Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lá thư chưa gửi cho nạn nhân động đất, sóng thần

Dù không đến tay những người thiệt mạng trong ngày định mệnh 11/3 ở Nhật, hàng trăm lá thư và tin nhắn được viết hàng ngày đang giúp người sống sót nguôi ngoai dần nỗi đau.

Thảm hoạ động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 đã gây tổn thất nặng nề cho Nhật Bản và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân đất nước mặt trời mọc. 5 năm qua, nhiều người sống sót đã viết hàng trăm đến hàng nghìn bức thư và tin nhắn cho người thân trong gia đình. Họ là người em gái đã thiệt mạng khi trận động đất rung chuyển mặt đất, hay cô con gái bị cuốn theo những cơn sóng dữ và biệt vô âm tín cho đến nay. 

Ngay cả khi mong muốn được gặp lại người thân chưa phai mờ, thì những người sống sót vẫn đang từng ngày cố gắng để gần gũi với cuộc sống của họ ở một phương trời khác. Theo Yomiuri Shimbun, dù những lá thư này chưa bao giờ đến tay người nhận, chúng được coi là cách để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn người còn sống.  

tham hoa dong dat,  song than Nhat Ban anh 1

Bà Tadako Nakajima (trái) đã viết hơn 1.000 bức thư với hy vọng có thể gửi gắm tâm thư, tình cảm cho người em gái đã mất. Bà Noriko Sato (phải) cũng thường xuyên gửi thư và tin nhắn cho cô con gái mất tích. Ảnh: Yomiuri Shimbun


Lời nhắn gửi lên thiên đường

Bà Tadako Nakajima, hiện sống ở thành phố Soma, tỉnh Fukushima, bắt đầu công việc mỗi sáng là chuẩn bị đồ ăn cho khách tại quán trọ. Sau khi trở về nhà, bà lại ngồi trước bức chân dung em gái Takako Kawashita và cầm bút. 

Bà Nakajima là con gái thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em. Sau khi kết hôn, bà đều dành thời gian đi du lịch hay nghỉ ngơi cùng 5 chị em gái mỗi tháng một lần và đặc biệt gần gũi với cô em Takako. Thảm hoạ kép xảy ra 4 ngày sau khi họ có chuyến đi đến một khu nghỉ mát suối nước nóng. Bà không chỉ mất nhà cửa trong cơn sóng thần, người chồng Yoichi và cô em gái Takako đều mất tích. Khi đó, họ sống ở Miyagino, thành phố Sendai. 

Thi thể của bà Takako và ông Yoichi được tìm thấy 17 ngày sau trận động đất. Tháng 8/2011, trong ngày lễ Obon (tương tự ngày lễ Vu Lan), bà Nakajima đã viết những dòng thư đầu tiên cho em gái: "Kể từ ngày hôm đó, ngay cả khi hoa anh đào nở rực rỡ, chị cũng không cảm nhận được gì hết".

Vì không thể nói ra cảm xúc của chính mình, bà bắt đầu viết thư. Nhưng những lá thư ban đầu đều mang ý nghĩa tiêu cực.

"Ngày tháng tiếp tục trôi đi mà không có lối thoát. Lẽ ra chị cũng nên bị cuốn trôi đi theo dòng nước", bà viết. Không ít lần những bức thư của bà chứa đầy nước mắt.

Vào ngày 11 hàng tháng, người chị lại mang thư đến Sendai và đọc trước bia mộ của em gái. Theo thời gian, khi viết ra được những suy nghĩ và cảm xúc của mình, khoảng trống trong tâm hồn bà dần dần khép lại và bà bắt đầu gần gũi với những người xung quanh hơn. Bà trò chuyện với các tình nguyện viên khắp Nhật Bản trong thời gian ở khu nhà tạm thời và bắt đầu chào hỏi các công nhân xây dựng đang ở trong nhà trọ. 

'Tôi đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người", bà tâm sự. 

Khi những cây hoa anh đào nở rộ mùa xuân năm ngoái, lần đầu tiên kể từ ngày xảy ra thảm hoạ, bà mới lại thấy chúng tươi đẹp như ngày nào. Vào ngày tưởng niệm 11/3 lần thứ 5, bà có cảm giác rằng cô em gái có nụ cười hiền thân thuộc đang nói với mình rằng: "Hãy nhớ về em. Nhưng chị biết không, việc chị quên em đi từng chút một cũng sẽ ổn mà". 

tham hoa dong dat,  song than Nhat Ban anh 2

Những bức ảnh gia đình trôi dạt sau cơn sóng thần năm 2011 hiện được lưu giữ trong khu tưởng niệm ở Fukushima. Ảnh: AFP


Trong một bức thư gần đây, bà Nakajima viết: "Nhờ có em, Tako-chan, chị đang làm rất tốt. Cảm ơn em. Em sẽ ở bên chị mãi mãi".

Trong 5 năm qua, cụ bà 74 tuổi đã viết hơn 1.000 bức thư và dùng hơn 30 cuốn sổ ghi chép. Dù không biết mình có thể viết thêm được bao nhiêu, bà khẳng định: "Chị sẽ sống quãng đời còn lại với niềm hạnh phúc vì em, Tako-chan. Và khi chị mất đi, chị sẽ mang cho em nhiều quà đến mức một chiếc quan tài cũng không chất đủ".

Ở thành phố Ofunato, tỉnh Iwate, bà Noriko Sato vẫn ngày ngày viết thư và tin nhắn cho người con gái mất tích trong thảm hoạ, dù chúng chưa bao giờ đến tay người nhận. Ngày 11/3/2011, cô con gái Tomoko đang làm y tá bán thời gian ở Rikuzentakata đã bị cuốn trôi khi cơn sóng thần ập vào thành phố. Vì hai mẹ con làm cùng nghề, bà Sato luôn cảm nhận rằng Tomoko là người bạn mà bà có thể trò chuyện mọi điều trong cuộc sống.  

