Không thể phủ nhận từ khi IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu), cổ phiếu của Facebook luôn ở trong nhóm tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, con đường tăng vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất hành tinh vẫn có những thời điểm tồi tệ.
Mất gần một nửa giá trị sau hai tháng lên sàn
Từng chào bán cổ phần ra thị trường ở mức giá khoảng 38 USD vào cuối tháng 5/2012, nhưng tới cuối tháng 7/2012, cổ phiếu này chỉ còn giao dịch ở mức 22,28 USD một cổ phiếu.
Cụ thể, ngày 27/7/2012, một ngày sau khi Facebook công bố báo cáo tài chính quý II/2012, cổ phiếu của hãng đã lao dốc tới 17% giá trị.
Báo cáo tài chính của Facebook khi đó đạt kỳ vọng mà các nhà phân tích đề ra. Doanh nghiệp cũng ghi nhận doanh thu tăng 32% so với cùng kỳ, lên mức 1,18 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn không tự tin vào việc Facebook có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ nền tảng 955 triệu người dùng, đặc biệt là khả năng thương mại hóa các nội dung trên nền tảng di động của Facebook.
Kết quả là giá cổ phiếu Facebook giảm sốc xuống còn 22,28 USD, mất 41% giá trị so với thời điểm hãng lên sàn.
Mất 37 tỷ USD vì khủng hoảng Cambridge Analytica
Sau khi thông tin công ty nghiên cứu Cambridge Analytica đã sử dụng Facebook để thu thập dữ liệu trái phép của 87 triệu người dùng, mạng xã hội này đã ghi nhận 37 tỷ USD vốn hóa bốc hơi chỉ trong vòng một ngày.
Đây là một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử vận hành của Facebook. Vụ việc đã khiến ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và Anh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/3, cổ phiếu Facebook giảm 6,8%, tương đương với thiệt hại 36,7 tỷ USD. Riêng Mark Zuckerberg mất 4,9 tỷ USD.
Ông Zuckerberg sau đó đã phải công khai xin lỗi. “Tôi là người sáng lập Facebook, vận hành nó. Tôi có trách nhiệm với những việc đã xảy ra”, Mark Zuckerberg nói trong bài phát biểu dùng đọc trước phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ.
Dữ liệu rò rỉ nhiều khả năng đã được sử dụng vào mục đích mua quảng cáo chính trị, làm méo mó kết quả của cuộc bầu cử Mỹ 2016. Dữ liệu này được sử dụng để hiển thị quảng cáo chính trị trên Facebook và ảnh hưởng đến tâm lý cử tri.
Cú bốc hơi kỷ lục 120 tỷ USD vốn hóa
Ngay khi thị trường chứng khoán New York mở cửa sáng 26/7 (đêm 26/7 giờ Việt Nam), giá cổ phiếu của Facebook lập tức giảm 19%. Sự việc diễn ra chỉ một ngày, sau khi kết quả kinh quý II/2018 được công bố với việc giảm tốc tăng trưởng doanh thu và phát triển người dùng.
Đặc biệt, 3 triệu người dùng ở châu Âu từ bỏ Facebook.
Tài sản của Facebook trên thị trường chứng khoán bị thổi bay khoảng 120 tỷ USD, bao gồm gần 15 tỷ USD của nhà sáng lập Mark Zuckerberg.
Đây là cú sụp đổ kỷ lục trong nhiều năm qua, vượt xa mức giảm 91 tỷ USD/ngày của Intel năm 2000.
Từ vị trí giàu thứ ba thế giới, ông chủ của Facebook bị đẩy xuống vị trí thứ sáu.
Báo cáo kinh doanh của Facebook cho thấy tăng trưởng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số và lượng người dùng quý II đều giảm so với dự kiến. Doanh thu quý II của công ty tăng 42% và lợi nhuận tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số 13,2 tỷ USD lợi nhuận đã thấp hơn dự tính trước đó của phố Wall, là 13,4 tỷ USD.
Giám đốc tài chính của Facebook cho biết xu hướng giảm tốc tăng trưởng vẫn còn tiếp tục trong các quý tiếp theo của năm 2018.
Những con số kém khả quan cùng các điều chỉnh kỳ vọng của lãnh đạo Facebook khiến các nhà đầu tư mất đi niềm tin vào khả năng kiếm tiền của gã khổng lồ mạng xã hội. Tâm lý này đã khởi đầu một đợt bán tháo khiến cổ phiếu Facebook trở thành cổ phiếu mất giá nhiều nhất trong một ngày.