Ngày 11/3/2011, một trong những trận động đất mạnh nhất lịch sử đã gây rung lắc khu vực phía đông bắc của Nhật Bản, kéo theo những cơn sóng thần cao hơn 10 m. Thảm hoạ kép năm 2011 gây thảm hoạ nặng nề nhất cho đất nước mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến II, khiến 19.000 người thiệt mạng và mất tích, khoảng 160.000 người mất nhà cửa và gây khủng hoảng nặng nề vì sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Công ty Điện lực Tepco, cơ quan điều hành nhà máy, đã loại bỏ được hàng trăm thanh nhiên liệu qua sử dụng trong một lò phản ứng bị hư hỏng. Nhưng công nghệ cần thiết để xác định vị trí các thanh nhiên liệu tan chảy trong ba lò phản ứng khác tại nhà máy vẫn chưa được phát triển.
"Việc tiếp cận khu vực bên trong nhà máy hạt nhân là điều vô cùng khó khăn. Trở ngại lớn nhất là bức xạ", Reuters dẫn lời Naohero Masuda, đại diện Tepco, trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Công nhân mặc áo bảo hộ và đeo mặt nạ tại khu vực lò phản ứng số 3 và số 4 tại nhà máy Fukushima. Ảnh: Getty |
Các thanh nhiên liệu tan chảy qua các mạch ngăn trong lò phản ứng và không ai biết chính xác chúng ở đâu. 5 năm sau thảm hoạ kép, mức độ phóng xạ tại nhà máy Fukushima vẫn còn rất mạnh, khiến việc vào sâu bên trong để tìm và loại bỏ các thanh nhiên liệu tan chảy nguy hiểm là điều không thể.
Vì khu vực này trong nhà máy rất nguy hiểm cho con người, Tepco đã phát triển loại robot có thể bơi dưới nước và xoay sở các trở ngại trong lối đường hầm và đường ống để tìm kiếm thanh nhiên liệu. Tuy nhiên, ngay sau khi đến gần lò phản ứng, bức xạ đã phá huỷ hệ thống dây điện của robot và khiến chúng trở nên vô dụng.
Masuda cho biết, mỗi robot được thiết kế tuỳ chỉnh với từng lò phản ứng và mất hai năm để phát triển một robot có chức năng này.
Trong khi những robot này đã "chết", bức tường băng quanh nhà máy được xây dựng để ngăn nước ngầm nhiễm xạ vẫn chưa hoàn thành. Giới chức Nhật Bản hiện chưa có cách xử lý nước nhiễm xạ được tích trữ trong các thùng chứa với số lượng ngày càng lớn quanh khu vực.
Tepco cho biết các điều kiện tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine cách đây 30 năm, đã được cải thiện đáng kể. Hơn 8.000 công nhân đang làm việc tại đây để loại bỏ rác thải, xây bể chứa, đặt đường ống và chuẩn bị tháo dỡ các bộ phận của nhà máy. Phần lớn nhiệm vụ của họ liên quan đến việc bơm nước vào các phản ứng để làm mát. Nước nhiễm xạ sau đó được bơm ra ngoài và lưu trữ trong bể chứa.
Tuy nhiên, Akiro Ono, quản lý khu vực, nói rằng một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là xử lý hàng triệu tấn nước nhiễm xạ. Ông "lo ngại sâu sắc" những thùng chứa sẽ làm rò rỉ nước nhiễm xạ ra biển.