Khi lên đường tới Ukraine làm lính tình nguyện, Matthew Robinson, một cựu binh người Anh, tưởng tượng ra cảnh mình sẽ giáp mặt binh sĩ Nga tại tiền tuyến. Nhưng thực tế va vào anh sớm hơn, trên một chiếc xe buýt chở những người cùng chí hướng với Robinson qua biên giới Ba Lan.
“Một tình nguyện viên Ba Lan đi cùng xe say bí tỉ. Anh ta cho rằng xe này đang đến Nga và định rút dao đâm tài xế”, Robinson, 39 tuổi, nói. “Chúng tôi phải tước vũ khí của anh ta. Khi ấy, tôi nhận ra rằng việc gia nhập Quân đoàn Quốc tế của Ukraine không phải là ý hay nếu một người như vậy có thể vượt qua vòng sàng lọc”.
Matthew Robinson, cựu binh người Anh tại Ukraine. Ảnh: Telegraph. |
Sau khi Robinson xuống xe buýt để cân nhắc lại, những tình nguyện viên khác tiếp tục tới một cơ sở huấn luyện ở Tây Ukraine. Hai ngày sau, hôm 9/3, cơ sở ấy trúng tên lửa Nga, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, trong đó 3 người được cho là cựu lính đặc nhiệm Anh.
“Nhìn lại thì tôi đã đúng khi không hấp tấp”, Robinson - người đang ở Kyiv làm nhiệm vụ đào tạo và hậu cần cho Quân đoàn Gruzia, một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Ukraine có thành viên chủ yếu là người Gruzia - nói với Telegraph.
Những gì Robinson trải qua có thể là trải nghiệm chung của người nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho Ukraine. Họ phải đối diện đồng đội có chất lượng không đồng đều, quá trình tuyển chọn đáng ngờ, cùng thực tế là họ luôn có thể nằm trong tầm ngắm của tên lửa Nga.
Những trận đánh khó khăn
Dakota, một cựu binh Mỹ tình nguyện, cho biết anh đã bảo lưu kỳ đầu đại học và đến Ukraine vì cảm thấy bị thôi thúc làm “điều đúng đắn”. Trả lời Washington Post, Dakota yêu cầu không đăng tên họ để bảo mật danh tính.
Nhóm binh sĩ tình nguyện nước ngoài của Dakota được nhập vào một đơn vị quân đội Ukraine và được đưa tới Kyiv. Từ đó, họ được điều động tới tây bắc để chiến đấu tại một thị trấn bên ngoài thủ đô vào đầu tháng 3.
Ngày đầu tiên tại tiền tuyến, đơn vị của Dakota đi tuần trong rừng. Các đợt pháo kích bất chợt phủ kín khu vực. Cả người Ukraine và tình nguyện viên đều phân tán.
Dakota, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, từng tham chiến tại Ukraine cho tới khi bị chấn thương đầu. Ảnh: Washington Post. |
Một số người nhảy xuống hào, một số khác nấp trong các căn nhà bỏ hoang. Khi giao tranh đến hồi quyết liệt, một số binh sĩ Nga rút lui, để lại một đồng đội bị thương khóc lóc cho tới đêm, Dakota kể.
Tới tối hôm thứ hai, 8 trong số 20 tình nguyện viên cùng đơn vị với Dakota đã bỏ vị trí, bao gồm một cựu lính thủy đánh bộ. Người này dường như đã dùng đá đập súng máy cho giống thiệt hại khi chiến đấu. Một người khác giả vờ bị thương, Dakota kể.
Sau đó, Dakota chiến đấu ở khắp vùng Kyiv và cũng có một số thành công. Trong một nhiệm vụ, anh kể mình đã không thể khóa mục tiêu vào xe tăng Nga. Đúng lúc ấy, 4 lính Nga trèo lên xe tăng để ngồi hút thuốc. Hệ thống tầm nhiệt của Javelin lập tức bắt lấy thân nhiệt của những người này và bắn trúng đích.
Nửa tiếng sau, pháo binh Nga bắn vào vị trí của nhóm Dakota, khiến họ phải rút lui. Khoảng một tuần sau, anh thường cảm thấy buồn nôn và chóng mặt như say xe.
Khi bị chẩn đoán chấn thương não do đứng gần vụ pháo kích, Dakota nói đã trở về nhà tại Ohio vào cuối tháng 4, sau 7 tuần tại Ukraine. Anh ở trong giai đoạn hồi sức từ đó tới nay.
“Chuyện này chưa kết thúc”, Dakota nói.
Ngay cả đối với cựu binh tại Iraq và Afghanistan, Ukraine vẫn là cuộc đấu khó khăn. Chiến binh Isil và Taliban có thể có ý chí quyết tâm hơn binh sĩ Nga, nhưng họ không có xe tăng, tiêm kích, tên lửa siêu vượt âm hay bất cứ khí tài gì còn lại trong kho vũ khí của Nga.
“Dù bạn nói gì về Nga đi nữa, họ vẫn là đội quân chuyên nghiệp với nhiều khí tài hiện đại”, một cựu binh Hoàng gia Anh giấu tên từng chiến đấu quanh Kyiv nói. “Lúc ở chiến hào, nếu bạn bị drone phát hiện, họ sẽ cho pháo đánh vào đó. Chỉ trong những tuần đầu tiên tôi đã chết hụt 3 lần”.
