Những năm 1990, ở các bến xe đò thường thấy có những người bán sách dạo. Họ ôm bằng hai tay một chồng sách cao gần tới cổ, rảo quanh bến xe mời khách mua sách. Sách gồm những tác phẩm dễ đọc, tác giả dễ đọc.
Nếu không là truyện của Hồ Biểu Chánh, thì là những cuốn sách giật gân ăn khách kiểu như Vụ án đêm giao thừa, Lửa hận rừng xanh, Một thời ngang dọc. Ai cần mua cứ gọi họ đến ngay, đặt chồng sách xuống, tay rút vài cuốn đang ăn khách để mời. Khách sẽ chọn một cuốn ưng ý để giết thời giờ trên chiếc xe đò liên tỉnh chạy chậm rì.
Lâu lâu có người mua vài cuốn làm quà cho người ở quê. Kiểu bán sách dạo này không phổ biến so với bán báo dạo, nhưng không phải mới mẻ mà đã có từ lâu.
Nhân vật Trúc (Tăng Thành Hà thủ vai) trong phim Bỗng dưng muốn khóc. Trúc là cô gái bán sách dạo, khát khao được đi học. |
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong bài viết “Kỷ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn” (giai phẩm Bách Khoa số kỷ niệm 16 năm và Xuân Quý Sửu 1973) kể là quê ông ngoài miền Bắc ngày xưa còn có những người bán sách dạo mà ông thấy chỉ được một hai lần.
“Họ gánh một đôi bồ chứa đầy sách ghé vào nhà bác tôi ở quê. Có lẽ mỗi năm họ mới ghé một lần, bán sách thì ít mà đổi sách thì nhiều: Đổi sách lấy giấy đã viết rồi để ra tỉnh bán ra cho những nhà làm lọng làm quạt. Họ cũng như hạng người đi mua giấy báo cũ bây giờ. Về sau số người cần sách mỗi ngày một hiếm, họ không đổi sách mà đổi kẹo mạch nha lấy giấy. Rồi sau nữa người học chữ Nho mỗi ngày một hiếm, giấy cũ cũng không có, nghề đó dẹp luôn”.
Báo Sài Gòn số 14344 (8/4/1940) có bài viết “Nghề xuất bản sách” (không ghi tên tác giả) cho biết tình hình bán sách báo lúc đó đầy chán ngán nhưng thực tế có hai người biết cách bán sách rất hay dù không làm xuất bản. Đó là hai ông Phạm Đình Khương và Phạm Văn Thình.
Hai ông chỉ phát hành thơ, truyện, tuồng, bài ca thôi mà làm ăn khấm khá. Khắp các chợ nhỏ từ thành thị ở thôn quê đều có tiệm bán sách của hai ông. Các loại sách này thường để chung các đồ vật vụn vặt của người bán dạo bày trên chiếc chiếu trải dướt đất: Dao, kéo, gương soi, thuốc phong tình, thơ Chàng Nhái, vọng cổ ân tình...
Tác giả đi xuống Cà Mau thấy có năm người bán sách của hai ông này. Còn ở chợ các tỉnh khác ở miền Nam có khá đông người hai bên dãy phố quanh chợ.
Ông tả: “Nhiều nơi, họ choán một góc trong nhà chợ, dăng dây bốn phía và treo loại sách này lên như thầy pháp lập đàn trận. Những tranh bìa các sách này sặc sỡ, màu in phủ tràn, nét vẽ ngoằn ngoèo, người không ra người, nhà không ra nhà, cây không ra cây, như bùa chú của pháp sư phá đàn, trông rất buồn cười. Anh chèo ghe, người phát cỏ, người bán hàng gánh đều có thể mua được, đọc được, ngâm nga được”.
Tác giả cho biết thêm là cả hai “nhà xuất bản” này tái bản mỗi cuốn hơn năm lần, mỗi lần 2 nghìn cuốn, tức một cuốn thơ bán ra mười nghìn cuốn, bán giá 5 xu, một cắc hay lên tới hai cắc tùy cuốn. Người mua về bán lại, theo giá trăm, tức giá sỉ. Họ mua mỗi lần cả trăm cuốn, “lạm xạm đủ thứ”, nhất là bài ca bán rất được.