Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trắng đêm săn cá khủng vùng cửa sông

Sau nhiều đêm thức trắng theo chân các thợ câu lành nghề, PV đã ghi lại những hình ảnh về nhóm người chuyên đi săn các loài cá khủng có giá trị kinh tế cao ở Quảng Bình.

Sau nhiều lần bắt mối làm quen, tôi đã xin theo chân một nhóm thợ câu lành nghề ở TP.Đồng Hới chuyên đi câu cá đêm ở các vùng cửa sông, nơi sinh sống của những loài cá có giá trị cao như cá hồng, cá hanh... Trong ảnh: Các cần thủ đang lắp cần cho một buổi câu đêm, bắt đầu từ 19h30 tối.
Màn đêm bắt đầu buông xuống, thợ câu ở Đồng Hới theo quốc lộ 1A ra khu vực cảng Gianh thuộc xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) để chuẩn bị một đêm thức trắng săn cá.... Thông thường, công tác chuẩn bị cần câu, móc mồi,... phải mất hơn 30 phút cho 10 cần câu. Trong ảnh: 2 thợ câu đang chuẩn bị đồ nghề cho buổi câu tại âu thuyền Trạm Hải quan cảng Gianh.
Anh Nguyễn Đức Phúc (người bên trái, 37 tuổi, trú phường Nam Lý, TP.Đồng Hới) cho biết muốn câu được những con cá to, đặc biệt là cá vược, thì cần thủ phải có tính kiên nhẫn và hiểu đặc tính sinh hoạt của từng loài cá để chuẩn bị loại mồi câu thích hợp.
Theo anh Phúc, cá vược (sống được cả trong môi trường nước lợ lẫn nước ngọt) đang được thợ câu săn đuổi nhiều nhất, bởi có giá trị cao (khoảng 500.000 đồng/kg). Cá vược thường thích ăn mồi là những con tôm sống. Thợ câu móc những con tôm sống vào lưỡi câu để cho tôm bơi lội trong nước dụ cá đớp mồi. Giỏ lưới trong ảnh đựng tôm sống được các thợ câu bỏ trong nước để giữ cho chúng được sống lâu.
Cần câu thường là những loại cần xịn có giá 1 - 2 triệu đồng, thậm chí 5 - 6 triệu đồng. Dây câu là loại nhập từ nước ngoài về. Để câu được cá vược, cần thủ phải dùng loại dây chịu được sức nặng tương đương 60 - 70 kg trong môi trường nước.
Anh Đoàn Ngọc Hoà (33 tuổi, trú phường Hải Đình, Đồng Hới) đang móc tôm sống vào lưỡi câu. Anh cho biết, cá vược rất tinh khôn và thông minh, những con cá càng lớn lại càng khôn và dân đi câu gọi là "cá thành tinh". Những con lớn mỗi khi ăn mồi, mắc câu thường rất khó bắt, bởi chúng dùng "mang gió" để cắt dây câu hoặc chui vào hang, vùng vẫy để dây câu cứa vào những con hàu dưới bãi đá rồi đứt.
Cần thủ thường câu theo hình thức "câu thả". Đây là phương pháp câu gián tiếp, nghĩa là chỉ cần móc mồi vào lưỡi, thả cần trên bờ và đợi cá ăn thì sẽ kéo dây câu chạy và ống câu sẽ bị cuốn tạo nên tiếng động báo thợ đến giữ cần, dùng kỹ thuật cuốn dây câu bắt cá. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, những thợ câu thường chuẩn bị thêm mồi để câu những loài cá nhỏ hơn như cá bống, móm, hanh...
Những cần câu được móc mồi, trên cùng cần câu là những bóng đèn phát quang để khi cá ăn mồi, thợ câu sẽ thấy cần rung.
Ngoài cá vược, cá hồng cũng có giá trị cao (khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg). Loài cá này thường ăn tạp, như tôm sống, cá nục loại nhỏ. Trong ảnh: Một con cá hồng nặng khoảng 0,7 kg bị mắc câu.
Các cần thủ lành nghề như anh Phúc phải qua nhiều đêm chờ sẵn, tìm hiểu tập tính của loài cá vược lớn mới câu được chúng. Mỗi tháng, anh Phúc thường mất 15 - 20 đêm thức trắng để săn cá khủng.
Về mùa hè, có rất nhiều thợ câu đêm đi săn cá khủng ở các khu vực cầu cảng, cửa sông...
Sau những ngày làm việc vất vả, cần thủ đi săn cá vào ban đêm như là thú vui tao nhã.
Thành quả của họ là những con cá vược từ 3 - 5 kg, thậm chí có khi bắt được con nặng hàng chục kg.
Cũng có nhiều người xem săn cá khủng là nghề chính để mưu sinh, nhưng anh Phúc, anh Hoà chỉ xem là thú vui.  Một con cá vược khủng mắc câu khiến anh Hoà phải oằn mình giữ cần.
Mỗi đêm, anh Hoà, Phúc phải bỏ tiền triệu xăng xe (đi ôtô), mua mồi câu, rồi thức ăn, nước uống, cafe để khỏi buồn ngủ...
Theo anh Phúc, săn cá khủng về đêm là thú vui và cũng là niềm đam mê. Sau gần một đêm thức trắng, đến khoảng 3 - 4h sáng các cần thủ về nhà, ngủ khoảng 3 - 4 giờ rồi bắt đầu làm việc như bao người khác.

Văn Được

Bạn có thể quan tâm