Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những kỷ niệm ấm áp của sao Việt dưới mái trường

Nếu Nguyên Khang được cô giáo khâu nút áo bung thì Dương Cẩm Lynh được thầy dạy thêm, bù lại những ngày nghỉ vì bị ốm...

Dương Cẩm Lynh

Đối với tôi, thầy cô không chỉ là người cho mình kiến thức, còn là ân nhân. Nếu không có thầy cô, một cô bé bị thiếu máu não, một tuần đi học 5 ngày bị xỉu như tôi không thể tốt nghiệp cấp ba.

Người ảnh hưởng và giúp đỡ tôi nhiều nhất là thầy An – giáo viên dạy Anh văn năm lớp 10. Trong khi thầy hiệu trưởng khuyên ba mẹ nên cho tôi nghỉ học, thầy An động viên tôi cố gắng. Thầy nghĩ ra giải pháp cho tôi là mua ghế bố vào lớp học. Khi nào mệt, sẽ nhờ y tá truyền nước biển. 

Dương Cẩm Lynh nhờ thầy giáo cũ làm "chuyên viên tâm lý" mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, tình cảm.

Tôi nghỉ học nhiều, theo không kịp bạn bè thì thầy gọi tới nhà, dạy phụ đạo cho. Có lẽ vì thế, môn tiếng Anh của tôi khá nhất trong các môn. Đến giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với thầy, coi thầy như người thân trong nhà. Mỗi khi gặp chuyện buồn vui trong cuộc sống, người tôi chia sẻ nhiều nhất chính là thầy. Nhìn tôi trưởng thành thầy thường bảo: “Ai ngờ cô bé hay xỉu ngày xưa đã trở thành diễn viên”.  

Hàng năm, vào ngày 20/11, tôi đều về trường cũ thăm thầy nhưng hiện tại tôi đang quay phim Mặt nạ ở Đà Lạt nên chỉ gọi điện chúc mừng thầy. Nếu không có thầy, không thể tốt nghiệp cấp ba thì cuộc đời tôi chắc sẽ khác lắm…

Nguyên Khang

Mẹ và bà ngoại đều là giáo viên nên tôi hiểu giáo viên là nghề vất vả và đầy tâm huyết. Mỗi năm học, mỗi thầy cô đều để lại trong tôi những ký ức đẹp. Riêng cô Cúc, giáo viên chủ nhiệm năm tôi học lớp 4 tại trường Nguyễn Văn Trỗi ấn tượng hơn cả.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, Khang đã quay trở về thăm lại trường Đại Học Bách Khoa TPHCM để gặp các thầy cô giáo cũ. Nơi đây đã để lại rất nhiều kỷ niệm trong Khang. Nơi Khang được gặp thầy trưởng khoa Khoa Học Ứng Dụng thầy Thái, thầy chủ nhiệm bộ môn Vật Lý thầy Linh, thầy Xuân, các thầy cô giáo môn đại cương Toán A1,A2,A3,A4, thầy Võ Phổ dạy Triết...Các thầy cô rất yêu quý Khang. Thầy cô còn bảo hay xem những chương trình Khang dẫn như Trò chơi âm nhạc hay Sasuke lắm...Thât vui và hạnh phúc của Khang  Dù không theo nghề kỹ sư, nhưng những gì thầy cô dạy luôn theo Khang trên mọi nẻo đường trong cuộc sống, nhất là những bài học làm người.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, Nguyên Khang quay trở về thăm lại trường Đại ​học Bách Khoa TP HCM để gặp các thầy cô giáo cũ. Dù không theo nghề kỹ sư, nhưng những gì thầy cô dạy luôn theo anh trên mọi nẻo đường trong cuộc sống, nhất là những bài học làm người.

Một lần, cô đang dạy, bị trúng gió. Cả lớp không có ai biết cạo gió nên tôi xung phong cạo gió cho cô vì ở nhà quen làm cho mẹ. Ngoài giờ học ở trường, tôi cũng thường đến nhà cô giáo học thêm. Ngày nào cũng vậy, trước khi bắt đầu buổi học, tôi đến sớm quét sạch lớp giúp cô. Từ đó, cô quý tôi, không chỉ là tình cảm với cậu bé lớp trưởng chăm học mà coi như một đứa con. Nhìn thấy áo của tôi bị bung nút, cô gọi vào, lấy kim chỉ khâu lại. 