Các binh sĩ tình nguyện người Anh chụp ảnh trước khi ra tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Cận kề cái chết
Đối với Pascal, một cựu binh Đức tham chiến tại Ukraine, bước ngoặt trong suy nghĩ của anh đã đến khi đồng đội, Willy Joseph Cancel, cựu binh Mỹ 22 tuổi, thiệt mạng trong trận đánh cuối tháng 4 bên ngoài Mykolaiv.
Cũng như Dakota, Pascal yêu cầu không đăng tên đầy đủ để đảm bảo an toàn.
Pascal cho biết vấn đề đã xảy ra ngay trong nhiệm vụ đầu tiên. Họ nghi ngờ kênh liên lạc radio của mình đã bị quân đội Nga giám sát. Đơn vị của Pascal còn thiếu pin cho radio nên sau đó họ phải dùng điện thoại và ứng dụng không được bảo mật để liên lạc.
Chỉ ít lâu sau khi trao đổi kế hoạch, pháo binh Nga tấn công vào vị trí của họ, Pascal nói.
Trong nhiều nhiệm vụ khác, những người lính tình nguyện cảm giác họ không được cung cấp đủ thông tin. Họ không biết mình đang ở đâu và quan trọng hơn là binh sĩ Nga đang ở đâu, Pascal nói.
Ngày Cancel chết, cả đơn vị phải hứng chịu những loạt đạn từ vị trí mà Nga cho là của Ukraine nhưng không có kênh liên lạc qua radio để xác nhận. Hai người trong đội đã tiếp cận để điều tra nhưng họ không bao giờ quay trở lại sau khi có tiếng súng, Pascal kể.
Willy Joseph Cancel, 22 tuổi, thiệt mạng tại Ukraine. Ảnh: Facebook/Willy Joseph Cancel. |
Những thành viên còn lại trong đội của Pascal phải hứng chịu hỏa lực rất rát từ phía Nga, bao gồm đạn pháo. Một người đã chết trong đợt pháo kích. Pascal và một người khác cố gắng cầm máu cho Cancel nhưng không thành công. Thi thể của những người xấu số bị bỏ lại.
Đó cũng là nhiệm vụ cuối cùng của Pascal. Anh sau đó đã trở về qua biên giới Ba Lan.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã chẳng có cơ hội nào”, Pascal nói. “Tôi đang tự hỏi tại sao tôi sống sót còn những người khác thì không”.
Nhiệm vụ nguy hiểm
Nhiều lính tình nguyện khác cũng vỡ mộng. Một số người cho rằng bị điều động thực hiện các “nhiệm vụ tự sát” mà không có đủ vũ khí hoặc tình báo. Một số người than phiền về việc phải chờ quá lâu để được tới tiền tuyến.
Trong số ấy là Michael, một cựu binh Mỹ có kinh nghiệm tại Trung Đông với vai trò chuyên gia chất nổ. Sau khi thấy video gia đình 4 người Ukraine thiệt mạng vì pháo kích của Nga, Michael đã tới Ukraine từ cuối tháng 3 dù biết rõ nguy hiểm.
Kể với Telegraph, Michael nói không trông chờ sẽ được đối đãi như VIP. Nhưng anh vẫn hy vọng sẽ được tạo điều kiện dễ dàng để sử dụng kỹ năng mình có.
Michael (phải) cùng Robinson. Ảnh: Telegraph. |
“Vấn đề đầu tiên là Quân đoàn Quốc tế yêu cầu bạn ký hợp đồng 3 năm”, Michael nói. “Chúng tôi rất vui mừng được chiến đấu nhưng rất dễ hiểu là có người lo lắng khi phải cam kết pháp lý trong thời gian dài như vậy”.
Thay vào đó, Michael và những người khác cố gắng hoạt động độc lập. Một số người liên hệ với chỉ huy từng đơn vị và lập nhóm với các tình nguyện viên khác qua các nhóm trên mạng xã hội. Số khác tập trung làm nhiệm vụ cứu hộ binh sĩ bị thương ra khỏi khu vực đang hứng chịu hỏa lực.
Tuy nhiên, làm việc bên ngoài hệ thống quân sự của Ukraine có thể rất nguy hiểm. Những người như thế có thể bị điều động thực hiện các nhiệm vụ không ai muốn làm, trong khi họ thiếu kiến thức địa phương mà có thể quyết định vấn đề sinh tử.
“Bạn có thể làm bia đỡ đạn nếu gặp nhầm người chỉ huy, và cũng rất nguy hiểm khi tự bước vào trận địa mà không điều phối với những người khác. Bạn có thể chết vì chính phe mình”, Michael nói.
Một người tình nguyện viên nước ngoài khác yêu cầu ẩn danh cho biết vì là xạ thủ giỏi, anh được yêu cầu dẫn dắt 4 tình nguyện viên người Ukraine đi làm nhiệm vụ tiêu diệt các tay súng bắn tỉa của Nga.
Tuy nhiên, 4 tình nguyện viên này trước đó chỉ biết làm nông. Với những khẩu súng săn trong tay, họ chưa phải bắn thứ gì nguy hiểm hơn những con cáo phá phách.
“Thật là nực cười. Nó là nhiệm vụ tự sát nên tôi báo hủy”, người lính nước ngoài nói.