Hơn 2 tháng sau đại hoạ, bà Sato tình cờ tìm thấy tấm ảnh con gái trong nhà và rất phấn khích. Theo phản xạ tự nhiên, bà liền gửi tin nhắn qua điện thoại di động cho Tomoko: "Con hãy về nhà sớm nhé". Dù tin nhắn không thể chuyển đi vì số thuê bao đã bị huỷ, người mẹ vẫn cảm thấy nhẹ nhõm. 

Bận rộn với công việc hàng ngày, nhưng mỗi lần ấn nút gửi, bà đều không quên ghi lại lời nhắn trong sổ tay. Chôn chặt nỗi khắc khoải chờ đợi trong tim, bà vẫn không thể không nhắc đến nỗi đau nhớ con. "Con bé đã ở nơi nào đó trên thiên đường", bà nói.  

"Tất cả những gì mẹ có thể làm là cố gắng không gọi cho con", bà gửi tin nhắn cuối cùng hồi tháng 10/2014. Trong 5 năm qua, người mẹ đã viết gần 200 tin nhắn cho con gái. Sau tin nhắn cuối cùng, bà bắt đầu thu thập chữ ký của những người mong muốn duy trì hoạt động tìm kiếm người mất tích. Từ mùa xuân năm nay, bà quyết định tham gia hoạt động tìm kiếm ở bờ biển với tư cách tình nguyện viên.

"Tôi không thể gọi con quay trở về chỉ bằng những tin nhắn. Với việc tham gia tìm kiếm, tôi muốn tâm hồn mình được thanh thản", người mẹ chia sẻ.

Những giọt nước mắt

Cách đây tròn 5 năm, trận động đất mạnh 9 độ Richter đã làm rung chuyển đất nước mặt trời mọc, kéo theo những cơn sóng thần khổng lồ ập vào nhiều khu vực ven biển, làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima và buông nỗi ám ảnh phóng xạ ở nhiều khu vực xung quanh.

Hơn 160.000 người trong các thị trấn gần lò phản ứng hạt nhân đã phải sơ tán. Phần lớn người dân đều tìm cách di cư đến nơi khác và bắt đầu cuộc sống mới, trong khi 10% hiện vẫn sống trong những ngôi nhà tạm bợ trên khắp Fukushima. 

Năm nay, từ ngày 10/3, người dân Nhật Bản đã để tang, tưởng nhớ gần 22.000 người thiệt mạng trong thảm hoạ kép năm 2011. Thủ tướng Shinzo Abe và Nhật hoàng Akihito sẽ dâng hoa tại một buổi lễ tưởng niệm ở Tokyo vào đúng 14h46 ngày 11/3. Khi tiếng chuông rung lên, tất cả sẽ cúi đầu mặc niệm. Trong ngày hôm nay, người dân Nhật Bản sẽ dành những lời cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số, một số tổ chức biểu tình phản đối năng lượng hạt nhân và thăm viếng mộ. Tất cả các chuyến tàu ngầm ở Tokyo sẽ dừng hoạt động.

tham hoa dong dat,  song than Nhat Ban anh 3
Các công nhân làm nhiệm vụ xử lý nhiễm xạ ở Fukushima hôm nay dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân xấu số ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, chính phủ Nhật Bản đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ hoạt động tái thiết ở các khu vực bị tàn phá, cải tạo đất để bảo vệ trước nguy cơ rủi ro trong tương lai, xử lý đất nhiễm phóng xạ và giải quyết vấn đề nhà ở tạm thời cho công dân. 

"Hiện nay, vẫn còn nhiều người có cuộc sống khó khăn trong các căn nhà tạm thời và nhiều người không thể trở về quê hương vì nỗi lo phóng xạ. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để xây dựng nhà ở và tái thiết các thị trấn để họ có thể quay lại những ngôi nhà kiên cố và ổn định cuộc sống", ông Abe phát biểu ngày 10/3.

Ở thành phố ven biển Rikuzentakata, nơi từng bị san phẳng vì những con sóng cao đến 17 m và thiệt hại 7% dân số, nỗi đau của người ở lại vẫn chưa thể nguôi ngoai.

"Cơ sở hạ tầng đang phục hồi, nhưng trái tim thì không. Tôi vẫn nhìn thấy khuôn mặt của những người đã khuất. Có nhiều điều hối tiếc mà tôi không thể nào diễn tả được", Wiki Kumagai, một lính cứu hỏa tình nguyện đã mất 51 đồng nghiệp trong ngày 11/3, cho biết. Nhiều người trong số họ đã thiệt mạng khi hướng dẫn cư dân đến nơi an toàn. 

"Tôi có cảm giác rằng số người đang không biết phải làm gì, thậm chí không thể cố gắng, đang vẫn ngày một tăng. Trái tim của họ như vỡ thành từng mảnh", Kazuo Sato, một ngư dân ở Rikuzentakata, chia sẻ. 

Vùng đất chết ở Fukushima sau động đất, sóng thần

5 năm sau thảm hoạ kép ở Nhật Bản, chỉ 440 người trong tổng dân số 8.000 người dân thị trấn Naraha quay trở lại quê hương, nhiều ngôi nhà đã bị bỏ hoang hoàn toàn.

Lò phản ứng Fukushima: Robot cũng 'tan chảy'

5 năm sau thảm họa, mức độ phóng xạ tại nhà máy Fukushima vẫn còn rất mạnh, robot tìm kiếm cũng bị phá hủy, khiến việc loại bỏ các thanh nhiên liệu nguy hiểm là điều không thể.




Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm