Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lầm tưởng về cuộc khủng hoảng nước ngọt

David Wallace-Wells chỉ ra rằng sản xuất mới là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nước chứ không phải tiêu dùng cá nhân, đặc biệt khi hàng triệu người vẫn đang thiếu nước.

Thieu nuoc sach anh 1

Ảnh: PTI.

Bảy mươi mốt phần trăm diện tích bề mặt địa cầu được bao phủ bởi nước. Chỉ có hơn 2% trong đó là nước ngọt, và tối đa chỉ 1% lượng nước đó có thể tiếp cận được, phần còn lại chủ yếu mắc kẹt trong các sông băng. Theo tổ chức National Geographic tính toán, về bản chất, chỉ 0,007% lượng nước trên hành tinh là sẵn có để khai thác và nuôi sống bảy tỷ người trên đó.

Khi tưởng tượng tới tình trạng thiếu nước ngọt, bạn có thể cảm thấy rát cổ họng, nhưng thực ra hydrate hóa chỉ là một phần nhỏ trong những yếu tố chúng ta cần dùng nước. Trên toàn cầu, có từ 70 đến 80 phần trăm lượng nước ngọt được sử dụng cho sản xuất thực phẩm và nông nghiệp, cộng thêm 10 đến 20 phần trăm dành cho công nghiệp.

Và nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng này không đến từ hiện tượng biến đổi khí hậu - dù bạn tin hay không, con số 0,007 phần trăm là rất nhiều, không chỉ đủ cho bảy tỷ người mà còn đủ cho chín tỷ, thậm chí có thể hơn một chút. Tất nhiên, chúng ta gần như chắc chắn vượt qua con số chín tỷ trong thế kỷ này, với dân số toàn cầu ít nhất mười tỷ, có thể là mười hai.

[...] Nhưng những lời buộc tội về sự vô trách nhiệm của cá nhân là một loại vũ khí đánh lạc hướng sắc bén, vì chúng thường xuất hiện trong các cộng đồng từ lúc khởi đầu nỗi đau khí hậu. Chúng ta thường chọn ám ảnh về chuyện tiêu dùng cá nhân, một phần vì nó nằm trong tầm kiểm soát, và một phần vì nó là một hình thức phô diễn đức hạnh hợp thời.

Nhưng sau cùng, trong hầu hết các trường hợp, những lựa chọn đó lại đóng góp không đáng kể, những thứ khiến ta mù quáng trước các yếu tố quan trọng hơn. Khi đề cập đến nước sạch, bức tranh lớn hơn là thế này: sự tiêu thụ cá nhân nhỏ bé đến mức chỉ trong những đợt hạn hán khắc nghiệt nhất mới có thể tạo ra sự khác biệt.

Một ước tính cho thấy, ngay cả trước đợt hạn hán, Nam Phi vẫn có tới chín triệu người không được tiếp cận với bất kỳ nguồn nước nào để sử dụng cá nhân; lượng nước cần thiết để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu con người tại đây chỉ bằng khoảng một phần ba lượng nước được sử dụng mỗi năm để sản xuất vụ mùa rượu vang của quốc gia này. Tại California, nơi hạn hán được tô đậm bởi sự phẫn nộ đối với các hồ bơi và bãi cỏ xanh mướt, tổng mức tiêu thụ đô thị chỉ chiếm 10%.

Chừng nào còn có người lên tiếng biện minh, biến đổi khí hậu sẽ vẫn được quảng bá dưới hình thức một tấm băng rôn về nước biển - hiện tượng tan băng ở Bắc Cực, nước biển dâng cao, bờ biển bị thu hẹp. Cuộc khủng hoảng nước sạch đáng báo động hơn nhiều, vì chúng ta phụ thuộc vào nó sâu sắc hơn. Nó cũng gần trong tầm tay hơn.

Nhưng hiện tại, trong khi hành tinh đòi hỏi những nguồn lực cần thiết để cung cấp nguồn nước uống và vệ sinh cho tất cả mọi người trên thế giới, thì lại không có ý chí chính trị cần thiết, thậm chí khuynh hướng nào, để làm điều đó.

Trong ba thập kỷ tới, nhu cầu nước ngọt đến từ hệ thống sản xuất thực phẩm toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 50%, từ các đô thị và ngành công nghiệp tăng khoảng 50% đến 70%, và từ các nhà máy điện tăng khoảng 85%. Với các đợt siêu hạn hán sắp tới, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ thắt chặt đáng kể nguồn cung. Thực ra, trong nghiên cứu mang tính bước ngoặt về nước và biến đổi khí hậu mang tên “High and Dry”, Ngân hàng Thế giới nhận thấy rằng “các tác động từ hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ được chuyển tải chủ yếu qua chu trình của nước”.

Cảnh báo mang tính tiên tri của họ là: khi nói đến các tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu, tác động đến từ nước sạch là một vấn đề cấp thiết và là một câu đố quan trọng cần giải quyết, tương tự tác động của điện năng. Ngân hàng Thế giới ước tính nếu không có bất kỳ sự điều chỉnh có ý nghĩa nào trong việc phân phối tài nguyên nước, GDP khu vực có thể giảm 14% tại Trung Đông, 12% tại khu vực Sahel của châu Phi, 11% tại Trung Á, và 7% tại Đông Á, đơn giản là do mất an toàn nguồn nước.

David Wallace-Wells / NXB Trẻ

SÁCH HAY