Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Hồ Anh Thái: 'Tiểu thuyết là giấc mơ dài'

Trả lời câu hỏi của Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt, Hồ Anh Thái nói với ông tiểu thuyết là giấc mơ dài mà nhà văn kể lại cho công chúng trên trang viết.

Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2019 diễn ra từ 16/10 đến 20/10, thu hút 302.267 khách tham dự từ 104 quốc gia, với 7.450 gian trưng bày. Năm nay, nhà văn Hồ Anh Thái được ban tổ chức mời tham dự một số tọa đàm.

Văn chương ảnh hưởng đến tâm hồn, nhận thức con người

Ngay ngày đầu tiên hội sách 16/10, ông tham gia diễn đàn "Văn chương và chính trị". Cùng tọa đàm có các nữ nhà văn Hon Lai-Chu (Hong Kong), Chuah Guat Eng (Malaysia). Tại chương trình, chủ tọa Claudia Kaiser (Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt) nêu trực tiếp những câu hỏi với nhà văn Hồ Anh Thái.

Trước câu hỏi “Những vấn đề hiện tại có ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm của ông?”, nhà văn Hồ Anh Thái khái quát về tác động của thời cuộc tới văn chương. Ông cho biết trong lịch sử, Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống quân xâm lược: 1.000 năm chống quân bá quyền Trung Quốc, 100 năm chống Pháp, 21 năm chống Mỹ và nhiều cuộc chiến tranh nhỏ lẻ trên biên giới.

Thời trước năm 1975, đất nước có chiến tranh, nhà văn Việt Nam chỉ viết bằng cảm hứng anh hùng ca để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân.

Ho Anh Thai toa dam tai Frankfurt anh 1
Nhà văn Hồ Anh Thái tham gia tọa đàm tại hội sách Frankfurt 2019.

Sau chiến tranh, kể từ Đổi mới 1986, họ được khích lệ viết về những mặt trái của xã hội; không chỉ viết về chiến thắng và thành tựu mà cả những non yếu trong tổ chức quản lý xã hội cũng như những mất mát trong tình cảm riêng tư.

Thời kỳ này, nhà văn nhầm tưởng rằng cứ viết về cái xấu, cái ác, và tệ nạn xã hội là có tác phẩm hay. Dần dần, cho đến nay, họ đã bình tĩnh hơn trong việc đánh giá giá trị thực của tác phẩm, đang dần lấy lại sự cân bằng, bình ổn tinh thần để nhìn nhận đúng đắn hơn về văn chương.

Với câu hỏi “Liệu văn học có thể thay đổi con đường chính trị hay không?”, nhà văn nêu quan điểm: “Văn chương chủ yếu ảnh hưởng đến tâm hồn và nhận thức của con người. Con người ấy sẽ trưởng thành để khi làm chính trị có thể điều tiết mình một cách hợp lý, có ích cho cộng đồng. Đấy là kiểu tác động của văn học đến chính trị”.

Nói về ý nghĩa của văn chương đối với nhà văn, tác giả Hồ Anh Thái cho rằng nhà văn viết vì yêu văn chương. Nhà văn viết vì đấy là công việc mà họ có thể làm được một cách tốt nhất.

Ông cũng chia sẻ về những điều thôi thúc mình cầm bút. “Đối với tôi tiểu thuyết là một giấc mơ dài”, nhà văn nói. Khi tỉnh dậy, ta có thể tiếc nuối một giấc mơ đẹp nhưng cũng có khi ta cảm thấy may mắn vì đã chấm dứt ác mộng. Và nhà văn muốn kể lại cho mọi người biết giấc mơ ấy trong trang viết của mình…

Nhà văn viết về lịch sử theo cách của họ

Cuộc tọa đàm thứ hai mà nhà văn Hồ Anh Thái tham gia diễn ra ngày 19/10 với chủ đề "Viết về lịch sử". Trên sân khấu ASEAN, lần này xuất hiện các nhà văn Đông Nam Á: Soe Tjen người Indonesia, GS Gerardo Los Banos người Philippines, Chuah Guat Eng người Malaysia. Dẫn chương trình là dịch giả kiêm nhà xuất bản người Mỹ John McGlynn.

Trong quá trình tọa đàm, trao đổi qua lại, nhà văn Hồ Anh Thái trình bày quan điểm của mình. Ông cho rằng tất cả nhà văn đều viết về lịch sử theo cách của họ, bởi vì nhà văn là thư ký của thời đại mình. Thế hệ sau đọc sách của họ có thể cảm nhận được không khí thời đại ngày trước, hiểu được tâm lý và tình cảm của con người thời ấy, cảm nhận được xu hướng nào đang suy tàn hoặc đang phát triển. Đấy là vì các nhà văn luôn viết về lịch sử, một lịch sử sống.

Ho Anh Thai toa dam tai Frankfurt anh 2
Nhà văn Hồ Anh Thái. 

Ít nhất có hai quan niệm viết về lịch sử:

Quan niệm thứ nhất: nhà văn đặt mình vào thời đại đã qua và viết đúng như những gì đã xảy ra, bằng tâm lý của con người thời đại đó.

Kiểu viết này có ích cho những độc giả muốn sống lại một cách chính xác thời đại đã qua. Kiểu tiểu thuyết lịch sử này cũng thuộc loại khó viết, vì tác giả không dễ vượt qua được những nhược điểm và định kiến của thời đại mình.

Quan điểm thứ hai: nhà văn chỉ coi lịch sử là cái mắc áo, và mắc lên đó những bộ trang phục của thời đại hôm nay. Kiểu viết này thỏa mãn những người đọc muốn sử dụng lịch sử cho những mục tiêu của thời đại mà họ đang sống.

Leo Tolstoy ra đời năm 1828, 16 năm sau cuộc chiến tranh 1812, rồi ông viết Chiến tranh và hòa bình năm 1869, tức là 57 năm sau cuộc chiến tranh.

Stephen Crane là tác giả viết hay về nội chiến Mỹ 1861-1865, nhưng ông ra đời 6 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này.

Viết hay về lịch sử không nhất thiết phải là người trực tiếp tham chiến, trong những trường hợp kể trên. Viết hay về lịch sử cần một tài năng lớn, với sức tưởng tượng phi thường, với sự nhạy bén và am hiểu sâu sắc về nhân loại và thế giới. Vậy mà vẫn có những nhà văn thiếu tự tin khi tự khẳng định rằng mình từng trải qua chiến tranh cho nên mình viết về cuộc chiến đó hay hơn người chưa từng trải.

Theo quan niệm của nhà văn Hồ Anh Thái, các nhà văn Việt Nam đều viết về lịch sử mà họ đang sống và đã có một số thành tựu. Còn theo quan niệm lịch sử là cái đã qua, một số nhà văn Việt Nam cũng viết về các triều đại, các cuộc chiến tranh, những cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong lịch sử… và đã có những thành công đáng khích lệ.

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đã đề cập nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử, chẳng hạn viết về một triều đại ở thế kỷ 14 đã có công cải cách kinh tế đất nước và chống giặc ngoại xâm phương Bắc… Những tiểu thuyết này được đón đọc rộng rãi và là sự gợi ý cho những ý tưởng tiếp theo, ở những thế hệ nhà văn tiếp theo…


HAT

Bạn có thể quan tâm