Sau này, không còn học cô nữa, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm cô. Tuy nhiên, vài năm gần đây, cô chuyển nhà xuống quận Thủ Đức, không còn gần nhà tôi nên cô trò ít gặp nhau. Tôi luôn nhớ về cô – cô giáo tận tâm, thương trò.

Bảo Lan

Hơn chục năm học đàn bầu, tôi gắn bó với hai thầy cô dạy đàn bầu. Nếu thầy Trung là người nắn nót những phím đàn đầu tiên cho cô bé 5 tuổi lơ ngơ thì cô Thanh Tâm là người dạy cho tôi cách làm nghề, kinh nghiệm sống khi bước chân vào nhạc viện. Nếu thầy, có thể ngồi đập bàn, đập nhịp với tôi sau mỗi buổi học thì cô Thanh Tâm tạo điều kiện cho tôi tham gia các phong trào ca hát của trường. 

Thành viên nhóm 5 Dòng kẻ gắn bó với hai thầy cô dạy đàn bầu.

Thầy Trung không phải là người quá giỏi chuyên môn nhưng  thầy có tâm của một nghệ sĩ. Nếu không gặp được thầy giáo biết cách truyền cảm hứng như thầy, có lẽ cô bé Bảo Lan ngày xưa khó kiên trì theo đuổi bộ môn này.

Ngày xưa, tôi mơ ước làm giáo viên nên nhìn cô Tâm như một hình mẫu. Cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thân thiện với học trò. Đa số giáo viên dạy khoa dân tộc, suy nghĩ hơi truyền thống, còn cô suy nghĩ cởi mở, hiện đại. Vì lẽ đó, cô không cản trở tôi tham gia các chương trình ca hát hay lập nhóm hát.

Thu Trang

Từ nhỏ, tôi đã là đứa nghịch ngợm, nghĩ ra đủ trò quậy phá trong lớp. Ba mẹ tôi thường bị giáo viên gọi lên "mắng vốn". Tôi học cũng không xuất sắc nên không để lại ấn tượng với thầy cô là điều dễ hiểu.  

Bước vào trường sân khấu, tính ngang bướng, tưng tửng của tôi lại có dịp được “trọng dụng”.  Tôi cảm ơn thầy Minh Nhí vì nhờ thầy, tôi mới biết mình có khả năng đóng hài. Trước đó, tôi thích đóng vai bi. Trong một lần thầy chuốt hài cho lớp, ai cũng không làm được thì thầy gọi tôi lên tập. Không ngờ, tôi làm tốt. Từ đó, thầy hướng tôi theo hài.

Thầy Minh Nhí chính là người mở ra con đường hài với Thu Trang.

Thầy Minh Nhí lên sân khấu cháy như thế nào, đứng lớp nhiệt tình như vậy. Điều tôi quý nhất ở thầy là chỉ bảo tận tình cho từng người trong lớp chứ không riêng một ai. Không phải, thầy cô nào cũng có sự công tâm như thế. 

Với tính cách nghệ sĩ, thầy nhạy cảm dễ nhận ra tâm trạng của sinh viên. Thời gian gia đình tôi gặp biến cố, kinh tế khó khăn, nhìn tôi buồn rầu, thầy biết chuyện bèn động viên: “Diễn hài mà nặng trĩu tâm trạng thì diễn không ra đâu. Cố gắng đi, mọi khó khăn sẽ sớm qua thôi”.

Tiết Cương

Năm tôi bước chân vào trường Sân khấu Điện ảnh, thầy Minh Nhí trực tiếp giảng dạy bộ môn Kỹ thuật biểu diễn. Giai đoạn 1994-1997, thầy là ngôi sao số 1 của làng hài kịch nhưng không có buổi nào thầy vắng mặt. Tài năng của thầy không phải bàn cãi. Những mùa thi, các sinh viên lớp khác đều xếp hàng xem lớp tôi biểu diễn. Lớp tôi diễn bi làm người ta khóc nức nở, diễn hài lại khiến họ cười nức nẻ. Chính thầy là người tạo ra thế hệ vàng gồm có bộ ba Việt Hương – Tiết Cương, Thúy Nga và lứa diễn viên có Cao Minh Đạt, Đức Thịnh, Hạnh Thúy. Sau này thầy đứng lớp của Thu Trang.

Minh Nhí chụp cùng các học trò.

