Nhiều nước trên thế giới từng ghi nhận các vụ cá chết hàng loạt, biến đổi hệ sinh thái hay ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài các lệnh đình chỉ hoạt động nhà máy hay làm sạch môi trường, một số doanh nghiệp đã phải đóng các khoản đền bù hoặc chịu phạt.
20 tỷ USD cho sự cố tràn dầu vịnh Mexico
Tháng 4/2016, thẩm phán liên bang thành phố New Orleans, Mỹ, ông Carl Barbier, thông qua mức phạt lên đến 20 tỷ USD cho Tập đoàn dầu khí BP của Anh, nhằm giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico năm 2010. Theo AP, tập đoàn BP sẽ phải hoàn tất số tiền phạt này trong 16 năm.
Mức phạt được thông báo lần đầu tiên vào tháng 7/2015, bao gồm 5,5 tỷ USD theo Đạo luật Vùng biển sạch. Số còn lại để khắc phục hệ quả ô nhiễm môi trường và bồi thường cho 5 bang chịu ảnh hưởng cùng chính quyền địa phương.
Sự cố tràn dầu năm 2010 ở Vịnh Mexico. Ảnh: Getty |
"BP nhận hình phạt thích đáng, bồi thường cho những thiệt hại gây ra cho môi trường và kinh tế vùng Vịnh. Mức phạt này nên là điều mà BP và các đồng nghiệp ghi nhớ, để có những biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo rằng điều tương tự không bao giờ xảy ra", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch nhấn mạnh.
Năm 2010, vụ tràn dầu bắt nguồn từ một vụ nổ tại giàn khoan Deepwater Horizon của BP ngoài khơi nước Mỹ đã làm 11 người thiệt mạng. Sự cố khiến hơn 100 triệu thùng dầu chảy ra ngoài và tàn phá bờ biển các bang miền Nam nước Mỹ, từ Florida đến Texas. Đây được coi một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo báo cáo của Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia năm 2015, sinh vật biển đang vật lộn với môi trường sống, nếu không chết với số lượng lớn. Tại bang Louisiana năm 2014, số lượng cá heo mũi chai được phát hiện chết cao gấp 4 lần mức kỷ lục trong lịch sử. Hàng chục nghìn con rùa biển nhỏ đã chết sau thảm hoạ và số lượng tổ rùa trong khu vực tiếp tục giảm mạnh.
Chevron chịu phạt 9,5 tỷ USD
Tháng 2/2011, toà án ở Lago Agrio, Ecuador đưa ra mức phạt 18 tỷ USD, sau đó giảm xuống còn 9,5 tỷ USD đối với tập đoàn Chevron. Theo WSJ, tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Mỹ bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực Amazon ở Ecuador, xuất phát từ hoạt động sản xuất dầu thô. Ecuador còn kiện Chevron ở Brazil, Argentina và Canada, những nơi mà tài sản của công ty này có thể bị tịch thu.
Vào tháng 3/2014, toà án các quận phía nam của New York, Mỹ, tuyên bố khoản phạt 9,5 tỷ USD là sản phẩm của hoạt động hối lộ và gian lận, do đó không thể thi hành.
Các nhân viên của công ty Petroecuador đang tham gia hoạt động cải tạo và làm sạch tại khu vực xảy ra tràn dầu ở tỉnh Orellana, Ecuador. Ảnh: Getty |
Tuy nhiên, một năm sau đó, Toà Công lý Quốc tế đã ra phán quyết yêu cầu tập đoàn này bồi thường số tiền trên cho những thiệt hại môi trường trong quá trình khai thác đã ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron bồi thường 9,5 tỷ USD cho những thiệt hại về môi trường đã gây ra cho Ecuador trong quá trình khai thác gần 30 năm.
Chevron mua lại Texaco năm 2001 và trở thành mục tiêu trong các khiếu nại của người dân bản địa Ecuador ở vùng Lago Agrio. Đại diện của Texaco thừa nhận đã đổ ít nhất 68 tỷ lít nước khai thác (sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất dầu và khí đốt) xuống các dòng nước trong giai đoạn 1964 - 1992 để cắt giảm chi phí.
Toà án Ecuador cũng cáo buộc công ty này để lại 900 hố sâu chứa đầy dầu thải, làm ô nhiễm đất và nguồn nước ở các vùng xung quanh. Một số ước tính cho rằng mức độ ô nhiễm ở đây cao hơn 80 lần so với thảm hoạ tràn dầu ở Vịnh Mexico. Theo các đánh giá khoa học độc lập, tỷ lệ ung thư ở những khu vực Texaco hoạt động cũng cao hơn.
Căn bệnh lạ của người Nhật và 86 triệu USD
Năm 1956, một bé gái được đưa vào bệnh viện của công ty Chisso với những biểu hiện nghiêm trọng như không thể nói chuyện, đi lại hay ăn uống. Căn bệnh được biết đến rộng rãi vào ngày 1/5/1956, khi bác sĩ Hajime Hosokawa, thuộc bệnh viện của công ty Shin Nihon Chisso Hiryo, báo cáo một "bệnh dịch lạ liên quan đến hệ thần kinh trung ương", sau khi ghi nhận 4 bệnh nhân rối loạn thần kinh không rõ nguyên nhân. Không lâu sau đó, 54 trường hợp khác được phát hiện và 17 người tử vong.
Bác sĩ và một bệnh nhân Minamata trong bệnh viện. Ảnh: ehp.niehs.nih.gov
|
Năm 1959, các giáo sư Đại học Kumamoto đưa ra thông báo chính thức rằng căn bệnh ở vùng Minamata là bệnh thần kinh, do ăn cá và sinh vật có vỏ cứng từ vịnh Minamata.
Mãi đến năm 1968, chính phủ Nhật Bản mới chính thức công nhận thuỷ ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso là nguyên nhân gây bệnh. Cùng lúc đó, công ty tiếp tục xả nước thải ô nhiễm ra biển, làm nhiễm độc cá, khiến người dân địa phương mắc bệnh sau khi ăn cá. Điều này khiến căn bệnh ngày càng lan rộng trong khu vực.
Năm 2001, khoảng 3.000 người được chính thức công nhận là mắc bệnh Minamata. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân Minamata vẫn nằm ngoài danh sách cứu trợ do chưa xét duyệt đủ điều kiện công nhận là người nhiễm bệnh. Năm 2004, Chisso đã trả 86 triệu USD tiền bồi thường. Cùng năm, công ty phải tiến hành các biện pháp vệ sinh nhằm dọn sạch khu vực chịu ảnh hưởng.
Bệnh Minamata ở Nhật Bản là hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng ô nhiễm do thuỷ ngân trong nước thải nhà máy công nghiệp tại các nước đang phát triển.
Tuy nhiên hiện nay, thuỷ ngân vẫn được sử dụng trong quy trình tách vàng từ quặng. Nó không chỉ làm tổn hại sức khoẻ của thợ mỏ, mà còn xâm nhập vào nước thải từ các mỏ và gây ô nhiễm môi trường.