt và trở về bờ vào sáng hôm sau.
“Trừ hôm may mắn bắt được cá to bán giá vài trăm ngàn một cân. Ngày thường, chồng tôi chỉ đánh được vài chục cân cá nhỏ. Giá được 30.000 đồng/ kg thôi”, chị Tống Thị Lâm (vợ anh Hưng) chia sẻ.
Không chỉ là một người có tài đánh bắt cá, anh Hưng còn được biết đến là người hết mực yêu thương vợ con, lo cuộc sống gia đình. Chia tay phóng viên đúng lúc mặt trời xế chiều, anh Hưng lại vội vã sắp đặt ngư cụ đi đánh bắt. “Cách đây ít hôm, tôi thấy một con cá to hàng trăm cân nhảy lên mặt hồ, hy vọng sẽ sớm bắt được nó”, anh Hưng nói.