Tôi còn nhớ những mùa thi, cả lớp thức đêm ôn bài, đứa nào cũng nghèo không có tiền ăn khuya. Thầy bỏ tiền bao cả lớp ăn hủ tiếu gõ gần trường hay ăn chè trứng ở đường Nguyễn Đình Chiểu. Hai học kỳ liền, tôi đều đoạt loại giỏi nên ỷ lại và ham chơi. Kết quả học kỳ 3 bị tụt điểm, xấu hổ lắm. Thầy Minh Nhí kêu tôi ra, chửi cho một trận tơi bời làm tôi tự ái và khóc rất nhiều. Nhưng nhờ lời dạy của thầy, tôi chỉnh đốn lại bản thân và mới nên người như ngày hôm nay.

Hoàng Tôn

Trong sự nghiệp âm nhạc, tôi có 3 người thầy và chịu ảnh hưởng từ họ rất nhiều. Người thầy đầu tiên cũng chính là mẹ tôi. Mẹ là giảng viên thanh nhạc trường Nhạc viện thành phố. Từ nhỏ tôi được nghe mẹ đàn và hát ru thường xuyên, lớn lên, mẹ dạy tôi những nốt nhạc đầu đời. Tôi có niềm đam mê to lớn với âm nhạc và mẹ từng băn khoăn rất nhiều về việc có nên để con trai theo đuổi con đường nghệ thuật hay không. Cuối cùng mẹ vẫn ủng hộ và theo sát tôi trên bước đường sự nghiệp. Tôi yêu mẹ và biết ơn mẹ vì tình thương và sự hy sinh dành cho con trai.

Mẹ Hoàng Tôn dạy con trai những nốt nhạc đầu tiên.

Chị Phương Uyên như người thầy đầu tiên khi tôi chạm ngõ con đường ca hát. Tôi gặp chị ở buổi thử giọng cuộc thi The Voice 2013. Lúc đó tôi run quá nên chắc được chị chú ý. Sau đó, chị ấy hỏi tôi từng tham gia cuộc thi nào khác không. Tôi trả lời, em thi nhiều rồi nhưng toàn bị đánh rớt. Chị Uyên cười bảo, vậy là họ không biết dùng người. Nhờ có chị, tôi tự tin vào bản thân mình hơn.

Vào cuộc thi, tôi được HLV Mỹ Linh dìu dắt nên tôi thân với cô hơn. Dù chỉ có vài tháng gắn bó nhưng sự dạy dỗ của cô Mỹ Linh là hành trang để tôi tiến bước sau này. Những kinh nghiệm quý báu và lời dạy bảo của cô, tôi sẽ không bao giờ quên.

Băng Di

Ngày xưa học ở trường Đoàn Thị Điểm, tôi là đứa nghịch ngầm, chuyên gia bày trò cho cả lớp quậy. Lớp tôi có một cuốn lưu bút, mọi bí mật đều lưu giữ trong đó từ việc đặt bí danh cho các thầy cô hay chuyện yêu thầm, yêu trộm của các bạn. Mỗi ngày lớp chuyền tay cho nhau giữ và có trách nhiệm ghi lại tình hình của những buổi học.

Băng Di là cô nàng siêu quậy.

Hôm đó học tiết Toán, cô giáo dạy môn này được chúng tôi gọi là hung thần của lớp. Một bạn gái bàn đầu vừa nghe giảng và chăm chú ghi vào lưu bút nhưng không may bị cô bắt gặp. Trong đó tôi có ghi “cô Thúy Toán hôm nay mặc đồ trông mập quá”. Cô tra khảo suốt cả buổi, bắt bạn ấy phải khai ra ai là người viết dòng chữ đó. Nhưng không ai khai nên cô méc lại với thầy chủ nhiệm. Thầy phạt cả lớp đứng, ai khai ra mới chịu thôi nhưng cuối cùng không ai tiết lộ nên thầy đành bất lực chịu thua.

Hòa Minzy

Hồi học phổ thông tôi nổi tiếng nghịch ngợm và được đặt biệt danh “siêu quậy”. Tuy nhiên, nhờ tham gia năng nổ phong trào hát hò của trường nên tôi vẫn được các thầy cô ưu ái và yêu thương.

Hòa Minzy vừa học vừa kiếm tiền từ việc đi hát.

Sau này, khi bước chân vào trường Nghệ thuật Hà Nội, tôi thường xuyên đi hát kiếm tiền và không tập trung việc học. Khi đó thầy cô trong trường rất buồn phiền và đã la mắng tôi nhiều lần. Nhưng các thầy cô cũng tạo điều kiện để tôi học đủ những tiết đã bỏ và tận tình giúp đỡ tôi hoàn thành khóa học.

 

Hằng Nguyễn - Kim Chi

Bạn có thể quan tâm