Có người gọi Lớn rồi hết sợ là hồi ký đặc biệt. Một kiểu trình bày hồi ký khéo léo khiến người đọc như tiếp xúc với một tác phẩm hư cấu. Nếu đọc các truyện ngắn về Ấn Độ hay những sáng tác khác cũng thấy màu sắc hồi ký về quãng thời gian Hồ Anh Thái là nghiên cứu sinh và công tác tại các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài thì sẽ thấy dường như nhà văn chẳng mấy quan tâm đến chuyện hư cấu hay phi hư cấu. Có vẻ với mỗi trang viết, ông đều hướng đến tư tưởng ẩn sâu dưới những lớp lang của ẩn dụ và biểu tượng.
Lớn rồi hết sợ là kể chuyện người thật, việc thật. Các nhân vật là những thành viên trong gia đình nhà văn cùng bạn bè, láng giềng. Quãng thời gian trải dài qua hai lần đi sơ tán vì miền Bắc bị Mỹ ném bom, trải qua giai đoạn bao cấp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cho đến mãi sau này khi các cháu của nhà văn dần trưởng thành.
Lớn rồi hết sợ không đầy ắp những biểu tượng và ẩn dụ. Cũng với cách kể hóm hỉnh quen thuộc, Hồ Anh Thái dẫn dắt người đọc trở lại thời bao cấp những năm 60 của thế kỷ XX trở đi. Một thời phố thị cũng như miền quê đều nghèo túng.
Hàng tháng, mỗi người chỉ được phép mua vài lạng thịt. Câu nói của cậu bé lên năm “sao thịt hôm nay dai thế” chẳng khác một tiếng nổ giữa bữa cơm tối. Hôm nay làm gì có thịt? “Nhè ra cho mợ xem nào?” - Bà mẹ kinh ngạc bảo và thứ được nhả ra là một con sên. Loại sên không có vỏ ốc vẫn bò trên hàng rào, vườn tược. Có thể chú sên đã bò vào rổ rau khi người chị giúp mẹ nấu nướng và không để ý.
Đó là câu chuyện mở đầu cuốn sách. Câu chuyện gợi ấn tượng mạnh đối với cậu con út, chính là nhà văn Hồ Anh Thái sau này. Hơn một tuổi, cậu bé đã bị gãy xương quai xanh. Người ta tin gặp phải tai nạn như thế về sau sẽ không làm được những việc chân tay nặng. Cảm thấy xấu hổ khi bị coi thường và vì thương cha mẹ nên hơn mười tuổi, chú bé đã biết gánh nước từ máy nước công cộng về nhà.
Cuốn sách còn là những câu chuyện vượt khó của nhà văn. Thuở bé nhút nhát, gặp ai cũng chỉ chào lí nhí trong miệng, sợ mèo, sợ độ cao. Nhờ những lời động viên của người cha, ông đã tập diễn chèo, tập thuyết trình, học giỏi ngoại ngữ cốt làm sao để có thể xuất hiện trước đám đông, được nói, được tự rèn luyện, qua đó vượt qua những nhút nhát thuở ấu thơ. Từ nhỏ, nhà văn đã tỏ ra là người ham đọc sách.
Tám tuổi đã được cha cho phép đọc các tiểu thuyết phương Tây. Thời bao cấp, chỉ những ai có thẻ nghiên cứu mới mua được sách quý. Nhà văn lân la làm quen với các cô bán sách, giúp họ khuân vác sách vào hiệu sách, qua đó có thể được ưu tiên cho mua những cuốn sách mới, sách hay.
Cuốn sách cũng hé lộ con đường trở thành nhà văn của Hồ Anh Thái. Mười lăm tuổi đã tập tành viết và lặng lẽ gửi đi. Mười tám tuổi đã xuất hiện trên các báo lớn về văn chương như Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội… Qua những câu chuyện được kể một cách hài hước, người đọc biết được thêm những giai thoại về các văn nghệ sĩ như Hoàng Trung Thông, Anh Thơ, Ý Nhi…
Lớn rồi hết sợ còn là bức tranh về một gia đình với bảy anh chị em nhưng mỗi người một tính cách. Số phận mỗi người đều rẽ theo những ngã riêng, nhưng tinh thần dòng họ vẫn gắn kết các thành viên trong một sự thống nhất. Mỗi người trong nhà đều có thiên hướng nghệ thuật.
Bà mẹ có thể hát ru con bằng trường ca Chinh phụ ngâm và yêu thích hội họa. Người cha luôn nghiêm khắc với cậu con út mà không cấm đoán con đọc những tác phẩm văn chương lớn của phương Tây như nhiều nhà khác, dù lúc đó nhà văn mới chỉ là một cậu trò tiểu học.
Người cha có thể đọc thuộc lòng hàng trăm bài thơ cổ, thơ tiền chiến của Nguyễn Bính, Anh Thơ… Ông còn là một tay cờ tướng có hạng, tường thuật bóng đá trên đài và làm trọng tài bóng đá hạng A. Một người bản lĩnh không biết sợ ai.
Ba người anh qua những câu chuyện của Hồ Anh Thái cũng hiện lên đầy góc cạnh. Người anh lớn điềm đạm trầm tĩnh, trưởng thành từ một nhà giáo thành nhà thơ, nhà quản lý. Một người khác đầy hoài bão về sau trở thành kỹ sư chế tạo máy.
Người anh sát nhà văn thừa hưởng tính cách của cha, trở thành một nhà báo có cá tính “không sợ ai và cũng chẳng sợ gì”. Mới mười một tuổi, một mình anh dám đi bộ mấy chục cây số trong thời chiến để tìm cha khi cơ quan của cha phải đi sơ tán…
Cuốn sách càng thú vị vì đã khơi gợi ký ức ở người đọc, giúp mỗi người nhớ lại những kỷ niệm tương tự về thời tuổi thơ trong chiến tranh và ở thời bao cấp.
Đọc Lớn rồi hết sợ chúng ta không được chiêm ngưỡng những thủ pháp tài tình như khi Hồ Anh Thái trình diễn những ẩn dụ trong tiểu thuyết. Song người đọc vẫn có cảm tưởng thích thú khi bước chân vào thế giới những câu chuyện được kể như là một cuộc dạo chơi trong miền ký ức bằng giọng văn hóm hỉnh vốn có của nhà văn.