Trước khi ChatGPT ra đời, trong khoảng 10 năm vừa qua, lĩnh vực phát triển AI đã đạt được nhiều thành tựu có tính đột phá:
Năm 2016, phần mềm AlphaGo do công ty DeepMind phát triển đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây số 1 thế giới người Hàn Quốc Lee Sedol với tỉ số 4 - 1 hết sức thuyết phục. Chiến thắng này gây ra cú sốc lớn đối với làng cờ vây quốc tế, nhưng lại là một bước tiến lớn đối với AI bởi cờ vây vẫn được đánh giá là một trong những môn thể thao trí tuệ phức hợp nhất hiện nay - thậm chí có độ khó vượt xa cờ vua nếu xét trên một số phương diện.
Tác phẩm do Jason Allen tạo ra từ AI. Ảnh: postguam. |
Năm 2019, AI tiếp tục tiến thêm một bước nữa sau khi phần mềm Pluribus - được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học vi tính hàng đầu ở Mỹ - đã lần đầu đánh bại những vận động viên poker hàng đầu ở thể thức 6 người chơi.
Chỉ thông qua việc học luật rồi tự chơi với chính nó hàng triệu ván bài, Pluribus đã xây dựng được một chiến lược đặt cược tối ưu theo lý thuyết trò chơi (game theory optimal), khiến những tay chơi lão luyện nhất trong làng poker thế giới cũng phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại. Cũng cần nói thêm rằng so với những môn đối kháng kinh điển như cờ vua hay cờ tướng, poker phức tạp hơn đáng kể bởi số người chơi nhiều hơn và yếu tố bất định là một phần tất yếu của mọi ván bài. Nói cách khác, các môn cờ kể trên thường có thể tính được những nước đi “chuẩn” tuyệt đối, còn trong poker, tất cả đều chỉ là xác suất.
Năm 2020, công ty DeepMind cho ra mắt AlphaFold - phần mềm AI có khả năng giải một trong những bài toán hóc búa nhất trong ngành Sinh học cấu trúc là dự đoán cấu trúc ba chiều của protein sau khi cuộn xoắn trong một khoảng thời gian ngắn không tưởng.
Theo Demis Hassabis, CEO của DeepMind, nếu như trước đây một nghiên cứu sinh cần dành cả chiều dài chương trình tiến sĩ của mình (trung bình khoảng 6 năm) chỉ để giải mã cấu trúc của một protein duy nhất thì giờ đây, AlphaFold có thể làm điều đó chỉ trong vài giây. Nhờ có phần mềm này, các nhà khoa học nay có thể rút ngắn đáng kể thời gian nghiên cứu các loại bệnh và khám phá ra các loại thuốc, vaccine mới.
Đầu năm 2021, công ty OpenAI chính thức tung ra phần mềm Dall-E, lần đầu tiên cho phép con người tạo ra những bức họa từ các câu lệnh bằng chữ viết như: hãy vẽ cho tôi một chú mèo trên sao Hỏa theo phong cách tranh Van Gogh. Từ đó, khái niệm “tranh AI” mới bắt đầu xuất hiện trong kho từ vựng của chúng ta. Tháng 9 năm 2022, nghệ sĩ nghiệp dư Jason Allen đã sử dụng một phần mềm vẽ tranh AI khác là Midjourney để tạo ra bức tranh giành giải nhất tại hội chợ bang Colorado (Mỹ), làm dấy lên nhiều tranh cãi trong giới hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung4.
Trên đây là một số thành tựu nổi bật mà giới nghiên cứu AI đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần hiểu rằng khả năng ứng dụng của AI vào trong cuộc sống là gần như không có giới hạn.
ChatGPT chỉ là một ví dụ rất trực quan, cho ta thấy tiềm năng của AI một cách rõ rệt. Hiện nay đã xuất hiện các phần mềm AI có khả năng nhận diện giọng nói, mô phỏng giọng nói, sản xuất video từ các hình ảnh tĩnh, lập trình game mà không cần code...
Trong tương lai xa hơn nữa, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến xe tự lái trên mọi nẻo đường, sự ra đời của các hệ thống vũ khí quân sự tự hành, các dịch vụ chẩn đoán bệnh từ xa dựa trên AI hay một siêu phần mềm có thể dự báo khả năng xảy ra của mọi sự kiện địa-chính trị lớn nhỏ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Theo mạch phát triển đó, sự ra đời của ChatGPT vào mùa đông năm 2022 có thể xem như một kết quả tất yếu. AI đã “hiểu” những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ và giờ nó có thể giao tiếp hai chiều với chúng ta một cách tự nhiên và thông minh, như thể một người bạn hay một người trợ lý bằng da bằng thịt. Những gì trong một thời gian dài tưởng chừng là “độc quyền” của con người thì giờ đây đã có một phần mềm vi tính làm được. Cuốn sách này sẽ phần nào giúp bạn đọc thấy được điều đó.