1. Ngày thứ hai đen tối (1987)
Thứ hai, ngày 19/10/1987 đi vào lịch sử tài chính Mỹ cũng như thế giới, với việc thị trường chứng khoán mất điểm cực lớn chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Hong Kong là nơi cuộc khủng hoảng bắt đầu, sau đó lan rộng tới châu Âu và Mỹ. Chỉ số Dow Jones mất 508 điểm (22,61%), xuống mức 1.738,74 chỉ trong một ngày. Sự kiện này được ghi nhận với tên gọi "Ngày thứ hai đen tối".
Chỉ số chứng khoán Mỹ trong ngày thứ hai đen tối 1987. Ảnh: CNN. |
2. Thứ sáu ngày 13 (1989)
Chứng khoán Mỹ có một phen chao đảo vào thứ sáu, ngày 13/10/1989. Thông tin Tập đoàn UAL, công ty chủ quản của United Airlines, không được mua lại, được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng. Thương vụ UAL thất bại dẫn đến sự sụp đổ của thị trường trái phiếu hạng đầu cơ, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính Mỹ.
Chỉ giây lát sau khi kết quả thương vụ UAL được công bố, các chỉ số chứng khoán Mỹ bắt đầu lao dốc. Chỉ số Dow Jones giảm 190,58 điểm (6,91%) xuống còn 2.569,26 điểm. Nasdaq mất 14,9 điểm (3,09%) xuống 467,30 điểm. Trong khi đó, S&P 500 giảm 21,74 điểm (6,12%) và đóng cửa ở mốc 333,65 điểm. Một ngày sau đó, các chỉ số trên tiếp tục giảm 5-7% điểm.
3. Phiên biến động siêu tốc (2010)
Ngày 6/5/2010 chứng kiến việc thị trường chứng khoán Mỹ "đánh rơi" hàng nghìn tỷ USD giá trị. Sự việc bắt đầu lúc 14h32 và kéo dài 36 phút. Các chỉ số quan trọng như S&P 500, Dow Jones hay Nasdaq 100 giảm điểm nhanh chóng, song cũng phục hồi chỉ trong thời gian ngắn.
Chỉ số Down Jones tại ngày 6/5/2010. Ảnh: CNN. |
Chỉ số Dow Jones ghi nhận lần mất điểm kỷ lục trong ngày khi giảm 9% (998.5 điểm), chỉ trong vòng vài phút. Tuy nhiên, hơn 30 phút sau đó, chỉ số này lấy lại phần lớn giá trị đã mất.
Giá cổ phiếu, quyền mua/bán khống thay đổi liên tục chỉ trong thời gian ngắn, khiến giao dịch tăng mạnh. Theo báo cáo năm 2014 của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC), sự kiện 6/5/2010 là thời điểm hỗn loạn nhất trong lịch sử tài chính thế giới tính đến nay.
4. Phiên biến động siêu tốc (2013)
Ngày 23/4/2013, tài khoản Twitter của AP đã bị tấn công và đăng đoạn tweet có nội dung "Nhà Trắng bị tấn công, Tổng thống Obama bị thương". Đoạn tweet sai sự thật này khiến chỉ số Dow Jones giảm 130 điểm.
Chỉ số Down Jones tại ngày 23/4/2013. Ảnh: CNN. |
Tài khoản Twitter nói trên sau đó tạm thời bị khóa. Dow Jones tiếp tục hoạt động bình thường chỉ sau vài phút.